Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 8/6/2012 22:17'(GMT+7)

Tình thế mong manh

Tây Ban Nha đã phải bơm hơn 23 tỷ euro để cứu Bankia - ngân hàng lớn thứ tư của nước này.

Tây Ban Nha đã phải bơm hơn 23 tỷ euro để cứu Bankia - ngân hàng lớn thứ tư của nước này.

Là nền kinh tế lớn thứ tư trong khối Eurozone, thứ năm trong Liên minh Châu Âu (EU) và thứ tám trên toàn thế giới, động thái mới nhất của Tây Ban Nha là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Tài chính các nước có nền công nghiệp phát triển (G7) phải nhóm họp bất thường vào ngày 5-6 trong lúc đồng euro rớt xuống mức thấp nhất so với USD kể từ cuối tháng 6-2010. Trái ngược với vài tháng trước đây, khi Madrid luôn khẳng định có thể "tự lực cánh sinh" trước những nghi ngại cho rằng nước này sẽ sớm nối gót Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, hiện tại, cán cân thương mại và ngân sách nhà nước của chính quyền Madrid đang bị thâm hụt nghiêm trọng. Khác hẳn với trường hợp của Nhật Bản - quốc gia cũng đang mang nợ chồng chất, nhưng luôn trong thế xuất siêu và Tokyo có thể trông chờ vào khoản tiết kiệm dồi dào của người dân xứ Hoa anh đào để tài trợ các khoản chi tiêu của Nhà nước. Tây Ban Nha không có được hai lợi thế này.

Theo thẩm định của Viện Tài chính quốc tế IIF, trong năm tài khóa 2012-2013, ngành ngân hàng Tây Ban Nha sẽ bị thua lỗ 260 tỷ euro và cần được rót thêm đến 60 tỷ để tránh nguy cơ vỡ nợ. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu hiện đang giữ mức kỷ lục, chiếm 8% các khoản tín dụng ngân hàng Tây Ban Nha. Lo ngại hơn là có tới 60% nợ khó đòi đang chôn trong lĩnh vực bất động sản. Nói một cách cụ thể, các ngân hàng nước này đang ngồi trên núi nợ 184 tỷ euro. Kể từ đầu cuộc khủng hoảng địa ốc năm 2008 tới nay, Madrid đã phải ra tay cứu vãn 8 ngân hàng khỏi bị phá sản. Gần đây nhất, chính phủ đã phải bơm hơn 23 tỷ để cứu Bankia - ngân hàng lớn thứ tư và kiểm soát đến 10% hoạt động tài chính quốc gia. Đau đầu hơn cả là Tây Ban Nha đang phải đi vay của quốc tế thông qua trái phiếu thời hạn 10 năm với lãi suất hơn 6,5% để giải cứu hệ thống ngân hàng. Điều đó có nghĩa là nợ công Tây Ban Nha sẽ gia tăng đáng kể. Khả năng tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm luôn thường trực khiến Madrid càng khó huy động vốn và tình trạng tháo chạy của các nhà đầu tư ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thông thường để giải quyết thâm hụt cán cân thương mại, một quốc gia có thể quyết định phá giá đồng tiền nhưng đối với một thành viên Eurozone như Tây Ban Nha thì đó là điều bất khả thi. Nói cách khác, quê hương của vũ điệu Flamenco đang bị dồn vào chân tường, tương tự như tình trạng của Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha trước đây. Vấn đề đặt ra là, quy mô nền kinh tế của Tây Ban Nha tương đương với 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn Eurozone, gấp đôi Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha cộng lại. Trong khi đó, các kế hoạch giải cứu Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha đã lên tới hàng trăm tỷ euro. Nếu phải trợ giúp Tây Ban Nha, gói cứu trợ sẽ lớn hơn rất nhiều. Thế nhưng, phần lớn các quốc gia Châu Âu hiện nay đều đang ngập trong tình trạng nợ nần. Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu cũng như cơ chế bình ổn Châu Âu khó có thể tải thêm "cú sốc" từ Madrid.

Tính từ thời điểm Hy Lạp kêu gọi gói cứu trợ đầu tiên đến nay, cuộc khủng hoảng nợ tại Lục địa già đã kéo dài sang năm thứ ba. Dù rất nhiều "đơn thuốc" đã được đưa ra, song "cơn trọng bệnh" tài chính không hề thuyên giảm mà ngày càng có những triệu chứng nguy kịch. Những ngày gần đây, không ít nhà lãnh đạo tại EU đã tỏ thái độ bi quan về số phận đồng euro. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Brussels (Bỉ) cách đây ít ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Olli Rehn thừa nhận, cho đến nay, Liên minh vẫn đang "chịu đựng cuộc khủng hoảng, chứ không chế ngự được cuộc khủng hoảng". Chủ tịch Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi thì không ngần ngại cảnh báo các nhà lãnh đạo Châu Âu nhanh chóng có tuyên bố quan điểm rõ ràng về đồng tiền chung, nếu không Eurozone "sẽ không tránh khỏi nguy cơ xảy ra thảm họa"./.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất