Thứ Ba, 19/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 12/11/2008 22:33'(GMT+7)

Tình hình vi phạm môi trường ngày càng phức tạp

Ô nhiễm môi trường làng nghề - Ảnh minh họa

Ô nhiễm môi trường làng nghề - Ảnh minh họa

Đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho biết, sau gần hai năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện hơn 750 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường với tổng số tiền trên 130 tỷ đồng, cảnh cáo, nhắc nhở hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm.

Theo đánh giá, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực như: Nhập khẩu công nghệ, máy móc, phế liệu, rác thải; buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm; thu gom, mua bán trái phép chất thải y tế nguy hại; xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí…

Được biết, qua kiểm tra 192 khu công nghiệp trên cả nước phát hiện 70% chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khoảng 1.500 làng nghề thường xả khí thải, rác thải, nước thải trực tiếp (không qua xử lý) ra sông, mương, rãnh, ruộng lúa…

Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát môi trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý như: Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng chưa bị xử lý hành chính hoặc xử lý hành chính nhưng đã hết thời hiệu xử lý thì không xử lý hình sự được; không xác định được hậu quả của tội phạm môi trường ngay; một số tội danh liên quan đến môi trường mới xuất hiện chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự…

Tới tham dự hội nghị ở đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường của Bộ Công an nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, tới nơi tới chốn các hành vi vi phạm môi trường.

Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường Nguyễn Xuân Lý khẳng định, trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực vi phạm môi trường.

Trước hết là hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng và nóng bỏng nhất hiện nay; đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp như: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc...

Lĩnh vực thứ 2 là kinh doanh nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu, sắt thép phế liệu, nhựa tái sinh chứa rác thải làm nguy hại môi trường. Lĩnh vực vi phạm môi trường thứ 3 sẽ được tập trung xử lý là rác thải y tế nguy hại và chất thải sinh hoạt tại các bệnh viện, cơ sở y tế gây bức xúc trong dư luận và các cơ quan chức năng./.

(Nguồn: SGGP điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất