Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 3/6/2011 20:47'(GMT+7)

Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 5,6%

 

Trong hai ngày 1 -2/6 tại trụ sở Chính phủ diễn ra phiên họp thường kỳ tháng 5 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Chính phủ đã thảo luận và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và từ đầu năm đến nay; dự báo phát triển kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng còn lại; tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và nhiều nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu và các nhóm giải pháp trong Nghị quyết 11, điều chuyển vốn cho các dự án cấp bách cần hoàn thành ngay, ưu tiên vốn cho sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục triển khai tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo thu nhập thấp.

Sau khi nghe các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng qua cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Tình hình kinh tế vĩ mô đã bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Việc ban hành Nghị quyết 11 được đánh giá là rất cần thiết, kịp thời, đúng đắn, đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình hiện nay. Các Bộ, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 tạo sự nhất trí và đồng thuận cao của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, sự hoan nghênh, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trước khó khăn, thách thức hiện nay. Đặc biệt, cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp, tiến hành dân chủ, bình đẳng, an toàn, đúng luật, thực sự là ngày hội toàn dân. Tỷ lệ bầu cử ở hầu hết các địa phương đều đạt cao.

Thu ngân sách đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán

Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành và lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,6%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá nhanh, cao hơn chỉ tiêu năm nay, ước đạt khoảng 419.000 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010; ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng giá trị sản xuất của ngành vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt trên 34,7 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch nhập khẩu trên 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 5 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 277.000 tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán năm; tổng chi ngân sách nhà nước đạt hơn 299.000 tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm. Nhìn chung, thu ngân sách đạt khá, đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và tiến độ thực hiện, đáp ứng kịp thời các khoản chi phát sinh. Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,21% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với tháng 4. 

Cắt giảm, điều chuyển hơn 80.550 tỷ đồng

Bên cạnh kết quả tăng trưởng tích cực, các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương chính sách hỗ trợ người nghèo, các đối tượng chính sách, người neo đơn, người có công…giảm thiểu khó khăn do biến động giá cả trong thời gian qua. Công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Mặc dù Nghị quyết 11 Chính phủ mới thực hiện được hơn 3 tháng nhưng đã ổn định được tỷ giá, thị trường tiền tệ, kiểm soát được thị trường vàng, giá vàng trong nước đã dần đi vào ổn định và hiện thấp hơn đáng kể so với giá vàng thế giới. Tăng dự trữ ngoại tệ được 1,2 tỷ USD. Kiểm soát được tăng trưởng tín dụng, hệ thống ngân hàng, thanh khoản ổn định. Nhờ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước nên thị trường ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng đã chuyển biến tích cực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của các cấp các ngành, địa phương đã tích cực, nghiêm túc và quyết liệt triển khai Nghị quyết 11. Các Bộ, ngành và địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc và khẩn trương việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới, các dự án chưa thật sự cấp bách, điều chuyển vốn cho các dự án hoàn thành, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2011. Tổng số vốn đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn  kinh tế cắt giảm, điều chuyển là 80.550 tỷ đồng, trong đó số vốn giảm nhờ thực hiện các giải pháp điều hành của Chính phủ khoảng 30.000 tỷ đồng. Thực hiện tiết kiệm chi 10% như Nghị quyết 11 đã nêu, cả nước tiết kiệm được gần 3.900 tỷ đồng để chi cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Thảo luận về biện pháp cắt giảm đầu tư, các thành viên chính phủ nhận định cần đánh giá kỹ khi quyết định giãn tiến độ dự án xây dựng các công trình trường học, bệnh viện, trạm xá.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: Giải quyết vốn đối với các dự án điện cần xem xét thận trọng, vì đây là các dự án mang tính chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa quyết định đối với tình hình cung ứng điện đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy cần xem xét, phân bổ vốn hợp lý cho từng dự án cụ thể, vì nếu giãn tiến độ thì rất lãng phí, nhất là các công trình đã bước vào giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ban, ngành từ nay đến cuối năm tình hình kinh tế kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tuy chỉ số lạm phát đã giảm nhưng vẫn còn cao, giá trị nhập siêu vẫn còn lớn, xấp xỉ 6,6 tỷ USD, bằng 19% kim ngạch xuất khẩu. Do yêu cầu chống lạm phát nên lãi suất ngân hàng cao dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm trước. Đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động phổ thông gặp nhiều khó khăn.

Có thể điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế

Trước diễn biến tình hình kinh tế 5 tháng vừa qua và từ nay cuối năm còn gặp khó khăn, dựa trên các đề xuất của Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Thủ tướng cho biết Chính phủ xem xét có thể điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Đồng thời tích cực hỗ trợ đảm bảo đời sống, an sinh xã hội và hỗ trợ các hộ nghèo, các đối tượng chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu… Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phối hợp kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu. Đặc biệt là chính sách tiền tệ phải linh hoạt, bám sát các chỉ tiêu tổng dư nợ dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%, cần gắn điều chỉnh tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Kiểm soát nợ xấu của hệ thống ngân hàng, nhất là các khoản vay đầu tư bất động sản góp phần làm lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất ngân hàng theo hướng kiểm soát được lạm phát cần giảm lãi suất ngân hàng xuống. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ quản lý thị trường ngoại hối, vàng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Kiểm soát giá cả trong đó có giá xăng, dầu, than. Điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng thời điểu điều chỉnh phải được tính toán kỹ gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ. Bình ổn giá các mặt hàng, đặc biệt là giá cả các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người có thu nhập thấp. Nhóm giải pháp thứ ba là chính sách tài chính, Bộ Tài chính cần linh hoạt trong sử dụng công cụ thuế, vừa đảm bảo thu, chi và hỗ trợ các đối tượng nộp thuế.

Cũng tại phiên họp lần này, Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Tổng kết dự án 5 triệu ha rừng, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện Chương trình bảo vệ rừng giai đoạn 2011-2020; Dự thảo báo cáo Nghị định thay thế Nghị định 132 về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với Công ty Nhà nước; Dự thảo Nghị định của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020./.

(VOVNews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất