Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 14/5/2019 8:11'(GMT+7)

Tôn giáo nào cũng hướng tới điều thiện, đẩy lùi cái ác

Tăng, ni thực hiện nghi lễ Tắm Phật tại điện Pháp Chủ, chùa Tam Chúc.

Tăng, ni thực hiện nghi lễ Tắm Phật tại điện Pháp Chủ, chùa Tam Chúc.

Trên cơ sở chủ đề của hội thảo quốc tế Vesak 2019 là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Ban tổ chức đã chia ra 5 diễn đàn quốc tế bằng tiếng Anh.
Niềm tin Phật giáo góp phần thúc đẩy phát triển bền vững

Trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2019, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có một bài phát biểu đáng chú ý về vai trò của Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung trong việc dẫn dắt xã hội nhiều biến động ngày nay.

Có thể nói, gắn liền với chủ trương của Liên Hợp quốc và mối quan tâm của quốc gia tổ chức, các chuyên đề của hội thảo Phật giáo thế giới diễn ra trong hôm qua và “Tuyên bố chung Vesak 2019 – Tuyên bố Hà Nam” công bố hôm nay (14/5) là sự đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại, đồng thời đóng góp vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu, đem lại những giá trị tích cực cho toàn nhân loại, hứa hẹn vào sự lợi ích của cá nhân và tập thể, mở ra chương mới về sự bền vững của gia đình, sự bình đẳng, hòa bình cho toàn xã hội. Đó là tất cả những gì mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dành cả cuộc đời ưu tư, thao thức để hiến tặng trí tuệ, đạo đức cho con người và thế giới.

Trong phát biểu của mình, ông Vũ Khoan bày tỏ nỗi trăn trở khi “gần đây đời sống vật chất của con người ngày càng được nâng cao nhưng lòng người thì không yên, những biểu hiện vô minh ngày một nhiều, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn, các tệ nạn xã hội gia tăng, những hiểm họa truyền thống và phi truyền thống ngày càng nhiều”.

Trong khi đó, mâu thuẫn giữa các dân tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang diễn ra liên tục, nhiều thảm họa nhân đạo bùng phát, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng… Ông Vũ Khoan đặt câu hỏi: “Điều gì đã dẫn tới những biểu hiện như vậy?” và ông thử giải đáp: “Phải chăng những gì đang diễn ra chung quy lại thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa phát triển nóng và nhu cầu phát triển bền vững? Phát triển kinh tế bằng mọi giá, không tính đến môi trường sinh thái đã tạo thêm hố ngăn cách giữa giàu và nghèo, giữa các quốc gia…

Tâm trạng bất mãn trong xã hội ngày càng tăng. Những biểu hiện hoang mang, giận dữ, si mê đang tầm nở rộ. Đời sống tinh thần hướng thiện bị thách thức. Bên cạnh đó, những chính sách cường quyền, áp đặt, trừng phạt đã đẩy nhiều dân tộc vào thảm cảnh nồi da nấu thịt…”.

Cũng theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, làm thế nào để thế giới yên bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc, hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia ngày càng mạnh mẽ, đem lại hi vọng vào tương lai sáng sủa hơn, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào từng con người, từ người dân thường tới các lãnh đạo.

Khẳng định các giáo lý nhà Phật giúp chúng ta thấy điều hay lẽ phải, việc thiện, đẩy lùi việc ác trong mỗi con người, ông Vũ Khoan bày tỏ niềm tin rằng cộng đồng Phật giáo có thể góp phần vào phát triển bền vững, xây thế giới yên bình, hoặc chí ít cũng mang đến những phương cách hóa giải những mâu thuẫn giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo… Bởi thế giới có nhiều tôn giáo với những giáo lý, giáo luật khác nhau song quy tụ lại đều hướng tới những điều thiện, đẩy lùi cái ác.

PHẬT GIÁO KHUYẾN KHÍCH TÍN ĐỒ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chứng minh rằng Liên Hợp quốc đang đặt tầm quan trọng tinh tế cho sự phát triển tương lai bền vững. Những lĩnh vực được bao trùm bởi mục tiêu thiên niên kỷ, hay mở rộng ra là mục tiêu chính yếu trong xã hội loài người, các mục tiêu đó hầu hết đều là những lĩnh vực mà Phật giáo hết sức coi trọng.

Mục tiêu đầu trong tám mục tiêu là xóa đói, giảm nghèo. Mục tiêu thứ hai là hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học toàn cầu. Mục tiêu thứ ba là thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mục tiêu thứ tư là giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Mục tiêu thứ năm là cải thiện sức khỏe của bà mẹ. Mục tiêu thứ sáu là chiến đấu chống lại bệnh HIV/AIDS, bệnh sốt rét và những căn bệnh khác. Mục tiêu thứ bảy là bảo đảm sự bền vững môi trường. Mục tiêu thứ tám là phát triển của quan hệ đối tác toàn cầu.

Phật giáo với tư cách là một tôn giáo sẽ tiếp cận với các vấn đề xã hội mang tính toàn cầu này như thế nào? Trong bài tham luận của mình trình bày tại hội thảo quốc tế Vesak 2019, Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều nhận định để trả lời câu hỏi này. Trong đó đáng lưu ý quan điểm của Hòa thượng Thích Gia Quang về vấn đề tiếp cận phát huy giáo lý Phật giáo trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai.

Theo  Hòa thượng Thích Gia Quang, chúng ta đang đứng trước nhiều thảm họa thiên tai, sự nóng lên của trái đất, môi trường ô nhiễm xảy ra liên tục trong những năm gần đây, nhiều người bị cướp đi sinh mạng do bão lũ, sạt lở đất, chất thải ngành công nghiệp hủy hoại hệ sinh thái trên diện rộng. Khi môi trường thay đổi, các điều kiện khí hậu cũng sẽ thay đổi. Khi chúng thay đổi một cách mạnh mẽ thì nền kinh tế và rất nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ thay đổi theo. Thậm chí sức khỏe thể chất của con người cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lý thuyết duyên khởi trong Phật giáo cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài và vạn vật, thiên nhiên chính là một bộ phận cơ thể của con người, con người không thể tồn tại được nếu không có môi trường.

Nếu môi trường bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người sẽ bị hủy diệt. Việc bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống của con người. Phật giáo tôn trọng sự sống của muôn loại chúng sinh, khuyến khích việc giữ gìn mối quan hệ thân thiện, sống hòa hợp bền vững giữa con người với vạn vật, với tự nhiên và vũ trụ là điều kiện để bảo vệ sự sống.

“Đứng trước vấn đề môi trường đang xuống cấp như hiện nay, tính nhập thế của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường trước hết là khuyến khích tín đồ phật tử ăn chay. Ăn chay ngoài việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân người ăn chay, còn là cách hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường sống; tổ chức các khóa tu với nhiều nội dung phong phú và đa dạng, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường được chú trọng”.

“Song song đó giáo dục nhận thức rõ con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống và đặc biệt là hướng dẫn mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, là tôn trọng sự sống của vạn loài; khuyến khích tín đồ sống gần gũi với môi trường, hòa mình với thiên nhiên, giảm thiểu các tác động trực tiếp đến môi trường.

Tránh việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bừa bãi để trục lợi làm giàu, điều này sẽ gây ra nhiều thảm họa thiên tai, gây ra khổ đau cho con người. Phật giáo đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng xây dựng một xã hội an lành, con người được hưởng sự thanh bình và hạnh phúc, xây dựng một cõi cực lạc thực sự tại thế gian”, Hòa thượng Thích Gia Quang  nhấn mạnh.

Hôm nay (14/5), Lễ bế mạc Đại lễ Vesak sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc lúc 9h sáng và được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình VTV1. Cùng với đó “Tuyên bố chung Vesak 2019 - Tuyên bố Hà Nam” sẽ được công bố, sau đó là lễ chuyển giao quyền đăng cai Đại lễ Vesak LHQ 2020.

Xung quanh nội dung chủ đề của Đại lễ Vesak cũng như hội thảo cùng các diễn đàn quốc tế, thay mặt cho Chính phủ Việt Nam tham dự Đại lễ Vesak, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề của Vesak 2019: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Thủ tướng cho đây chính là sự thể hiện trách nhiệm của Phật giáo trước các vấn đề của hiện thực xã hội, trước đời sống nhân sinh. Và mục tiêu cao đẹp này của Đại lễ Vesak rất hòa hợp với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

Bày tỏ nỗi trăn trở rằng cuộc sống hiện thực của người dân ở không ít nơi trên thế giới còn chịu khổ đau thì con người đặt sự quan tâm về vật chất quá lớn…, Thủ tướng mong muốn mỗi người là sứ giả của Đức Phật để góp phần đẩy lùi xung đột, khổ đau, kiến tạo cõi niết bàn trong thế giới hiện thực. /.

Theo baophapluat.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất