Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 28/10/2013 10:49'(GMT+7)

Tín hiệu vui chặng cuối năm

Giao dịch tại Ngân hàng VPBank. (Ảnh: Thời báo Tài chính VN).

Giao dịch tại Ngân hàng VPBank. (Ảnh: Thời báo Tài chính VN).

Tín hiệu vui

Nếu như trong quý I/2013, số vốn được bơm ra cho nền kinh tế chỉ chưa đầy 1% so với cuối năm 2012, thì đến cuối quý III/2013 con số này đã là trên 5%. Hai tháng trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã có những cải thiện rõ rệt và hoạt động tín dụng bắt đầu khởi sắc khi tính đến tháng 9/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 6,45% so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy những giải pháp điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong các quý trước đã phát huy tác dụng. Trước đó, số liệu của NHNN cho thấy, tính đến ngày 30/7, tăng trưởng tín dụng cả hệ thống chỉ đạt 5,15% làm dấy lên lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng có thể không đạt được trong năm nay.

Trong quý III/2013, mặc dù nhu cầu vay vốn của DN chưa có sự cải thiện mạnh mẽ, nhưng một điều đáng ghi nhận là những nỗ lực của các ngân hàng trong việc tập trung đẩy mạnh hoạt động cho vay thông qua nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cắt giảm thủ tục vay. Đồng thời, không ít ngân hàng còn tích cực chủ động giảm nhẹ lượng trái phiếu và tín phiếu chính phủ trong danh mục chứng khoán đầu tư so với các quý trrước đó. Động thái này nhằm hiện thực hóa phần lợi nhuận và đẩy mạnh tín dụng. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiên cũng đã được điều chỉnh giảm ở mức thấp kỷ lục trong vòng vài năm trở lại đây. Đây là điểm tích cực nhất của thị trường tiền tệ, nó phát đi thông điệp về sự ổn định vững chắc của thị trường, cũng như của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát.

Thực tế, từ đầu quý III/2013, tín dụng của hầu hết các ngân hàng đều có sự tăng trưởng đáng kể. Thống kê của TP. Hà Nội cho biết tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 9/2013 tăng 3,5% so với cuối năm 2012. Tại TP. Hồ Chí Minh, dư nợ riêng cho vay VND ước tính đến tháng 9/2013 khoảng 743.665 tỷ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2012, tuy nhiên, tính chung thì dư nợ chỉ tăng 4,82% so với cuối năm 2012. Một số ngân hàng có dư nợ lớn đã tăng trưởng trở lại như Agribank tăng 4,2% (tính đến hết quý II/2013), Vietcombank tăng 2,8% (tính đến 8/2013) sau nhiều tháng tăng trưởng âm...

Một trong những nguyên nhân chính giúp tín dụng tăng trưởng trở lại trong vài tháng trở lại đây là tác động từ việc giảm mặt bằng lãi suất. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, thấp hơn năm 2007.

Chặng cuối cuộc đua

Với dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức trên 7% cho cả năm 2013, lãi suất sẽ ổn định từ nay đến cuối năm là cơ hội cho DN có chất lượng tín dụng tốt và kế hoạch kinh doanh khả thi tranh thủ được nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời cũng là cơ sở để lạc quan vào tốc động tăng trưởng tín dụng cuối năm. Hiện tại, uu thế vẫn đang thuộc về các ngân hàng có thế mạnh về mảng ngân hàng bán lẻ với cơ sở khách hàng cá nhân đa dạng, trong khi các NHTM có cổ phần Nhà nước chi phối với cơ sở khách hàng tập trung vào các tập đoàn lớn sẽ khó chủ động hơn trong việc giải ngân.

Lý giải về hiện tượng khả quan này, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ  của NHNN cho rằng, điều kiện kinh tế dù vẫn còn khó khăn nhưng đã được cải thiện, cùng với đó là lãi suất cho vay liên tiếp được các NHTM hạ xuống đã khiến cho dòng vốn được khơi nguồn.

Điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2013 của Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ - NHNN cho thấy, trên 50% tổ chức tín dụng đã hoặc sẽ tăng dư nợ cho vay tiêu dùng trong quý III và quý IV/2013; 36,6% tập trung thúc đẩy cho vay DN có vốn đầu tư nước ngoài; khoảng 40% tổ chức tín dụng đã hoặc dự kiến sẽ cắt giảm tín dụng cho lĩnh vực đầu tư bất động sản trong quý III và quý IV/2013. Đa số các tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay VND duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ khoảng 1% trong quý IV/2013. Trong đó, xu hướng giảm lãi suất cho vay diễn ra rõ nét hơn, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu về gửi tiền, vay vốn và sử dụng dịch vụ ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013. Các tổ chức tín dụng tiếp tục chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng trên 80% tổ chức tín dụng cho biết, vẫn duy trì hoặc gia tăng số lượng lao động trong quý III/2013 so với quý II/2013 và dự kiến tiếp tục duy trì hoặc gia tăng trong quý IV/2013 để sẵn sàng nắm bắt thời cơ mới khi nền kinh tế có chuyển biến tích cực.

Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm và không còn là vấn đề cản trở với nhu cầu vay của doanh nghiệp. Với dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 7% cho cả năm 2013, lãi suất sẽ ổn định từ nay đến cuối năm và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt và kế hoạch kinh doanh khả thi tranh thủ được nguồn vốn giá rẻ và cũng là tiền đề quan trọng để tăng trưởng tín dụng cán đích đúng hẹn mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra từ nay đến cuối năm bắt buộc toàn hệ thống phải đạt tăng trưởng ít nhất trên 5% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12%. Nếu áp lực tăng trưởng bằng mọi giá liệu các ngân hàng có vội vàng bỏ qua các quy định chặt chẽ để cho vay dễ dàng hay tập trung tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhằm kéo tỷ lệ tăng trưởng lên? Bài học cho thấy, tín dụng tiêu dùng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó, lượng tăng nhưng chất giảm - nợ xấu tăng trở lại thì mục tiêu ổn định kinh tế, giảm nợ xấu sẽ không đạt được./.

- “Trên cơ sở sức cầu tín dụng tăng lên, chính sách lãi suất cho vay khá ổn định và từ lượng vốn cam kết sẽ giải ngân cho khách hàng, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank ít nhất sẽ đạt 10% so với cuối năm 2012” (Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank).

- “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, ngân hàng càng phải chú trọng tới việc đưa nguồn vốn tới đúng địa chỉ, tránh chệch hướng, vốn có thể không được đưa vào sản xuất, kinh doanh, dẫn đến rủi ro tín dụng tăng”. (TS. Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN).

Thu Hương

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất