Thứ Sáu, 29/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 30/4/2018 14:1'(GMT+7)

“Tôi đã bán nhiều thứ nhưng những bức vẽ ở chiến trường thì không”

Họa sĩ Giang Nguyên Thái (người ở giữa) trong chiến trường.

 

- Anh đã vào chiến trường như thế nào?

 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Tháng 10-1969, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chúng tôi được Bộ Văn hóa cử đi B. Đoàn chúng tôi gồm họa sĩ Nguyễn Thế Vinh quê ở Quảng Ngãi, anh tốt nghiệp khoa Sơn mài; họa sĩ Xu Man, Hồ Thu (Hồ Đức Bình), Phạm Dân, Ngô Văn Riễn. Anh Xu Man vào thẳng Ban Tuyên huấn tỉnh Kon Tum, Hồ Thu và Phạm Dân về Quảng Ngãi, Ngô Văn Riễn đi lên Gia Lai. Tôi chốt lại ở Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung Bộ. Khi nhận lệnh, tôi biết mình đang dấn thân vào một cuộc sống vô cùng gian khổ, chết chóc ở mỗi bước đi nhưng đó là con đường thiêng liêng. Vì thế, ngoài sự bịn rịn và những tình cảm thông thường khác, tôi cảm thấy mình sung sướng, hãnh diện trong vai người chiến sĩ.

 

Hội Văn nghệ Trung Trung Bộ lúc ấy đóng ở vùng sông Bui, huyện Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam. Chiến trường Khu V những năm đó rất ác liệt. Đường dây 559 bị địch đánh phá ác liệt nên không vận chuyển được lương thực từ Bắc vào, Khu V đói to. Hằng tháng trời, chúng tôi không có gạo, toàn phải vào rừng lấy măng, lấy nấm mèo (mộc nhĩ) về ăn trừ cơm. Chúng tôi phải làm rẫy trồng lúa, trồng sắn, trồng bắp để tự túc lương thực. Ít lâu sau, Trường Mỹ thuật lại gửi họa sĩ Trần Hữu Chất (Hồng Chinh Hiền), Trần Thăng Giai (Trần Việt Sơn) vào Tiểu ban Văn nghệ Khu V. Anh Chất là họa sĩ sơn mài. Anh Việt Sơn là họa sĩ trang trí. Trường Mỹ thuật Công nghiệp cử nhà điêu khắc Phạm Hồng và họa sĩ Đức Hạnh vào chiến trường. Anh Phạm Hồng vào công tác ở Ban Tuyên huấn Khu V… Ngoài mỹ thuật, Hồng Chinh Hiền còn là một nhà thơ tài hoa, tác giả của tập thơ Đá trắng.

 

- Mỗi bức ký họa thời ấy, hẳn là một kỷ niệm “không thể nào quên”?

 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Đúng vậy. Đầu năm 1971, lúc này Hội Văn nghệ đã chuyển về vùng Nước Ngheo, nay là xã Trà Ca, huyện Nam Trà Mi. Dọn xong hai cái rẫy để trồng lúa, tôi cùng nhà thơ Dương Hương Ly và nhà thơ Thanh Quế khoác ba lô lên đường đi công tác ở chiến trường Quang Ngãi. Người Cà Dong gọi sông, suối là “nước”, Nước Ngheo phiên sang tiếng Kinh là Suối Ngheo. Từ Nước Ngheo, chúng tôi phải đi qua dốc Bình Minh, qua hai trạm giao liên để vào Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lúc đó đang đóng ở vùng Nước Biếc. Tới trạm giao liên, tôi lấy giấy bút ra vẽ chân dung anh Trưởng trạm, anh chàng này còn khá trẻ, quê ở Hà Tây, cằm vuông, lông mày rậm, râu quai nón trông rất đàn ông. Nhà thơ Thanh Quế và nhà thơ Dương Hương Ly cứ đi vòng quanh khen đẹp, khen giống và có hồn lắm… Kết quả, chúng tôi nhận được gạo, muối lại còn thêm cả đường, sữa, thịt hộp và bột trứng! Hai nhà thơ bảo: Hóa ra cái nghề vẽ lợi hại thật!

 

 

- Vậy còn những nữ du kích, giao liên?

 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Nếu tôi nói, anh hùng nhất, đáng cảm phục nhất trong chiến tranh chống Mỹ, hẳn nhiều người đồng tình. Và rất đẹp nhìn từ góc độ hội họa.

 

Đầu năm 1972, tôi và nhà văn Nay Nô được cử đi tham gia chiến dịch Đắc Tô – Tân Cảnh. Qua đỉnh Ngọc Linh mây mù sương phủ, Nay Nô bảo: Đứng trên ngọn núi này có thể nhìn thấy Gia Lai quê anh! Biết Nay Nô nói dóc, nhưng thấy thương anh quá, vì từ năm 1954 tập kết ra Bắc, Nay Nô chưa một lần được trở lại quê hương! Một buổi chiều đi qua đường 19, Nay Nô nghe giao liên kể đây là con đường Trần Lệ Xuân dùng để vơ vét quế của đồng bào Tây Nguyên. Mấy năm sống ở trên căn cứ, đi toàn đường rừng, leo đèo, lội suối, nay được đi trên một đoạn đường nhựa nên tôi bỏ dép đi chân không rồi nằm lăn ra mặt đường phẳng lỳ, mát rượi, sao mà sướng thế!

 

Ngày 25 tháng 4 năm 1972, chúng tôi theo du kích và cán bộ vào Đắc Tô. Qua một con suối, mọi người dừng lại uống nước. Tôi vục một ngụm nhưng ói ra ngay, không sao uống nổi. Đi ngược suối chừng 200m thấy hai xác lính ngụy chết trương phềnh giữa suối. Mọi người sợ quá móc họng nôn ra bằng hết! Tới đây đã có thông tin là Đắc Tô - Tân Cảnh hoàn toàn giải phóng! Vào đến thị trấn Đắc Tô thì trời vừa hửng sáng. Chúng tôi đi thẳng vào Dinh Quận trưởng Vi Văn Bảo. Tên Quận trưởng này cũng vừa lên trực thăng di tản. Trong nhà bừa bãi thức ăn, quần áo, súng ống, lựu đạn... vứt lung tung. Ngoài sân, cờ Giải phóng đã phấp phới bay trên nóc dinh quận trưởng. Thị trấn Đắc Tô vắng lặng, chỉ có bộ đội, du kích và cán bộ đi lại trên đường. Dân vẫn đóng cửa im ỉm. Đến trước cửa nhà thờ Tin lành, tôi gặp ba nữ chiến sĩ biệt động. Ba cô còn rất trẻ, quần áo đen, mũ giải phóng, khoác AK báng gấp, lựu đạn gài đầy thắt lưng. Gương mặt trẻ sạm đen khói súng. Trông họ hiên ngang, kiêu dũng và đẹp lạ lùng; một vẻ đẹp chưa từng có trong văn học nghệ thuật của mọi thời. Tôi rút bút ghi lại hình ảnh đó. Trời đã bắt đầu vào hạ, hoa phượng ở Tây Nguyên hình như thắm hơn hoa phượng ở Hà Nội. Sắc hoa đỏ thắm hòa với màu cờ giải phóng và băng rôn đỏ rực làm sáng bừng thị trấn Đắc Tô. Đó cũng là bức ký họa sáng mãi.

 

Du kích Quảng Nam. Ký họa Giang Nguyên Thái.

 

- Tôi có nhớ một bức ký họa bằng chì than của anh “17 tuổi, đánh trên 20 trận ngay trong thành phố, giữa ban ngày, diệt 250 tên giặc”. Đó là một chiến sĩ trong Đội Biệt động Lê Độ?

 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Vâng, đó là cô Đoàn Thị Tứ. Đại đội Đặc công Biệt động Lê Độ (mang mật danh 180) của TP Đà Nẵng được thành lập ngày 23-3-1968. Trong chiến tranh, Đội đã đánh hàng trăm trận, tiêu biểu là các trận đánh đêm 22 và 23-8-1968 đánh vào Quân vụ Thị trấn và Đài Phát thanh Đà Nẵng, và các trận đánh vào Nhà máy điện Liên Trì Đà Nẵng, đồn Cổ Mân ở xã Hòa Xuân, H. Hòa Vang, và cứ điểm Cống Tiềm ở Điện Ngọc, H. Điện Bàn, Quảng Nam lập chiến công vang dội trên chiến trường Quảng Đà. Nhưng đội cũng chịu nhiểu tổn thất hy sinh.

 

Tôi nhớ rất rõ đã vẽ bức này vào ngày 10-12-1972 tại vùng B, Đại Lộc khi tôi đi thực tế sáng tác với Đội. Họa sĩ Họa sĩ Đức Hạnh đưa tôi lội ruộng nước gần tới thắt lưng để qua bến đò Giảng Hòa rồi vào chợ Mỹ Thuận. Sau đó, Đức Hạnh đưa tôi vào Đại đội biệt động Lê Độ, lúc đó đơn vị đang đóng quân ở vùng Khe Rằn, Đại Lộc, gần Dốc Gió, lối đi Thành Mỹ. Đoàn Thị Tứ lúc ấy vừa tròn 17 tuổi, tóc cắt ngang vai. Cùng với đồng đội của Tứ như Thái Hùng, Minh, Lan, Thúy, Mười, Bông ..., các em đều rất trẻ, trông vẫn như còn dáng dấp của các cô cậu học sinh trung học, vậy mà thành tích đánh giặc thật phi thường. Tết năm đó, tôi ăn Tết cùng với các anh chị em, cũng có bánh tét, giò heo... nhưng vẫn có đơn vị đi tác chiến. Đêm nằm nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn, tiếng B40 vang rền trong huyện lỵ, trong thành phố, anh chị em lại bảo nhau: đêm nay đội Thái Hùng đánh, tiếng AK phát một là của Minh đấy, còn tiếng lựu đạn ầm ầm là của các chiến sĩ nữ đánh chặn để anh em rút lui... Nghe mà thương, mà cảm phục các em quá!

 

Tôi đã đi tìm Tứ và các em Lê Độ rất nhiều. Tháng 10-2016, tôi nhận được một cuộc điện thoại, đặc giọng Khu V:

 

- Anh có phải là Họa sĩ Giang Nguyên Thái không?

 

- Vâng…

 

- Anh Thái ơi, em là Học ở Biệt động Lê Độ đây. Em đang ở Bình Định. Em đọc báo thấy anh đang đi tìm bọn em. Anh ơi, Tứ, Hùng và nhiều anh chị em vẫn đang ở Đà Nẵng...

 

Tôi xúc động và quá bất ngờ, liên tiếp hỏi Học biết bao nhiêu câu và hẹn sẽ sớm trở lại gặp anh em.

 

Một tháng sau, tôi vào Đà Nẵng. Thái Hùng và Học đã đặt Khách sạn đón tôi. Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Các em bảo đọc bài báo chúng em đã khóc, rồi tìm rất nhiều cách để có thể liên lạc được với anh. Chúng em đã đọc cho nhau nghe bài báo của anh qua điện thoại, đứa nào cũng khóc. Nhớ anh Thái quá.

 

So với bức ký họa tôi vẽ, Đoàn Thị Tứ vẫn còn có nét của những năm 1972, tuy thời gian đã 44 năm qua, nhưng nhìn em là có thể nhận ra ngay cô đội viên Biệt động ngày ấy! Sau Giải phóng, các em được chuyển sang lực lượng công an thành phố, một số em được đi học, số làm cán bộ chỉ huy, giờ cũng đã nghỉ hưu hết cả.

 

Trong một bức tranh khác, tôi vẽ ba cô đội viên biệt động, Thái Hùng bảo, cô áo đỏ nếu em nhớ không nhầm là Trần Thị Chiến. Sau ngày anh về vẽ, Chiến đã bị địch bắt, chúng đánh đập, tra khảo dã man và trói em rồi cho lên xe chạy rong khắp thành phố. Chúng còn đưa cả cha mẹ em đến, nhưng Chiến lắc đầu không nhận. Biết không khuất phục được người nữ chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, chúng hèn hạ cắt tai, xẻo ngực, giết em rồi đem bêu ngoài chợ huyện. Sau này Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu Anh hùng. Chiến cũng không để lại tấm ảnh nào, may còn có hình ảnh trong ký họa của tôi...

 

Sau chiến tranh, tôi đã tới rất nhiều nơi tôi đã ở trên chiến trường xưa, tìm tung tích những người tôi đã gặp, đã vẽ, nhưng người còn, người mất… Người mất, người lưu lạc nhiều hơn người đã gặp. Người gặp thì đã già, không còn nhớ mặt nhau, chỉ cái tên là còn nhớ. Với tôi, cuộc chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt… Không chỉ bộ đội, du kích, nhân dân mà tên tuổi anh em văn nghệ sĩ mỗi khi nhắc đến lại thương nhớ nao lòng… Đó là các anh chị Vương Linh (bút danh Hải Lê), Chu Cẩm Phong, Dương Hương Ly, Cao Duy Thảo, Thanh Quế rồi Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Sơn, Hoàng Hởi, Nguyễn Bá Thâm, Trần Thành, Nguyền Văn Đông ,Nguyễn Thị Bắc Hà, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyên Chí Trung, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca sĩ Thanh Đính, Biên đạo múa Hiền Anh, Phương Anh, họa sĩ Hà Xuân Phong, Nguyễn Thế Vinh, Hồng Chinh Hiền, Trần Việt Sơn… Những năm đó vào chiến trường B không mấy ai không bị sốt rét, nhất là bệnh sốt rét ác tính. Bom đạn và sốt rét ác tính đã cướp đi rất nhiêu anh chị em và chiến sĩ giải phóng. Sau hòa bình, thương tật, bệnh tật và tuổi già lại làm vơi nhiều hơn nữa đội ngũ những người kháng chiến. Dịp 30-4 hằng năm, gặp nhau lại thấy vơi thêm…

 

- Anh không bao giờ bán những bức ký họa chiến trường của mình, ngay cả khi anh khó khăn nhất và người nước ngoài mua với giá cao?

 

Họa sĩ Giang Nguyên Thái: Tôi đã có triển lãm tranh nước ngoài, đã bán được một số tranh. Trong cuộc đời, tôi đã bán đi nhiều thứ khác nhưng những ký họa ở chiến trường thì không bao giờ bán cả!

 

- Cảm ơn Họa sĩ Giang Nguyên Thái!./.

Nguyễn Sĩ Đại/Nhân dân (Thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất