Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, hiện nay tình hình tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên đang có chiều hướng gia tăng, một số loại án do người chưa thành niên thực hiên với tính chất nghiêm trọng ngày càng nhiều, thống kê sơ bộ cho thấy người chưa thành niên phạm tội cướp giật tài sản tăng 64%, giết người tăng 39% so với các năm trước đây. Người chưa thành niên phạm tội chủ yếu tập trung ở các địa bàn thành phố, thị xã, nơi tập trung dân cư. Trong những năm vừa qua, trung bình hàng năm xảy ra trên dưới 10.000 vi phạm pháp luật có liên quan đến người chưa thành niên với khoảng 13.000 đối tượng, trong đó có khoảng 68% là người chưa thành niên ở đội tuổi 16-18 tuổi, chủ yếu tập trung vào các đối tượng là người chưa thành niên bỏ học, bỏ nhà, sống lang thang (thống kê sơ bộ khoảng 41%).
Tại các địa bàn thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã xuất hiện tình trang thanh thiếu niên bỏ nhà đi lang thang, sống bầy đàn, tụ tập thành các băng nhóm, sử dụng vụ khí như dao, lê, mã tấu gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản diễn ra khá phổ biến. Thậm trí đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm là người chưa thành niên thực hiện các hành vi như đâm thuê, chém mướn…
Trong môi trường nhà trường tình trạng bạo lực học đường cũng điễn biến phức tạp, tình trạng học sinh, sinh viên đánh nhau, làm nhục nhau, quay video đưa lên mạng diễn ra nhiều, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân…
Một con số báo động về tình trạng người chưa thành niên phạm tội là tình hình người chưa thành niên tái phạm ngày càng tăng (45% người chưa thành niên tái phạm lần thứ 2 trở lên).
Qua báo chí, có thể thấy số vụ án do người chưa thành niên gây ra đã trở thành các chủ đề nóng bỏng trên báo chí, qua các trang thông tin điện tử, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận như vụ việc Nghiêm Viết Thành (SN 1991, trú tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương, Hải Dương) về tội giết chính bố đẻ của mình rồi chặt xác làm nhiều mảnh để phi tang ngày 6/5/2009, vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang giết người, vụ Nguyễn Văn Hải (15 tuổi, ngụ ấp Dừa Đỏ 2, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) lập kế hoạch sát hại lái xe ôm cướp tiền… lấy "vốn" lên TP HCM làm thuê, vụ Nguyễn Thành Nhân (SN 1996, ngụ thị trấn Cần Đước, Long An) đã thực hiện hành vi giết người do mâu thuẫn nhỏ nhặt vào ngày 2/3/2012, vụ án đối tượng Đinh Quang Vinh (15 tuổi) trú tại xóm 6, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) giết bà nội dã man để mua điện thoại ngày 20/4/2012vừa qua… Những vụ việc trên là những hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng, với nhà trường và gia đình đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá lại công tác phòng ngừa, giáo dục học sinh, sinh viên, người chưa thành niên…
Thực tế cho thấy, nguyên nhân của tình trạng này là hệ quả của hệ thống cơ quan tuyên truyền, giáo dục, các cơ quan làm chức năng phòng ngừa người chưa thành niên, học sinh sinh viên, nhà trường, gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế, trước ảnh hưởng của môi trường xã hội, sự hội nhập sâu rộng và không có khoảng cách của hệ thống Internet… ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phẩm không lành mạnh… là những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng của tình trạng tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên. Có thể xác định một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Từ phía gia đình: Qua thống kê vụ việc 7.861 có đối tượng phạm tội là người chưa thành niên cho thấy đại đa số các đối tượng là người chưa thành niên phạm tội ở trong hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, có bố hoặc mẹ đã vi phạm pháp luật hình sự, là người nghiện ma túy, cơ bạc, nghiện rượu… trong gia đình thường xuyên có các hành vi bạo lực. Một số ít do cha mẹ không nhận thức rõ, không giáo dục, quản lý người chưa thành niên phù hợp, phó mặc con cái cho nhà trường… Một số gia đình thiếu quan tâm, để trẻ lang thang hoặc quá nuông chiều không định hướng để người chưa thành niên tiếp xúc với môi trường không lành mạnh như quan hệ với đối tượng xấu, tiếp xúc với văn hóa phẩm đồ trụy, bạo lực… không định hướng về nhận thức về pháp luật và vi phạm pháp luật cho người chưa thành niên dẫn đến tình trạng người chưa thành niên thiếu hiểu biết, coi thường và vi phạm pháp luật.
Từ phía nhà trường: Thực tế cho thấy, Đảng, nhà nước, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chương trình tuyên truyền về đạo đức, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một chương trình cụ thể nào đi vào trọng tâm là giáo dục ý thức tự giác, tuân thủ pháp luật cho học sinh, nhất là pháp luật cơ bản tội phạm và vi phạm pháp luật phổ biến… Các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường còn thiếu các chương trình cụ thể, thiết thực, có định hướng cho học sinh có ý thức pháp luật, có khả năng nhận thức về hành vi nào là hành vi đúng trong các trường hợp cụ thể… hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật…
Một nguyên nhân đáng chú ý là có một số nhà trường vì bệnh thành tích đã tìm cách loại bỏ, đuổi học học sinh hư thay vì tìm các biện pháp giáo dục hiệu quả dẫn tới tình trạng học sinh hư bỏ học, bị đuổi học, thiếu giáo dục sống lang thang trước nguy cơ trở thành tội phạm.
Việc phối hợp giáo dục người chưa thành niên, học sinh giữa nhà trường và gia đình học sinh trong quản lý, giáo dục học sinh hư cũng chưa chặt chẽ dẫn tới tình trạng học sinh hư xa đà, tham gia vào các tệ nạn xã hội, bị quy nạp, chiêu mộ vào các băng nhóm tội phạm…
Từ phía môi trường xã hội: Cùng với sự phát triển của xã hội, sự hội nhập nhiều mặt của đất nước, mặt trái của sự hội nhập là hệ tư tưởng không lành mạnh… sự du nhập của lối sống thực dụng, sa đoạ từ các nước phương Tây; sự xuống cấp của đạo đức xã hội; trách nhiệm phối hợp quản lý, giáo dục và tuyên truyền của xã hội, nhà trường và gia đình chưa cao; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm và môi trường không biên giới của mạng Internet…
Từ bản thân người chưa thành niên: Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an thì trong 15.736 vụ án hình sự do người chưa thành niên gây ra có tới 85% người chưa thành niên phạm tội là do thiếu ý thức về pháp luật, không có nhận thức đúng đắn về hành vi và vi phạm pháp luật, do thiếu giáo dục, không có khả năng kiềm chế trước tệ nạn xã hội hoặc do tác động của các hành vi tiêu cực… do thiếu tu dưỡng, đua đòi, hưởng thụ, muốn chứng minh bản thân mình với bạn bè… Mặt khác thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội do đó không có định hướng đúng đắn dẫn đến việc thực hiện các hành vi lệch lạc với chuẩn mực đạo đức của xã hội, vi phạm pháp luật…
Đã có nhiều công trình nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra các giải pháp giải quyết tình trạng người chưa thành niên phạm tội, tuy nhiên có thể thấy rằng, tình hình tội phạm được thực hiện bởi người chưa thành niên gây ra ngày càng có xu hướng gia tăng, người chưa thành niên phạm tội ngày càng có xu hướng gia tăng ở những tội phạm nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng và xuất hiện nhiều hơn trong các tội phạm mà trước đây người chưa thành niên ít thực hiện như môi giới mại dâm, mua bám, vận chuyển, tàng chữ trái phép chất ma túy… Điều này cho thấy hệ thống chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật còn bất cập, hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục máy móc, chưa có trọng tâm, chưa có sự nghiên cứu thống nhất cụ thể để phù hợp với độ tuổi, nhận thức của người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, cũng có thể nhận thấy vai trò của chính quyền cơ sở có nơi, có lúc nhận thức chưa đầy đủ vai trò của hoạt động tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Tổ chức Đoàn Thanh niên tuy cũng đã có các chương trình giáo dục, tuyên truyền nhưng thực tế là sáo rỗng, hình thức và không phù hợp, không tiếp cận được với giới trẻ. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội khác trong công tác này cũng còn nhiều vấn đề…
Do đó, cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức và phát huy trách nhiệm của cộng đồng xã hội, gia đình, nhà trường đối với việc quản lý, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Nâng cao nhận thức và khả năng tự vệ từ chính phía đối tượng người chưa thành niên.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động phổ biến những phương thức, thủ đoạn phạm tội và các vụ việc xảy ra để người dân và tự bản thân trẻ em nâng cao ý thức phòng ngừa, xây dựng ý thức pháp luật cho người chưa thành niên để người chưa thành niên có định hướng rõ ràng, nhận thức đúng đắn về hành vi, vi phạm pháp luật, có khả năng đề kháng trước tệ nạn xã hội, thói hư, tật xấu…
Hoàng Đạt (Khoa Cảnh sát Vũ trang, Học viện Cảnh sát nhân dân)