(TG) - Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Viện Báo chí Fojo -Thuỵ Điển Fojo phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) tiến hành vào tháng 9 năm 2017 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn so với tỷ lệ nam trong ngành báo chí. Tuy nhiên, nhiều chính sách và cơ chế trong ngành chưa hướng tới mục tiêu xử lý những vấn đề mà các phóng viên nữ gặp phải.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi Toạ đàm Báo chí về đề tài bình đẳng giới, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện đào tạo báo chí FoJo, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet), tổ chức ngày 22-5-2018.
Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Viện Báo chí Fojo -Thuỵ Điển Fojo phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) tiến hành vào tháng 9 năm 2017 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn so với tỷ lệ nam trong ngành báo chí. Tuy nhiên, nhiều chính sách và cơ chế trong ngành chưa hướng tới mục tiêu xử lý những vấn đề mà các phóng viên nữ gặp phải.
Nghiên cứu ghi nhận tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27%. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm bao gồm nguồn tin, đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, ngay trong các nhà báo cũng có cách hiểu chưa thống nhất về các yếu tố cấu thành hành vi quấy rối tình dục. Trong khi đó, hầu hết các Toà soạn chưa có chính sách và đào tạo phòng chống hành vi này.
“Vai trò của nhà báo nữ đã tiến một bước rất dài trong ngành báo chí. Các nhà báo nữ đã không còn khó xin việc do định kiến của các Toà soạn đối với nhà báo nữ như trước kia. Tuy nhiên, các buổi thảo luận nhóm với các nhà báo do FoJo và MDI tiến hành cho thấy nạn quấy rối, đối với cả nhà báo nữ và nhà báo nam, là một lực cản ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc và sức khoẻ tinh thần của một bộ phận nhà báo”, Trần Lệ Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và đồng sáng lập Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet), nói. “Trong thời gian tới, MDI và WeNet sẽ tích cực hỗ trợ các nhà báo trong việc tăng cường bình đẳng giới trong toà soạn và hỗ trợ đưa thông tin báo chí có hiểu biết về bình đẳng giới, phòng chống và giảm thiểu hậu quả các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo".
Các hoạt động của MDI và WeNet sẽ nhằm đến các mục tiêu sau: Tăng cường nâng cao nhân thức trong ngành báo chí truyền thông về quấy rối và quấy rối tình dục; Đào tạo nhà báo, cả nam và nữ, về như thế nào là quấy rối và cách đối phó; Chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bên trong ngành báo chí truyền thông và trong nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các Toà soạn để thiết lập các cơ chế, chính sách nội bộ chống quấy rối./.
TĐ