Thứ Bảy, 28/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 7/8/2011 20:53'(GMT+7)

Tổ chức hiệu quả lực lượng quân đội làm kinh tế

Quân đội nhân dân Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, làm công tác vận động quần chúng, còn tranh thủ tham gia sản xuất.

Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hàng trăm nông trường, công trường ở những vùng xa xôi, gian khó nhất của Tổ quốc đã được ra đời nhờ bàn tay, khối óc của Bộ đội Cụ Hồ.

Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng quân đội làm kinh tế được tổ chức lại chặt chẽ và khoa học hơn, các đơn vị quân đội xây dựng kinh tế đã có mặt tại những công trình xây dựng lớn của đất nước như khôi phục đường sắt Thống Nhất, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, đường điện 500KV Bắc-Nam, các công trình dầu khí… Việc “khai sơn phá thạch” xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ… cũng được giao cho bộ đội.

Đặc biệt trong chục năm trở lại đây, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế - quốc phòng ở những địa bàn chiến lược. Các khu kinh tế-quốc phòng đã thật sự là điểm sáng, là hình mẫu kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với việc củng cố quốc phòng-an ninh trên các địa bàn này.

Tổ chức lực lượng quân đội làm kinh tế trong thời bình đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trong nhiều nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc, Ban chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Thường vụ Quân ủy Trung ương… đã có những nội dung lãnh đạo lực lượng quân đội làm kinh tế.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Đảng ta đã khẳng định quan điểm: “Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”1. Trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, chiến lược này nêu rõ: “Mở rộng phương thức huy động nguồn lực xây dựng công nghiệp quốc phòng. Lồng ghép các chương trình để xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo”2.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang biến đổi nhanh và rất phức tạp. Xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là chủ đạo, nhưng các thế lực thù địch luôn âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, chủ nghĩa khủng bố vẫn đang tồn tại, do vậy nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ trên quy mô lớn chưa bị loại trừ. Vì thế, để bảo đảm đất nước phát triển bền vững, cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh. Một trong những giải pháp quan trọng để kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh là tổ chức lực lượng quân đội làm kinh tế trong thời bình. Đây là nơi dự trữ tiềm lực cho quốc phòng và cũng là nơi cung cấp nguồn lực cho quốc phòng. Nếu chiến tranh xảy ra, các đơn vị này nhanh chóng được chuyển thành đơn vị chiến đấu hoặc trực tiếp chiến đấu. Chính vì thế, cần phải xác định làm kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài của quân đội ta.

Để triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về tổ chức quân đội làm kinh tế, bảo đảm cho quân đội làm kinh tế đạt hiệu quả cao cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, cần tổ chức, sắp xếp lại và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để lực lượng này đủ sức gánh vác nhiệm vụ. Các đoàn kinh tế-quốc phòng cần được tăng cường cả về chất lượng và số lượng, đồng thời việc xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng cần được lồng ghép với các chương trình như: Quy hoạch, phân bố lại dân cư, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tham gia phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng-an ninh của đất nước ta.

Trong thời gian tới, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích của đất nước trên vùng biển, đảo sẽ có những diễn biến phức tạp, vì vậy cần thành lập thêm các khu kinh tế-quốc phòng ở hải đảo và vùng ven biển, cần tổ chức thêm lực lượng quân đội làm nhiệm vụ phát triển kinh tế biển đảo, khai thác thủy sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia.

Phát triển công nghiệp quốc phòng và khoa học kỹ thuật quân sự là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để giữ vững độc lập, tự chủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thế nhưng, trong thời bình, các mặt hàng mà quốc phòng đặt cho các nhà máy công nghiệp quốc phòng không nhiều. Thực tế ở một số nhà máy hàng quốc phòng đặt chỉ chiếm dưới 15% so với năng lực sản xuất. Vì thế, để giữ gìn tiềm lực quốc phòng, cần khuyến khích phát triển những ngành công nghiệp lưỡng dụng, thời bình tập trung sản xuất phục vụ dân sinh, nhưng khi chiến tranh xảy ra thì có thể chuyển nhanh sang sản xuất phục vụ nhu cầu quốc phòng. Để làm được điều này, Nhà nước phải có chế tài và kế hoạch huy động các nguồn lực tài chính, nhân lực, cũng như khoa học, kỹ thuật, công nghệ... của đất nước vào xây dựng công nghiệp quốc phòng.

Các doanh nghiệp quân đội cũng cần phải được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng gắn với nhiệm vụ quốc phòng để sẵn sàng chuyển sang làm nhiệm vụ khi có chiến tranh xảy ra. Tập trung vào một số ngành nghề mà quân đội có thế mạnh như viễn thông; khai thác, chế biến, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, hải sản; dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân; công nghiệp sửa chữa và đóng tàu biển; dịch vụ biển (dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí trên biển, dịch vụ bay dầu khí biển); dịch vụ cảng biển (xếp dỡ hàng hóa, trung chuyển công-ten-nơ...); sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; dịch vụ nổ mìn; xây dựng công trình cầu đường, thủy điện...

Các đơn vị bộ đội thường trực cần đẩy mạnh tăng gia sản xuất, chú trọng tổ chức sản xuất tập trung, vừa tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ với giá thành hợp lý để giữ ổn định bữa ăn hằng ngày của bộ đội, vừa tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động của đơn vị.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức tốt hoạt động dịch vụ gắn với kỹ thuật, chuyên môn, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa tạo nguồn thu góp phần tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ; hỗ trợ cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị; đóng góp một phần cho ngân sách quốc phòng.

 Đỗ Phú Thọ/QĐND
-----------------

1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 99.

2. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, trang 138.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất