Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ Nhật, 15/11/2015 21:38'(GMT+7)

Tổ chức khủng bố Việt tân không thể chối bỏ tội ác (Kỳ I)

Gần đây, bộ phim tài liệu điều tra “Khủng bố ở Tiểu Sài Gòn” (Terror in Little Saigon) được chiếu trên truyền hình Frontline và bài phóng sự về bộ phim của nhà báo A.C. Thompson (A.C.Thôm-xơn) đăng trên propublica.org ngày 3-11, đã cung cấp thêm cứ liệu vạch rõ bản chất của cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” - tên gọi trước đây của tổ chức khủng bố Việt tân. Lược dịch gồm ba kỳ từ phóng sự của A.C Thompson giúp bạn đọc nhận diện tội ác của tổ chức này ngay trên đất Mỹ. Điều cần lưu ý là đến nay, cái chết oan khuất của các nạn nhân vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Trong số các nhà báo gốc Việt bị ám sát trên đất Mỹ, Dương Trọng Lâm - người đã xuất bản ấn phẩm bằng tiếng Việt có tên Cái đình làng, là người đầu tiên. Một buổi sáng vừa bước ra khỏi căn hộ của mình ở San Francisco (Xan Phran-xi-xcô), một tay súng đã sát hại ông bằng một viên đạn xuyên động mạch phổi, ngay phía trên trái tim. Với Phạm Văn Tập thì cái chết đến chậm hơn. Khi ông đang ngủ trong văn phòng nhỏ tại Garden Grove (Ga-đơn Grô-vơ), có kẻ nào đó đã phóng hỏa tòa nhà. Người ta nghe thấy tiếng ông la hét trước khi bị chết ngạt vì khói. Tại Houston (Hau-xtơn), sát thủ truy đuổi Nguyễn Đạm Phong khi còn mặc bộ đồ ngủ và họ bắn ông bảy phát bằng một khẩu súng lục cỡ nòng 45. Vụ sát hại đánh dấu sự chấm dứt của tờ báo Tự do do Nguyễn Đạm Phong xuất bản, phát hành hai số mỗi tháng.

Từ năm 1981 đến năm 1990, có năm nhà báo Mỹ gốc Việt thiệt mạng. Điểm chung của họ là làm việc tại các ấn phẩm nhỏ phục vụ người Việt Nam tị nạn tại Mỹ sau năm 1975. Các điều tra viên Cục điều tra liên bang Mỹ FBI kết luận, việc giết hại các nhà báo cùng với những vụ đánh bom, hành hung đều tuân theo lệnh của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” (sau đây gọi tắt là “mặt trận”), một tổ chức do các cựu sĩ quan “quân đội Việt Nam cộng hòa” điều hành. Theo điều tra viên, “mặt trận” này đe dọa thủ tiêu những người thách thức nó, hoặc đôi khi chỉ đơn giản là có cảm tình với những người cộng sản chiến thắng tại Việt Nam. Nhưng FBI đã không thực hiện bất cứ vụ bắt giữ nào đối với những kẻ giết người. Tất cả chính thức khép lại từ hai thập niên trước. Và từ lâu, gia đình các nhà báo Mỹ gốc Việt bị sát hại đã từ bỏ hy vọng công lý được thực thi. Họ thất vọng vì đã mong đợi nhiều từ lời hứa sẽ tìm kiếm sự thật của chính phủ.

Đầu năm 2014, ProPublica và Frontline mở lại cuộc điều tra, và đã có được hàng nghìn trang tài liệu của FBI mới giải mật cũng như điện tín từ cơ quan Tình báo trung ương Mỹ CIA, hồ sơ nhập cư. Chúng tôi phát hiện một số nhân chứng không được FBI hay chính quyền địa phương phỏng vấn, trong đó có các cựu thành viên “mặt trận”. Họ nói với chúng tôi rằng tổ chức này có một đội sát thủ bí mật ở Mỹ. Các nhân viên FBI đã theo đuổi giả thiết này trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ có bằng chứng thuyết phục. Tại Mỹ, “mặt trận” công khai thu tiền để phát động lại cuộc chiến tranh Việt Nam, thậm chí tiến hành ba cuộc xâm nhập từ biên giới Thái-lan và Lào nhưng không thành công. Báo cáo của chúng tôi cho thấy các quan chức ở Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, CIA, FBI biết về hoạt động quân sự của “mặt trận” trong khu vực Đông - Nam Á; nhưng chính quyền chưa từng hành động để thực thi Đạo luật trung lập (Neutrality Act) về ngăn cản chính phủ và công dân của đất nước nỗ lực lật đổ một chính phủ nước ngoài…

Ở Pearland (Pia-len) có một nghĩa trang được bao bọc bởi những cây thông, cây sồi. Phía sau nghĩa trang, gần một dòng nước nhiều bùn là ngôi mộ của Nguyễn Đạm Phong. Cỏ mọc len lỏi trên tấm biển nhỏ hình chữ nhật ghi tên của người đã khuất. Trong chiếc bình kim loại, một bông hồng duy nhất đã khô. Nhưng các dòng chữ khắc vào đá cẩm thạch từ 33 năm trước vẫn đọc được: “Bị giết khi theo đuổi chân lý và công lý thông qua báo chí”. Với ProPublica và Frontline, bộ phim tài liệu truyền hình Khủng bố ở Tiểu Sài Gòn sẽ kể câu chuyện về một thế lực đã đe dọa và thực hiện giết người mà không có bất cứ kẻ nào bị trừng trị…

Ông ta là Hoàng Cơ Minh, với mái tóc thưa thớt mầu than đen và bộ ria mép. Năm 1983, Minh đến một hội nghị ở Washington (Oa-sinh-tơn) và tuyên bố có ý định chiếm lại Việt Nam. Minh là cựu sĩ quan hải quân của “quân đội Việt Nam Cộng hòa”. Trước đám đông, ông ta nói sẽ xây dựng lực lượng để “lật đổ chính quyền Hà Nội, giải phóng quê hương khỏi sự cai trị độc tài của cộng sản”. Đám đông người Việt sang Mỹ tị nạn không ngớt tán tụng. Trong bộ đồ đen, chiếc khăn kẻ sọc dài quấn quanh, Minh cười mãn nguyện... Minh bắt đầu xây dựng đội quân du kích vài năm trước, được gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Tổ chức này lập căn cứ ở vùng rừng núi hoang dã của Đông - Nam Á gần Việt Nam, thiết lập mạng lưới các chi hội trên khắp nước Mỹ để quyên tiền cho các cuộc xâm lược. Các chi hội như đã phát triển thành “mặt trận” thứ hai trên đất Mỹ, sử dụng bạo lực để bịt miệng người Mỹ gốc Việt dám nêu nghi vấn về quan điểm chính trị hay mục tiêu của tổ chức. Chỉ cần họ kêu gọi bình thường hóa quan hệ với người cộng sản có thể bị hành hung, thậm chí trong một số trường hợp bị thủ tiêu hèn hạ.

FBI từng mở cuộc điều tra về khủng bố tại Mỹ nhằm vào hoạt động của “mặt trận”. Hàng nghìn trang hồ sơ mới giải mật của FBI mà ProPublica và Frontline có được cho thấy các điều tra viên nghi ngờ tổ chức của Minh dàn dựng các vụ ám sát nhà báo Mỹ gốc Việt, cũng như một loạt vụ đánh bom, tiến công, đe dọa giết người. Trong một biên bản chưa được công bố, một điều tra viên FBI mô tả “mặt trận” đã “thực hiện một chiến dịch dập tắt tất cả các phe đối lập với nó”. Phạm vi các hành động khủng bố bị nghi ngờ khá rộng. Các nhà báo bị giết ở Texas (Tếch-dát), California (Ca-li-pho-ni-a), Virginia (Vơ-gi-ni-a). Một chuỗi vụ hỏa hoạn trải từ Montreal (Môn-trê-an) tới Orange County (quận Cam), California. Lời đe dọa giết người được gửi đến nhiều cá nhân, gia đình và doanh nghiệp trên đất Mỹ. Các điều tra viên tin rằng “mặt trận” từng thông cáo nhận trách nhiệm về các tội ác này. Tuy nhiên, sau đó FBI đã không bắt giữ, xử phạt hoặc buộc tội bất kỳ cá nhân nào có hành vi khủng bố bằng bạo lực. Lần này tới lần khác, các sở cảnh sát địa phương mở các cuộc điều tra mà không có kết quả. Cuối năm 1990, FBI lặng lẽ dừng điều tra, và làm cho sự việc trở thành một trong những trường hợp khủng bố nghiêm trọng nhất ở nước Mỹ chưa được giải quyết. Để tái tạo một chương của lịch sử, vốn là ẩn số với phần lớn người Mỹ, ProPublica và Frontline đã mua, xem xét các hồ sơ của FBI, hồ sơ của các cơ quan thực thi pháp luật ở Houston, San Francisco, ngoại ô Washington. Chúng tôi đã lần theo dấu tích các cựu điều tra viên cảnh sát, đặc vụ liên bang, công tố viên và người nổi lên trong hồ sơ như là nghi phạm. Chúng tôi phỏng vấn các cựu quan chức chính phủ, cựu sĩ quan của quân đội Mỹ, Việt Nam và Thái-lan; tìm kiếm, trò chuyện với hơn hai chục cựu thành viên của “mặt trận”. Đồng thời, chúng tôi theo chân một số người đến Thái-lan, gặp gỡ các cựu du kích quân người Lào đã cùng chiến đấu với họ. Cuối cùng, chúng tôi đã dành nhiều thời gian trao đổi với gia đình các nạn nhân, gồm cả người bị sát hại, người bị hành hung. Một số nạn nhân còn sống đến nay vẫn chưa dám trả lời công khai, vì có thể họ còn sợ hãi, hoặc vỡ mộng với việc thực thi pháp luật ở Mỹ.

Kết quả điều tra của chúng tôi đã cho thấy thất bại của chính quyền Mỹ trong việc kiềm chế bạo lực do “mặt trận” gây nên, và có nhiều dấu hiệu khả quan để FBI hoặc một cơ quan khác có thể mở lại cuộc điều tra. Thông tin mới bao gồm tập hợp những câu chuyện từ các cựu thành viên “mặt trận”, những người chưa bao giờ nói tới thực thi pháp luật, một trong số đó thừa nhận “mặt trận” chịu trách nhiệm trong việc giết hại hai trong số các nhà báo. Hồ sơ và các cuộc phỏng vấn cho thấy Minh đã ra lệnh giết khoảng 10 tân binh như một biện pháp kỷ luật với đội quân vô tổ chức của ông ta ở nước ngoài. Con số khoảng 10 người chết gồm công dân Mỹ gốc Việt, cũng đủ để FBI vào cuộc.

ProPublica và Frontline đã mời các nhà lãnh đạo hiện nay của FBI thảo luận về cuộc điều tra mà cơ quan này khép lại từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, ông J.Comey (G.Cô-mây) - Giám đốc, và các chuyên gia chống khủng bố của FBI không tham gia phỏng vấn hay trả lời các câu hỏi. Thay vào đó, họ ra một tuyên bố: “Vào đầu năm 1980, FBI đã phát động một loạt cuộc điều tra về những vụ tiến công bị cáo buộc động cơ chính trị trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Mặc dù ban đầu điều tra như những sự vụ đơn lẻ ở nhiều đơn vị khác nhau, cuộc điều tra cuối cùng đã hợp nhất thành một vụ chính có mật danh là VOECRN theo chỉ đạo của Giám đốc cục bấy giờ là ông L.Freeh (L.Ph-ri). Các vụ án được điều tra bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm của FBI, họ thu thập các bằng chứng, tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn; đồng thời hợp tác chặt chẽ với luật sư của Sở Tư pháp để xác định người chịu trách nhiệm về tội ác và tìm kiếm công lý cho nạn nhân. Bất chấp nỗ lực đó, sau 15 năm điều tra, các nhân viên của Bộ Tư pháp và FBI đã kết luận đến nay chưa có đủ bằng chứng khởi tố vụ án”. Người phát ngôn của các cơ quan khác trong chính phủ cũng không đưa ra bình luận nào, dù họ có hiểu biết về sự tồn tại của “mặt trận”.

Ba cuộc xâm nhập Việt Nam do Minh thực hiện đã thất bại và Minh đã chết năm 1987. Sau một thập niên từ 1980 đến 1991 bị tình nghi là hoạt động khủng bố, “mặt trận” đã tự chia rẽ, uy tín cũng sụt giảm. Những người lãnh đạo thì một số đã chết, một số sống rải rác trên khắp nước Mỹ và đã về hưu… Hiện giờ, các cựu lãnh đạo của “mặt trận” vẫn thỉnh thoảng tiến hành hoạt động tưởng niệm, tổ chức biểu tình kêu gọi lật đổ chế độ Hà Nội...

(Còn nữa)

Thanh Tiêu (lược dịch)


Theo Nhân Dân


Bộ mặt thật của tổ chức khủng bố Việt tân 



 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất