Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của
Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev, hai bên đã ra Tuyên bố chung. Tạp chí trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:
1. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với bề dày hơn nửa thế kỷ
giữa hai nước và nhân dịp chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev từ ngày 27 đến
ngày 31 tháng 10 năm 2013, nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa
Bulgaria nhất trí phát triển quan hệ giữa hai nước hướng tới đối tác chiến lược
trong tương lai. Để đáp ứng kỳ vọng và lợi ích thiết thực của cả hai quốc gia,
hai bên nhất trí cùng nỗ lực xây dựng “Mô hình hợp tác kinh tế mới” như là
phương tiện để đạt được mục tiêu đối tác chiến lược.
2. Hai bên khẳng
định tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao nhằm thể hiện quyết tâm chính
trị, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều
lĩnh vực giữa hai nước phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Hai Bên sẽ khuyến
khích việc tiếp tục trao đổi đoàn ở tất cả các cấp trong các lĩnh vực hai Bên có
cùng lợi ích.
3. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên nghị
viện và ủng hộ việc tiếp tục tăng cường hơn nữa tiếp xúc và hợp tác thông qua
triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ ký ngày 16/04/2012 giữa Quốc hội nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Cộng hòa Bulgaria. Nhóm nghị sỹ Hữu nghị
Việt Nam-Bulgaria của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhóm
nghị sỹ hữu nghị Bulgaria-Việt Nam của Quốc hội Cộng hòa Bulgaria sẽ tiếp tục
đóng vai trò thúc đẩy quan hệ song phương giữa Quốc hội hai nước.
4. Hai
bên thống nhất tổ chức tham vấn chính trị thường xuyên giữa hai Bộ Ngoại giao để
trao đổi các vấn đề song phương, lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực
cùng quan tâm.
5. Việt Nam và Bulgaria nhất trí tăng cường và đa dạng
hóa hợp tác kinh tế-thương mại trên lĩnh vực mà hai nước có lợi thế so sánh và
tiềm năng chưa được khai thác. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Ủy ban liên
Chính phủ Việt Nam-Bulgaria về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật
đồng thời coi đây là cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại,
khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo và những lĩnh vực khác.
Hai bên nhất
trí tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư hai nước kết
nối đối tác, tìm hiểu thị trường đầu tư trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ
tầng; quy hoạch, phát triển đô thị và hệ thống giao thông công cộng; sử dụng
hiệu quả năng lượng; bảo vệ môi trường; chế biến thực phẩm...
6. Việt
Nam và Bulgaria khẳng định sẽ hợp tác trong lĩnh vực tài chính nhằm đối phó hiệu
quả với những thách thức kinh tế-tài chính hiện nay, bao gồm trao đổi kinh
nghiệm trong việc quản lý hiệu quả tài chính công, giám sát tài chính nội bộ và
quản lý nợ.
7. Hai bên mong muốn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông
nghiệp, chăn nuôi và thủy sản thông qua triển khai thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp
tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp và
Thực phẩm Bulgaria.
8. Hai bên ủng hộ tăng cường hơn nữa hợp tác song
phương trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, năng lượng tái
tạo, các nguồn năng lượng thay thế khác cũng như các công nghệ tương ứng.
9. Hai Bên khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng thông
qua tích cực đối thoại chiến lược quốc phòng ở các cấp; mở rộng hợp tác trong
lĩnh vực huấn luyện và đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị lực
lượng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đối phó với
khủng hoảng, ứng phó với thiên tai và các tình huống khẩn cấp trong thời bình;
thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự song phương; tăng cường các hoạt động trong
lĩnh vực quân y, nghỉ dưỡng, giao lưu văn hóa và thể thao.
10. Hai bên
nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông qua việc ký Hiệp định hợp
tác phòng chống tội phạm; trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng đặc thù; đào tạo cán
bộ sỹ quan của Việt Nam tại Bulgaria trong khả năng cho phép của cả hai nước…
11. Hai bên tái khẳng định mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về bảo vệ và
trao đổi tin mật trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Bulgaria về cùng nhau trao đổi và bảo vệ
tin mật ký ngày 16 tháng 04 năm 2012.
12. Hai bên khẳng định tiếp tục
phát huy hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo, là lĩnh vực hợp tác
truyền thống, thông qua việc thực hiện Chương trình hợp tác giáo dục-đào tạo
giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo
dục, Thanh niên và Khoa học Cộng hòa Bulgaria giai đoạn 2012-2016 (ký tháng
4/2012); nhất trí khuyến khích các trường Đại học, các cơ sở đào tạo của hai
nước có hình thức quan hệ hợp tác trực tiếp với nhau.
13. Hai bên ủng hộ
việc thực hiện Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Tổng hợp Sofia “St Kliment Ohridski,”
bao gồm cả việc thúc đẩy giáo dục văn hóa thông qua việc thành lập bộ môn
“nghiên cứu văn hóa, xã hội và tiếng Việt” tại Đại học Tổng hợp Sofia và bộ môn
“nghiên cứu tiếng Bulgaria” tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
14. Hai Bên thỏa
thuận thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa bằng các chương trình, hoạt động
cụ thể như trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật; tổ chức các tuần lễ phim và
triển lãm giới thiệu văn hóa, con người của mỗi nước; hợp tác bảo tồn các di sản
văn hóa. Phía Bulgaria cam kết sẽ hỗ trợ, giúp Việt Nam phục chế, trùng tu các
di tích lịch sử cũng như đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản và
khảo cổ.
15. Với mong muốn tăng cường hợp tác du lịch trên cơ sở Hiệp
định du lịch đã ký giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
Chính phủ Cộng hòa Bulgaria vào tháng 11/2006, hai Bên nhất trí khuyến khích
tiếp xúc trực tiếp giữa các cơ quan, doanh nghiệp du lịch hai nước nhằm tìm hiểu
thị trường và khả năng tổ chức các loại hình du lịch tại mỗi nước. Là nước có
nền công nghiệp du lịch phát triển, phía Bulgaria khẳng định sẽ trao đổi kinh
nghiệm, hỗ trợ xúc tiến du lịch và giúp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du
lịch cho Việt Nam.
16. Hai Bên thỏa thuận cùng nhau phát triển quan hệ
hợp tác song phương cùng có lợi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền
thông thông qua việc củng cố khung pháp lý và khuyến khích tiếp xúc trực tiếp
giữa các doanh nghiệp hai bên.
17. Hai bên khẳng định quyết tâm tăng
cường hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thông qua việc thúc
đẩy hợp tác hiện có cũng như xác định những lĩnh vực hợp tác mới đồng thời
khuyến khích thương mại hóa các sản phẩm là kết quả nghiên cứu khoa học chung
của hai Bên. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ký Thỏa thuận hợp tác
giữa Viện Hàn lâm Khoa học-Công nghệ Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học
Bulgaria.
18. Hai bên nhất trí cho rằng những công dân Việt Nam đã học
tập và làm việc tại Bulgaria và cộng đồng người Việt Nam hiện đang sinh sống tại
Bulgaria là nhân tố quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai
dân tộc, đóng góp tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế-thương
mại giữa hai nước. Hai bên khẳng định tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi
cho cộng đồng người Việt tại Bulgaria cũng như công dân Bulgaria sinh sống tại
Việt Nam để họ có thể làm cầu nối cho quan hệ hai nước.
19. Hai bên nhấn
mạnh vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh
thế giới, thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế, hòa nhập xã hội của tất cả mọi người và
để đối phó với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu. Hai bên có cùng chung quan
điểm rằng mọi tranh chấp khu vực và quốc tế cần được giải quyết bằng những biện
pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác tại
Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác trên các vấn đề quốc tế, khu vực,
an ninh cũng như xem xét tích cực việc ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức,
diễn đàn quốc tế.
20. Việt Nam và Bulgaria khẳng định sẵn sàng trao đổi
quan điểm về các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; đấu tranh
chống khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, tội phạm có tổ
chức, hải tặc và di cư bất hợp pháp; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường;
an ninh hàng hải; phát huy hoạt động của các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ;
pháp quyền và nhân quyền cũng như các vấn đề cùng quan tâm khác.
21.
Bulgaria ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên cơ sở Hiệp
định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) giữa Liên minh Châu Âu và các
nước thành viên với nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hai Bên ủng hộ sớm
kết thúc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Việt Nam
đánh giá cao việc Bulgaria đã phê chuẩn PCA.
22. Bulgaria ủng hộ vai trò
trung tâm của ASEAN trong việc gìn giữ ổn định và hòa bình trong khu vực Châu
Á-Thái Bình Dương, cũng như nỗ lực của ASEAN hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng
đồng ASEAN vào năm 2015. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ để Bulgaria tăng cường quan hệ
với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này.
23. Hai Bên nhất trí
hợp tác hiệu quả các dự án phát triển tiểu vùng, bao gồm các vùng thuộc Mekong
và Danube.
Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2013./.
(TTXVN)