Với tên gọi ''Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Kô, ba dân tộc vùng Thừa Thiên Huế'', triển lãm của nhà nhiếp ảnh Pháp Sébastien Laval đang diễn ra tại Hà Nội. Hơn 50 bức ảnh tại triển lãm giới thiệu những nét sinh hoạt đời thường, cuộc sống của 3 dân tộc thiểu số vùng đất miền Trung, một đất nước mà anh yêu mến và sẽ gắn bó lâu dài.
Từ những bức ảnh đen trắng
Đó là cảnh những đứa bé chơi đùa trên con đường nhỏ, những già làng trưởng bản trong bộ trang phục truyền thống, những em gái nhỏ cắp sách đến trường, cảnh người cha tắm cho con hay nụ cười hiền hậu của những bà mẹ người Pa Kô…
Trước triển lãm này, năm 2005, nghệ sĩ Sébastien Laval cũng đã phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Hiệp hội Dân tộc học châu Á đi tìm kiếm những hình ảnh của cuộc sống thường nhật và chân dung của những dân tộc thiểu số Việt Nam. Kết quả đầu tiên từ sự hợp tác này là những bức ảnh đầu tiên về người Pà Thẻn được giới thiệu năm 2006 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
10 ngày ở hai huyện Nam Đông và A Lưới (Thừa Thiên-Huế), Sébastien Laval đã nỗ lực để ghi lại những hình ảnh ấy như một cách ghi lại ký ức, ghi lại một nét văn hoá ở vùng đất nơi đây. Những bức ảnh thể hiện sự tồn tại song song giữa văn hoá truyền thống mang tính bản địa và sự phát triển của cuộc sống hiện đại; sự pha trộn giữa thiên nhiên và con người…
“Khi gặp những người dân tộc thiểu số, tôi rất ngạc nhiên. Hình ảnh sinh hoạt cộng đồng của người dân, những ngôi nhà sàn, nhà cổ truyền thống…là nét đẹp đặc trưng của cả một vùng đất”, Sébastien Laval chia sẽ.
Tuy nhiên, một chút gì đó vẫn làm anh suy ngẫm khi nói về một bức ảnh chụp 3 cô bé người dân tộc Cơ Tu. “Trong bức ảnh này chỉ có một cô bé ở ngoài cùng là còn mặc trang phục dân tộc truyền thống, hai cô bé còn lại đã mặc trang phục hiện đại rồi. Tôi chụp bức ảnh này và đặt ra các câu hỏi là liệu trong 1-2 năm nữa tôi quay lại, gặp đúng 3 cô bé này thì lúc ấy không biết các cháu có còn ai mặc trang phục dân tộc nữa hay không?”.
…Và “cái duyên” gặp gỡ với Việt nam
|
Anh Sébastien Laval |
Bắt đầu "bén duyên" với Việt Nam vào năm 1995 với chuyến du hành xuyên Việt qua đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, Sébastien Laval đã có dịp tiếp xúc với nhiều dân tộc thiểu số, tìm hiểu về cuộc sống của họ. Ấn tượng từ chuyến đi này là sự hiếu khách, tấm lòng đôn hậu, hiền hoà của người dân Việt nam.
Chính sức hấp dẫn kỳ lạ từ con người, lịch sử và cảnh vật của một nền văn hoá đa dạng giàu bản sắc đã khiến Sébastien Laval dừng bước. Ý tưởng thực hiện một bộ ảnh về dân tộc thiểu số Việt nam cũng đã bắt nguồn từ đấy.
“Tôi có nguyện vọng được chụp các dân tộc thiểu số Việt nam. Đây cũng là tâm nguyện quan trọng nhất của tôi với mục đích lưu giữ lại những hình ảnh, ký ức của dân tộc thiểu số của Việt nam trong thế kỷ 21 này”, Sébastien cho biết. Vì theo anh, đời sống của người dân hiện nay thay đổi rất nhiều. “Chính vì thế, tôi mong muốn giúp Việt nam lưu giữ lại những bức ảnh đó-những bức ảnh làm nên di sản văn hoá của Việt nam”.
Sébastien tâm sự, với tư cách là một nhà nhiếp ảnh, anh muốn lưu giữ lại những di sản về dân tộc thiểu số của văn hoá Việt nam, không chỉ cho hiện tại mà cả cho mai sau. Từ đó, giới thiệu hình ảnh văn hoá Việt nam tới công chúng Pháp và công chúng quốc tế.
Trong một dự định gần nhất, Sébastien Laval cho biết, anh sẽ thực hiện một triển lãm về Việt nam tại “Ngôi nhà Đông dương”- một trong những địa điểm nghệ thuật nổi tiếng tại thủ đô Paris của Pháp. Đây sẽ là một món quà mà anh muốn dành tặng Việt nam./.
VOVNews