LỜI BÁC DẠY NĂM XƯA
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, dù đất nước
đang trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải lãnh đạo
nhân dân ta chống “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” và xây dựng chế
độ mới, nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng ta và Bác Hồ vẫn dành
cho công tác Thể dục thể thao sự quan tâm đặc biệt.
Ngày 30/1/1946, Chủ
tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14 thành lập Bộ Thanh niên Nha Thể
dục Trung ương, chính thức khai sinh ra nền Thể thao cách mạng Việt Nam
với nhiệm vụ “nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn
quốc” nhằm “tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”.
Tiếp đó, ngày 27/3/1946, Bác thay mặt Chính phủ ban hành Sắc lệnh số
38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục. Cùng ngày, Người viết bài "Sức
khỏe và Thể dục" đăng trên báo Cứu quốc, kêu gọi toàn dân tập thể dục.
Bác viết: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một
người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Bác kêu gọi mọi người dân
bất kể già trẻ, trai gái ra sức luyện tập thể dục hằng ngày để có sức
khỏe, đồng thời Bác cũng khẳng định rằng: Luyện tập thể dục, bồi bổ sức
khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Mỗi người dân mạnh khỏe tức
là cả nước mạnh khỏe, có như vậy, công cuộc kháng chiến mới thắng lợi,
kiến quốc mới thành công.
THỂ THAO VIỆT NAM HỌC VÀ LÀM THEO LỜI BÁC, LỚN MẠNH CÙNG ĐẤT NƯỚC
Ra đời chỉ 5 tháng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo
của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngành Thể dục thể thao đã nhanh chóng
triển khai tổ chức, điều hành các hoạt động thể dục thể thao nhằm góp
phần bồi bổ sức khỏe của nhân dân, gây đời sống mới, mạnh và hùng cho
một dân tộc đang đấu tranh vì nền độc lập.
Trong các cuộc kháng chiến
bảo vệ Tổ quốc, ngành Thể dục thể thao đã bền bỉ nỗ lực triển khai
nhiều hoạt động, nhiều phong trào thể dục thể thao thiết thực, hiệu quả,
góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sức chiến đấu của quân và dân,
cùng cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất
nước.
Trong suốt hành trình thống nhất đất nước, thể thao luôn có sức sống
mãnh liệt ở khắp Việt Nam. Đến khi non sông liền một dải thì thể thao
Việt Nam được cộng hưởng sức mạnh từ mọi miền đất nước. Thế nên, kể cả
khi kinh tế đất nước còn khó khăn thì các hoạt động thể thao vẫn diễn ra
sôi nổi, hào hứng. Những cuộc đấu bóng đá, bóng bàn… giữa các đội bóng,
tay vợt đỉnh cao trên khắp mọi miền đất nước thực sự khiến người dân có
món ăn tinh thần quý giá để cùng đất nước vượt qua khó khăn.
Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Thể dục thể thao tiếp tục phấn đấu, phát
huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều
chủ trương, chính sách về thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm
vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi;
góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa.
Nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích
cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại. Không ít
môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật, đã phát triển mạnh
và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở
các nước, trong các giải khu vực và thế giới.
Ngành Thể dục thể thao cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương
hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đối
ngoại nhân dân; nâng cao vị thế, vai trò và quảng bá hình ảnh của đất
nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Trải qua 77 năm phát triển và trưởng thành, ngành Thể dục thể thao
luôn giữ vị trí quan trọng góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc
sống của nhân dân, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh;
củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây
dựng và phát triển đất nước; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc
tế.
THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO GẶT HÁI ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ
Các cầu thủ U23 Việt Nam giương cao ảnh Bác Hồ vui mừng chiến thắng sau khi giành tấm huy chương Vàng tại SEA Games 31, tối 22/5/2022 trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội. (Ảnh: TTXVN
Liên tục góp mặt ở các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á từ trước khi
đất nước thống nhất năm 1975, thể thao Việt Nam từng được xem là lá cờ
đầu ở những môn thế mạnh như bóng bàn, bơi, xe đạp, Judo, bóng chuyền
nam, bắn súng, và cả bóng đá nam. Tại châu Á, Việt Nam đã đạt được những
kết quả xuất sắc từ lần đầu dự ASIAD năm 1954 tới năm 1974. Cũng trong
thập niên 50, thể thao Việt Nam đã có mặt tại đấu trường Olympic và để
lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Thể thao nước nhà cũng gặt hái
nhiều thành quả. Tại Đông Nam Á, từ xuất phát điểm khá thấp, Việt Nam đã
giành vị trí số 1 tại SEA Games 22 năm 2003, và luôn có mặt trong top 3
khu vực kể từ đó tới nay. Rồi tấm Huy chương Vàng bóng đá “trong mơ”
với thể thao Việt Nam cũng đã về tay đoàn thể thao Việt Nam vào năm
2019. Hay ngôi vô địch bóng đá AFF Cup tưởng còn lâu mới thuộc về bóng
đá Việt Nam nhưng rồi sự bền bỉ sau 12 năm đã đưa bóng đá Việt Nam lên
ngôi vương vào năm 2008.
Ở châu Á, rất đáng ghi nhận khi Việt Nam lần đầu tiên đã có những tấm
huy chương Vàng ở các nội dung được đầu tư mạnh, như: Taekwondo,
Karatedo hay Thể hình. ASIAD 2018, thể thao Việt Nam đã giành tới 5 Huy
chương Vàng.
Và tấm huy chương Olympic tưởng quá xa vời với thể thao Việt Nam bởi
năm 1980, thể thao Việt Nam dự Olympic chỉ bằng suất vé mời, đến sau đó
cũng chỉ đặt mục tiêu giành vé dự Olympic thay vì tranh huy chương.
Nhưng đến năm 2000 vận động viên Trần Hiếu Ngân đã giành Huy chương Bạc
môn Taekwondo. Đến năm 2016, Hoàng Xuân Vinh lập dấu mốc mới cho thể
thao Việt Nam khi giành Huy chương Vàng tại Olympic Rio ở Brazil.
THỂ THAO QUẦN CHÚNG PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ, SÂU RỘNG
Bên cạnh thể thao thành tích cao, thể dục thể thao quần chúng cũng đã
được ngành Thể thao phát triển đồng bộ, sâu và rộng. Với mục tiêu đẩy
mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ
đại", thể thao phong trào đã phát triển mạnh mẽ từ các phường, xã,
trường học tới các cơ quan nhà nước. Có thể thấy, việc phát triển nền
Thể thao quần chúng chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng không chỉ
giúp Việt Nam gìn giữ bản sắc và văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra động
lực thúc đẩy thể thao nước ta vươn lên tầm quốc tế.
Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước
tính đạt 33,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao ước đạt 24,6%. Hệ
thống thi đấu, tập luyện thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng với
gần 58.000 câu lạc bộ và có trên 45.000 cuộc thi đấu được tổ chức hằng
năm.
Ngay trong giai đoạn diễn ra dịch COVID-19, ngành Thể thao cũng chung
tay cùng xã hội khi có những hướng dẫn người dân lựa chọn các hình thức
tập luyện thể thao phù hợp để vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, vừa
giữ gìn sức khỏe.
Đông đảo vận động viên tham gia Ngày chạy Olympic Vì sức khỏe toàn dân tại Hà Nội, ngày 26/3/2023. (Ảnh: TTXVN)
77 năm, một chặng đường dài của thể thao Việt Nam đã chứng kiến rất
nhiều vinh quang, nhưng cũng không ít thất bại. Tự hào về những gì ngành
thể thao làm được, nhưng chúng ta cũng không quên những thách thức rất
lớn đang đợi chờ phía trước./.
PHƯƠNG ANH (TTXVN)