Để “Tín ngưỡng thờ Mẫu” phát triển lành mạnh
Sự
kiện đầu tiên được nhắc tới trong danh sách này chính là việc UNESCO
ghi danh Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt”
vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngày 1/12 vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên chính phủ
Công ước bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, Di sản “Thực hành
Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” đã được ghi danh; trở thành
di sản thứ 9 của Việt Nam được công nhận. “Sự kiện này đã góp phần tôn
vinh văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế, hình ảnh đất nước trên trường
quốc tế”, đại diện BTC bình chọn chia sẻ.
Tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam phủ nhằm tôn vinh, đề cao vai trò của người mẹ, góp phần gia
tăng lòng khoan dung giữa các tộc người và tôn giáo; thể hiện sự sáng
tạo của con người trong các thực hành nghi lễ, lễ hội, các sinh hoạt văn
hóa liên quan.
Ở đó, yếu tố văn hóa, nghệ thuật như
hát chầu văn, nhạc lễ, múa thiêng, trang phục, trình diễn… đều mang đậm
bản sắc văn hóa Việt Nam, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các
thế hệ hàng trăm năm.
Những giá trị trên của Tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam phủ là không thể phủ nhận, nhưng từ thực tế lâu nay cho
thấy, nhiều “biến tướng” mê tín dị đoan trong việc thực hành Tín ngưỡng
thờ Mẫu (gọi nôm na là hầu đồng) đã tạo ra những tác động không tốt
trong xã hội, thậm chí có thời gian đã buộc phải có lệnh cấm với hình
thức “lên đồng, hầu bóng”.
Chính vì vậy, rất nhiều
người tỏ ra lo ngại rằng cùng với việc được ghi danh, là yêu cầu phải
phổ biến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của UNESCO; nếu không có hình quản
lý phù hợp, rất có thể sẽ khiến những “mặt trái” lại bùng phát.
Về
vấn đề này, ông Trần Đăng Khoa, Tổng biên tập báo Văn hóa, Trưởng BTC
Bình chọn khẳng định: Bộ VHTTDL đã lường trước được vấn đề và đang xây
dựng chương trình hành động để bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ Mẫu
Tam phủ, trong đó sẽ có việc quản lý như thế nào để hạn chế được những
mặt trái. “Chương trình hành động này sẽ được công bố trong Lễ đón nhận
danh hiệu, diễn ra tại Nam Định trong thời gian tới đây”, ông Khoa cho
biết.
Đem nghệ thuật đỉnh cao tới công chúng
Là
hoạt động lần đầu tiên được triển khai, đây cũng là sáng kiến của đích
thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, chủ trương mở cửa Nhà hát
Lớn Hà Nội, công diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm
sân khấu chất lượng cao; cũng được đánh giá là sự kiện văn hóa nổi bật
của năm.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 9 vừa qua, mỗi tối
cuối tuần, Nhà hát Lớn Hà Nội đều “đỏ đèn” với các vở diễn chất lượng
cao của các Nhà hát thuộc Bộ. Đây là hoạt động nhằm gìn giữ, bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa- nghệ thuật truyền thống của dân tộc, giới
thiệu đến công chúng những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật và nội dung
tư tưởng tốt.
Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, đây là
“luồng gió mới” trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp công lập trong
năm 2016, đã góp phần nâng tầm chất lượng của các chương trình, vở diễn
khi được biểu diễn tại khán phòng sang trọng, tạo nên bầu không khí phấn
khởi trong giới nghệ sĩ, sự phản hồi tích cực từ phía khán giả yêu nghệ
thuật chân chính, sự đột phát về cách tổ chức, tạo hiệu ứng xã hội cao
trong xã hội.
Khẳng định hiệu quả của chương trình,
nhưng băn khoăn lớn của các nhà báo khi tham gia bình chọn là việc thiếu
vắng những chương trình mới, dành riêng cho chủ trương này; mà tất cả
15 buổi diễn đều là “bổn cũ soạn lại” của các Nhà hát mang ra diễn; như
vậy thì chưa thể khẳng định sự đầu tư của Bộ với chương trình.
Về
vấn đề này, ông Trần Đăng Khoa đã giải thích khá rõ: Do triển khai khá
nhanh, nên lãnh đạo Bộ và các bộ phận chuyên môn đều xác định, chưa thể
có ngay những vở diễn mới được, đòi hỏi như vậy sẽ “làm khó” các Nhà
hát. Bên cạnh đó, với “nguồn lực” là hơn 300 vở diễn chất lượng, đã đoạt
giải trong các cuộc thi, Liên hoan thời gian qua; trong số đó rất nhiều
vở chưa được phổ biến rộng rãi tới đông đảo công chúng, thì giai đoạn I
của chủ trương này sẽ theo phương án là trình diễn các vở diễn cũ.
Nhưng song song với đó, Bộ cũng khuyến khích các Nhà hát, các tác giả
sáng tác những tác phẩm mới, để đưa vào biểu diễn trong giai đoạn tới.
Bên
cạnh các sự kiện này, việc Di sản “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế
và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh” được Ủy ban Chương trình Ký
ức Thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương ghi danh là Di sản Tư liệu
Thế giới; Liên hoan phi Quốc tế Hà Nội lần thứ IV “đột phá” về số lượng
phim và khách quốc tế tham dự, trong đó có nhiều phim đoạt giải Oscar,
Cannes; Lần đầu tiên Hollywood quay bộ phim bom tấn “Kong: Skull Island”
tại 3 địa danh là những di sản thế giới tại Việt Nam; cũng được đưa vào
danh sách bình chọn.
Các tồn tại báo Văn hóa đưa ra gồm:
1. Triển lãm tranh giả.
2. Hiện tượng giả gái, hài nhảm trong showbiz.
3. Tình trạng cháy nổ, mất cắp hiện vật tại các di tích quốc gia vẫn chưa được khắc phục triệt để.
4.
Lối đá thô bạo và hành vi phản cảm đã làm xấu xí hình ảnh bóng đá Việt
Nam, khiến đội tuyển Việt Nam không lọt vào vòng chung kết AFF Suzuki
Cup 2016.
5.
Quá tải khách du lịch tại nhiều điểm đến, dẫn tới tình trạng không đảm
bảo chất lượng hoạt động du lịch, hướng dẫn viên nước ngoài tự giới
thiệu, làm sai lệch thông tin về Việt Nam.
6. Tình trạng cho doanh nghiệp du lịch nước ngoài đội lốt doanh nghiệp Việt Nam, gây ra những việc làm trái pháp luật.
|
(TTXVN)