Thứ Sáu, 22/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Năm, 2/1/2014 12:43'(GMT+7)

Tổ quốc phía Trường Sa

Phút giải lao của các chiến sĩ trên đảo

Phút giải lao của các chiến sĩ trên đảo

Trường Sa là phên dậu, chiến lũy nhiều lớp, nhiều tầng, là tuyến phòng thủ liên hoàn bảo vệ Tổ quốc giữa đại dương.

Con tàu HQ 996 của Quân chủng Hải quân cập bến đảo Song Tử Tây một ngày đẹp trời. Biển xanh cát trắng, hào phóng nắng, hào phóng gió. Trên boong tàu, Đại tá Lê Xuân Thủy, Phó Tư lệnh vùng 4 Hải quân hào hứng kể: Từ máy bay nhìn xuống, đảo Song Tử Tây như một chiếc dấu hình bầu dục đóng xuống thềm lục địa. Cán dấu là ngọn Hải Đăng giữa đảo kiêu hãnh vươn cao. Quân dân xã đảo Song Tử Tây tổ chức đón khách, mở đầu bằng buổi diễu hành đội hình quân dân trên đảo. Xã đảo bát ngát mầu xanh. Mầu xanh làm nền cho những lá cờ Tổ quốc vươn cao, sải rộng tung bay trong nắng gió đại dương.

- Cháu mấy tuổi rồi hả chị?

Chúng tôi hỏi người mẹ trẻ bồng con đứng trước cửa nhà.

- Dạ, đầu năm mới 2014 cháu tròn hai tuổi, cháu sinh ra ở đảo chú à.

Nghe mẹ nói, bé gái nhoẻn miệng cười giơ tay thân thiện chào khách. Đã có một thế hệ công dân mới sinh ra và lớn lên ở Trường Sa. Còn nhớ, năm 2001, Đại tá Phạm Duy Tam, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cùng đoàn công tác ra đảo.

Người thuyền trưởng đoàn tàu không số của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, cũng chính là người thuyền trưởng đã chỉ huy con tàu trong đội hình giải phóng Trường Sa năm 1975. Đêm trăng sáng trên boong tàu, ông kể: Ngày nhận lệnh lên tàu ra giải phóng Trường Sa, từ người chỉ huy đến những người chiến sĩ trên tàu đều mang theo những kỷ vật yêu quý nhất. Với ông đó là chiếc khăn len vợ đan. Một chiến sĩ trẻ khác, mang theo chiếc bút máy người yêu tặng. Anh cho biết, nếu chẳng may hy sinh, nằm lại biển khơi thì anh có cây bút làm bạn... Người lính Hải quân ngày ấy là thế.

Trong ký ức của ông, Trường Sa ngày ấy hoang sơ, toàn cây muống biển và những đàn chim di trú. Song Tử Tây đã có một âu tàu khá rộng lớn, làm hậu thuẫn cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ ở vùng biển Trường Sa. Năm 2014 này, kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng, xã đảo sẽ được đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình phúc lợi - Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Nguyễn Việt Hùng và Trạm trưởng hải đăng Vũ Trung Thật cho biết thêm.

Đến với Trường Sa, không thể không đến thăm những nhà giàn đơn vị DK1, đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới. Nhà giàn, là đơn vị thành lập sau ngày đất nước giải phóng (5-7-1989), song đây là đơn vị quan trọng ngày đêm góp phần để mở rộng không gian kinh tế, đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Viết Nhất, cán bộ Quân chủng Hải quân đi cùng chuyến tàu kể: Gần 25 năm qua, kể từ ngày thành lập đơn vị DK1, có chín liệt sĩ, thì tám thi thể liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại ngàn khơi.

Những chốt gác tiền tiêu giữa đại dương bao la này từ khi ra đời, cùng với chủ nhân của nó đã mang trong mình biết bao nhiêu câu chuyện trầm hùng. Đó là những ngôi nhà hoàn toàn bằng thép, được xây dựng ở Ba Kè, Phúc Tần, Tư Chính theo kiểu giàn khoan. Tại nhà giàn DK1/17 và 18, chúng tôi được "mục sở thị " và nghe rất nhiều câu chuyện về cuộc sống nơi đây.

Đứng giữa biển bao la, ngày đêm sóng vỗ, nhà giàn là ghi nhận nhiều hoạt động nhạy cảm. Cả đêm và ngày nơi biển xa, nước ngoài thường xuyên dùng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến thăm dò địa chấn, trinh sát, đánh bắt, khai thác trái phép nguồn lợi biển của ta. Trong suốt 12 tháng mỗi ngày công tác SSCĐ và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn luôn căng thẳng với cường độ cao.

Vậy mà nhiệm vụ đòi hỏi nhiều sĩ quan gắn bó với nhà giàn 10, 15 năm thậm chí tới cả đời binh nghiệp.

Người lính Hải quân ở nhà giàn thường gia cảnh nghèo.

Cuộc đời binh nghiệp khiến họ luôn phải hy sinh cả hạnh phúc gia đình. Những người chúng tôi gặp ở đây như Thiếu tá Hoàng Văn Quảng, quê Nghệ An, cả bố và mẹ anh khi mất anh đều không thể về chịu tang. Thiếu úy Nguyễn Việt Dũng, quê lúa Thái Bình vì nhiệm vụ mà phải hoãn ngày cưới. Người chỉ huy trưởng DK1/18 khi ra đây vợ mới sinh con. Anh về phép lần đầu con đã biết chạy và không chịu nhận cha... Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Điệu, quê Nam Định kể về những ngày biển động, gió giật nhà rung, sóng ầm ào gào thét. Anh em mặc áo phao cả trong bữa ăn, khi đi ngủ... Đại úy Nguyễn Đăng Hùng kể, có năm cả nhà giàn đón Tết với một con gà. Khi người chỉ huy nói mổ gà để làm lễ giao thừa, thì bỗng nhiên tất cả anh em chiến sĩ cùng đề nghị: Thủ trưởng ơi đừng thịt để nó gáy cho chúng em đỡ nhớ nhà... khó khăn gian khổ là vậy mà trên tờ báo tường ở nhà giàn DK1/18 chúng tôi vẫn đọc được những câu thơ chào năm mới tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan: Bao năm rồi gắn bó giữa trùng khơi/Một năm mới thêm nhiều niềm tin mới/Biển vẫn hát tình ca của lính/Tổ quốc quê hương với chúng ta thật gần! Cho dù Trường Sa với những câu chuyện đã và đang diễn ra. Khi nhà giàn bị nhấn chìm trong bão táp, có người chỉ huy đã nhường chiếc phao cứu sinh duy nhất cho người đồng đội trẻ. Đất nước đã hòa bình, nhưng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc vẫn có những người lính hiên ngang, dũng cảm làm tấm bia, cột mốc giữa bão táp Trường Sa... Có những đảng viên như Đại úy Vũ Quang Chương, bố cũng từng là người lính, trở về nhiễm chất độc da cam, em trai anh cũng mang di chứng. Trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, trước lúc hy sinh, anh vẫn hiên ngang mang trên mình lá cờ Tổ quốc. Anh ngã xuống để lại gia cảnh ba gian nhà trống nơi quê nhà và tài sản giá trị duy nhất là chiếc ti-vi đen trắng... Vậy nên, trong các chuyến tàu đưa các đoàn khách ra Trường Sa, lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển luôn được chuẩn bị nghiêm cẩn, cử hành trọng thể và gây ấn tượng mạnh mẽ.

Trường Sa hôm nay đã có rất nhiều các công trình văn hóa như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Nhà khách Thủ đô, nhà văn hóa, quần thể Tượng đài Trần Hưng Đạo... Đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm Hậu cần quân chủng cho biết, quân dân Trường Sa đang mở chiến dịch xanh hóa đảo, hàng trăm nghìn cây xanh đã được trồng mới. Hưởng ứng chiến dịch, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã cử đoàn đại biểu chuyển ra Trường Sa những nhân bản cây đa Tân Trào. Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc chuyển ra vài chục khóm tre Đằng Ngà được trồng ở Đền thờ Hai Bà Trưng. Tất cả các đảo và nhà giàn của huyện đảo Trường Sa đều có phòng đọc Hồ Chí Minh. Trước thềm năm mới 2014, Trường Sa hiện diện các công trình bề thế, hiện đại như cầu cảng, sân bay, âu tàu, trạm hải đăng, đài khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch. Trường Sa hôm nay không còn xa nữa. Ở đó đã có tàu lớn, những giàn khoan dầu khí, những tòa nhà nổi nhộn nhịp, cùng tỏa sáng... Những ngôi làng trên biển đang được mở rộng và hiện đại hóa, đang đổi mới từng ngày...

LÊ MẬU LÂM/ Nhan Dan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất