Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8,
sáng 22/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính
Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình
về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp,
tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách
nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế,
xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn
khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Ủy viên Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình
bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa
đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau
của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
TẬP TRUNG XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ
Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, cơ quan quản lý thuế đã
có nhiều nỗ lực trong việc thu hồi nợ đọng thuế, theo đó công tác quản
lý nợ thuế đã đạt được kết quả quan trọng.
Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm
2014, đến cuối tháng 8/2019 giảm xuống ở mức 6,9%. Tuy nhiên, tình hình
nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31/8/2019
là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2018; trong đó tiền
nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7%
tổng số tiền nợ thuế.
Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số
tiền thuế chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên,
do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc
các doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất kinh doanh thực tế đã ngừng hoạt động hoặc bị cơ quan có
thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không còn khả
năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng
số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và
quản lý của các đối tượng nêu trên tính đến ngày 31/8/2019 là 15.779 tỷ
đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, cơ quan quản lý thuế đã tích
cực xử lý nợ đọng thuế, Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về xử lý nợ
đọng, trên cơ sở đó các cơ quan quàn lý thuế đã xây dựng phương án thu
hồi nợ, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, phân công
trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân trong việc thu nợ, như vậy kết quả
thu nợ trong những năm qua khá tốt, đạt 80% số nợ có khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, một số đơn vị mới tập trung vào thu các khoản nợ có khả năng
thu hồi, còn nợ đọng chưa được xử lý dứt điểm do chưa có cơ chế để thực
hiện.
Nêu sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Tờ trình nêu rõ: Thực hiện chỉ
đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 2667/TB-TTKQH ngày
19/3/2019, Chính phủ đã hoàn thiện Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc
hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Tại Luật này đã quy định
đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ và các điều kiện xử lý, thẩm quyền
xử lý nợ. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi
hành từ 1/7/2020; vì vậy đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày
1/7/2020 không được hồi tố để xử lý.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế
nhưng phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện
pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Hầu hết các khoản nợ hiện
nay chưa đủ điều kiện 10 năm nên không được xử lý nợ. Trong khi đó, đối
với các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, doanh nghiệp
giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh, trên thực tế là không
còn khả năng nộp ngân sách nhà nước nhưng vẫn tiền phạt và tiền chậm nộp
vẫn được tính.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 trước đây quy định
tiền phạt, phạt chậm nộp, tuy nhiên quy định pháp luật về xử phạt vi
phạm hành chính yêu cầu phải tách hai hành vi - phạt vi phạm hành chính
và tiền chậm nộp. Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực từ
1/7/2013 đã điều chỉnh hành vi chậm nộp tiền thuế bị “phạt chậm nộp”
thành “tiền chậm nộp”. Do đó, đối với các khoản “tiền chậm nộp” theo
Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 đến nay chưa có cơ chế xử lý.
Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 cũng quy định, đối với các trường
hợp gặp thiên tai bất khả kháng thì được miễn xử phạt vi phạm pháp luật
đối với hành vi chậm nộp tiền thuế hay còn gọi là “phạt chậm nộp”. Tuy
nhiên, Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 thì không có quy định miễn đối
với “tiền chậm nộp”. Vì vậy, đối với một số khoản tiền phạt chậm nộp,
tiền chậm nộp thuộc các trường hợp gặp thiên tai bất khả kháng phát sinh
tiền chậm nộp chưa được xử lý...
CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ KHOANH NỢ THUẾ
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh
tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp
thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài
chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết qua nghiên cứu Tờ
trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí về sự
cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng
Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa
nợ thuế.
Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền
chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định
của pháp luật. Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử
lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ
bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế
này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có
khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm, tạo sức ép về trách nhiệm
xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế, mặc dù ngân sách nhà nước không
còn khả năng thu từ các đối tượng này.
Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh
nợ, trong khi việc thực hiện quy định về xóa nợ đối với 3 nhóm đối tượng
trong Luật Quản lý thuế hiện hành còn nhiều bất cập, không thể thực
hiện được như: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh có nhiều doanh
nghiệp mất khả năng thanh toán, chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng
không làm thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản hoặc chỉ thông
báo phá sản nhưng không hoàn thành các thủ tục phá sản. Do đó, cơ quan
quản lý thuế không có hồ sơ làm căn cứ xem xét việc xử lý xóa nợ theo
quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.
Đối với trường hợp xóa nợ cho người nộp thuế đã chết, mất tích mà
không còn tài sản để nộp thuế thì trên thực tế khi cá nhân đã chết,
không xác nhận được người nộp thuế còn tài sản hay không, nếu còn tài
sản thì tài sản này còn thuộc quyền sở hữu chung của gia đình vợ hoặc
chồng và các con hay không và không thực hiện được việc phân chia tài
sản theo quy định của pháp luật về thừa kế, dẫn đến tình huống không xác
định được người nộp thuế có còn tài sản hay không để xử lý xóa nợ theo
quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Đối với trường hợp xóa nợ quá 10 năm, cơ quan thuế phải áp dụng tất
cả các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ 7 biện pháp
cưỡng chế, nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý thuế mới thực hiện cưỡng
chế lần lượt bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa các tài
khoản của người nộp thuế tại các ngân hàng thương mại, thông báo hóa đơn
không còn giá trị sử dụng.
Sau những bước cưỡng chế này thì hầu như các doanh nghiệp đều phá
sản, giải thể, mất khả năng kinh doanh, không còn tài sản ở nơi đăng ký
kinh doanh, nhiều người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, chết, mất
tích... Do vậy, cơ quan quản lý thuế không thể thực hiện tiếp các biện
pháp cưỡng chế còn lại theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.
Hơn nữa, đối với doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà
không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì cũng
bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép. Do đó, cơ quan thuế
không thể xử lý xóa nợ theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 65 của Luật
Quản lý thuế hiện hành.
Luật Quản lý thuế hiện hành không bao quát đầy đủ các đối tượng cần khoanh nợ, xóa nợ đối
với các trường hợp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, dẫn đến
số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng cao và phát sinh thêm đối
tượng nợ thuế, như trường hợp người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh,
bị thu hồi giấy phép kinh doanh, các trường hợp bị thiên tai, bất khả
kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán...
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị
quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền
phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng
nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông
qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm
nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước
theo trình tự tại một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ.
Hồ sơ trình dự án Nghị quyết đã bao gồm đầy đủ các nội dung về Báo
cáo đánh giá tác động của chính sách, Báo cáo đánh giá tổng kết công tác
quản lý nợ thuế, thực hiện các quy định của xóa nợ thuế theo quy định
của Luật Quản lý thuế; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính đối với các ý
kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ
Tư pháp… đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo
giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). (Ảnh:
TTXVN)
GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT CHỨNG KHOÁN (SỬA ĐỔI)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 và một số
Đoàn Đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Chứng khoán (sửa
đổi).
Về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, có ý kiến cho rằng việc bổ
sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung
một số quy định của Luật Doanh nghiệp.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm đồng bộ, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung
các quy định có liên quan tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, nhiều ý kiến nhất
trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công
chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; có ý kiến đề nghị giữ điều kiện này ở
mức 10 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị chỉ nâng lên mức 20 tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Việc nâng điều kiện về vốn điều
lệ là nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù
hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán.
Quy định điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra
công chúng là 30 tỷ đồng cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội hiện nay.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là
công ty đại chúng, một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều
chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức
phát hành không phải là công ty đại chúng.
Điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng phân định rõ
phạm vi Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của
công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán
của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng để bảo đảm tính nhất quán
trong việc đưa ra các điều kiện phát hành, quản trị doanh nghiệp cũng
như quá trình xem xét chấp thuận, giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ
quan có thẩm quyền đối với đối tượng công ty đại chúng và doanh nghiệp
không phải công ty đại chúng; đồng thời bảo đảm có đủ thời gian đánh giá
tác động theo đúng quy định của pháp luật.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng
tạo, một số ý kiến cho rằng cần có điều khoản riêng quy định về chào bán
chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với các quy
định mang tính nguyên tắc; có ý kiến đề nghị không quy định trong Luật
để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
với mức vốn thấp, rủi ro cao; cho phép chào bán chứng khoán ra công
chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị
trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường
khác.
Mặt khác, hiện nay Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với
chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại
chúng.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP đã có
những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ
đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định về chào bán
chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại dự thảo
Luật.
LUẬT HÓA TỐI ĐA NHỮNG NỘI DUNG CÒN GIAO CHO CHÍNH PHỦ
Cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật
Chứng khoán (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự
án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội đã tiếp thu, hoàn thiện
trên cơ sở có sự kế thừa, đáp ứng yêu cầu về thể chế, đường lối của Đảng
về xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cải cách
thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và tương đối
minh bạch.
Dự án Luật đã tiếp cận chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều
kiện phát triển của chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng
thời khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Chứng khoán năm 2006
và sửa đổi năm 2010.
Theo đại biểu, đây là dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật đã có và được thực hiện nhiều năm.
Thực tiễn cho thấy, điều khoản nào có thể quy định được ngay trong
luật thì nên quy định trong luật nhằm tránh việc ban hành nhiều, ban
hành chậm trễ các văn bản dưới luật; đồng thời tránh tạo ra những rào
cản sau các văn bản dưới luật khi ban hành luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần thiết phải luật hóa tới mức tối đa
những nội dung còn giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết
hoặc hướng dẫn thực hiện trong dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
"Theo dự thảo luật, hiện còn 39/136 điều khoản, chiếm 28% tổng số
điều khoản chưa được cụ thể hóa; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên
cứu để hoàn thiện", đại biểu nêu rõ.
Về vị trí, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại
biểu Trần Văn Tiến cho rằng, so với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo
Luật đã có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước
theo hướng bổ sung về thẩm quyền được ủy quyền và phân quyền quản lý
chứng khoán và thị trường chứng khoán trên cơ sở luật hóa Quyết định số
48 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước.
Tuy không có sự thay đổi về cơ chế quản lý và là cơ quan thuộc Bộ Tài
chính nhưng đã có nhiều quy định giao quyền, ủy quyền, phân cấp quản
lý; từ đó đảm bảo tính độc lập trong tổ chức quản lý, giám sát hoạt động
chứng khoán và thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng việc dự thảo luật có nội dung giao
Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Ủy ban chứng khoán Nhà nước là chưa phù hợp và thiếu
tính minh bạch.
Để đảm bảo quy định chặt chẽ, khoa học và minh bạch trong hoạt động
lập pháp, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét để quy
định cụ thể ngay trong dự thảo Luật đối với vị trí, chức năng, quyền
hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong quản lý chứng khoán và thị
trường chứng khoán nhằm đảm bảo tính độc lập tương đối của Ủy ban Chứng
khoán Nhà nước trong hoạt động quản lý chứng khoán và thị trường chứng
khoán.
Điều này cũng giúp khẳng định vai trò, vị trí, địa vị pháp lý của Ủy
ban Chứng khoán Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 9 dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm
cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi thi
hành công vụ, nhiệm vụ, quyền hạn trong khi Luật Cán bộ, công chức và
Luật Viên chức đã quy định rất cụ thể; như vậy là chưa phù hợp và không
cần thiết. Đại biểu đề nghị bỏ nội dung này trong dự thảo luật.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng việc sửa đổi Luật Chứng
khoán trong thời điểm này là cần thiết để đảm bảo hội nhập kinh tế quốc
tế nhưng vẫn có sự quản lý Nhà nước, phát huy được năng lực, sức khỏe
của nền kinh tế đất nước.
Theo đại biểu, về nội dung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại
điểm b khoản 17 Điều 4 quy định: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là
nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng
khoán, do Chính phủ quy định cụ thể, bao gồm: Công ty có vốn điều lệ đã
góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao
dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Về điểm này, đại biểu nêu băn khoăn: "Việc quy định các doanh nghiệp
có vốn lớn hoặc doanh nghiệp niêm yết đều là nhà đầu tư chứng khoán
chuyên nghiệp là chưa hợp lý.
Ví dụ: Các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa có vốn trên 100 tỷ đồng
hoặc đã niêm yết nhưng chỉ cần thông qua hoạt động sản xuất không thể
gọi là nhà đầu tư có năng lực hay chuyên gia về chứng khoán để trở thành
nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được.
Quy định này sẽ dẫn đến việc gần như các nhà đầu tư tham gia thị
trường chứng khoán đều là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp".
Tại điểm d điều này quy định: "Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán
niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận
của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách
là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp".
Theo đại biểu, quy định này sẽ dẫn đến việc có vô số nhà đầu tư chứng
khoán chuyên nghiệp. Với đặc thù ở Việt Nam hiện nay, việc rút tiền mặt
cho cá nhân trở nên dễ dàng, chính doanh nghiệp sẽ rút tiền đưa cho cá
nhân nộp vào tài khoản trên 2 tỷ đồng và trở thành nhà đầu tư chứng
khoán chuyên nghiệp, có ưu thế là được tham gia vào các đợt phát hành
riêng lẻ theo Điều 30 của dự án Luật.
Tuy nhiên, sau khi người đó bán hết cổ phiếu lại không được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp./.
Thu Phương (TTXVN)