Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 8/1/2019 11:16'(GMT+7)

Tỉnh táo để cảnh giác với dư luận xã hội

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Dư luận xã hội còn có áp lực rất lớn đối với mọi cá nhân cũng như tổ chức xã hội. Có cá nhân, do lạm dụng quyền lực, tự cho mình đứng trên pháp luật. Sự thông tin kịp thời trên báo chí các vụ việc, biểu hiện tham nhũng, quan liêu, suy thoái đạo đức, lối sống sẽ không chỉ thôi thúc các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các vụ việc, biểu hiện đó, mà còn tạo sức ép của dư luận xã hội đối với các cá nhân có hành vi hoặc ý định tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực khó có thể được xử lý nếu không có sự thôi thúc của báo chí và dư luận xã hội.

Tuy nhiên, đất nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều những hệ lụy mang lại từ quá trình mở cửa, hội nhập, gây ra nhiều bức xúc trong các tầng lớp nhân dân về các vấn đề: Tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, thất nghiệp, tệ nạn xã hội…

"Dư luận xã hội đang bức xúc" là cụm từ mà chúng ta luôn thấy sử dụng nhiều trên các mặt báo và trên các trang mạng xã hội. Việc quá lạm dụng cụm từ này đã mang đến những hệ lụy và đã tạo ra tâm lý bất an cho xã hội. Các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn dựa vào đó để công kích, chống phá Đảng và Nhà nước, với mục đích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây bạo loạn lật đổ chế độ.

Các thế lực thực hiện "Diễn biến hòa bình" trên thực tế, từ lâu đã rất coi trọng cách thức đưa vào phần đầu của thông tin các thông tin có sự gần gũi với các quan điểm, suy nghĩ của công chúng, từ đó nâng dần lên, dẫn dắt dần đến các thông tin thiếu trung thực, bóp méo sự thật, lèo lái theo những ý đồ xấu.

Sự phát tán thông tin hỗn độn và sai lệch như thế làm cho nhiều người mất niềm tin vào cả nguồn thông tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay theo. Nhờ cách kết cấu thông tin như vậy, họ có thể xóa bỏ "hàng rào tâm lý cự tuyệt" của công chúng đối với thông tin, thông điệp chính của họ trong tài liệu, bài viết. Từ đây đã tạo ra một trong những nguyên nhân làm xuất hiện các điểm nóng, các vụ "phản ứng tập thể" của nhân dân.

Dư luận xã hội thường biểu hiện dưới hình thức những băn khoăn, thắc mắc, ý kiến phản đối, yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của nhân dân. Sự nắm bắt dư luận xã hội một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện cho phép chúng ta đi sâu phân tích các nguyên nhân nhận thức và xã hội của mỗi luồng dư luận, trên cơ sở đó có các giải pháp phù hợp để loại bỏ nguy cơ điểm nóng bùng nổ.

Nếu thấy ý kiến, các đòi hỏi, nguyện vọng của công chúng thực sự xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn và lợi ích chính đáng của họ hoặc của quốc gia, dân tộc thì chính quyền phải tiếp thu các ý kiến đóng góp, kịp thời giải quyết, đáp ứng các đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng đó.

Nếu kết quả phân tích dư luận xã hội cho thấy dư luận xã hội là sai trái, do công chúng thiếu thông tin hoặc đặt lợi ích cục bộ của mình lên trên lợi ích cộng đồng, quốc gia, dân tộc thì chính quyền phải kịp thời có các giải pháp thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ để vô hiệu hóa và định hướng dư luận xã hội.

Thành công của công tác thông tin, tuyên truyền thể hiện ở chỗ tạo ra được dư luận xã hội chín chắn, có các thái độ, phán xét đánh giá đúng đắn về các sự kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội... Nếu công tác thông tin, tuyên truyền nói một đằng, dư luận xã hội nói một nẻo thì đó là sự thất bại của công tác thông tin, tuyên truyền.

Thông tin càng gần gũi với sự đánh giá, hiểu biết của công chúng, càng dễ được công chúng tiếp nhận. Thông tin càng khác xa với đánh giá, quan điểm của công chúng, càng dễ bị công chúng phản bác, không tiếp nhận. Tiếng nói của người dân, của xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ghi nhận, đây là nguồn thông tin có vai trò rất quan trọng đối với việc quyết định của các cơ quan lãnh đạo, quản lý xã hội.

Để có được những quyết định đúng đắn, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nắm chắc được tâm trạng, suy nghĩ, nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Xã hội càng phát triển thì nhân tố "lòng dân" càng quan trọng.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn chỉnh luật pháp để quản lý chặt chẽ hơn, đẩy lùi các thông tin xuyên tạc bịa đặt, thông tin "xấu, độc", mỗi công dân không nên hùa theo những quan điểm mang tính trào lưu, cần phải tỉnh táo, cần biết "gạn đục khơi trong", nhận rõ tính hai mặt của dư luận xã hội, cảnh giác với những thông tin xấu độc, không  chia sẻ bừa bãi trên mạng xã hội một cách vô trách nhiệm, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá, có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hoá, thậm chí vi phạm pháp luật./.

Minh Triết (Văn nghệ Công an)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất