Tồn tại bất đồng do thiếu lòng tin
Trên đây là những ý kiến mà các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, một số cơ quan đến từ Nhật Bản, một số nước ASEAN và Việt Nam đưa ra tại Hội thảo quốc tế "Xây dựng lòng tin Châu Á", do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 4-12, tại Hà Nội.
Với chủ đề "Xây dựng lòng tin Châu Á", hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu thảo luận, đề xuất một tầm nhìn tương lai cùng với những giải pháp và bước đi thích hợp cho các quốc gia châu Á xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tin cậy nhau thông qua những cơ chế hợp tác bền vững trong bối cảnh mới đầy biến động của khu vực.
Các phát biểu tại hội thảo nhấn mạnh, hòa bình ổn định là tiền đề để các nước trong khu vực phát triển. Muốn có hòa bình ổn định, trước hết phải có lòng tin với nhau. Muốn có lòng tin, cần phải hành động theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra mỗi nước còn phải tích cực và chủ động ngăn chặn tư tưởng bá quyền; tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia khác…
|
Quang cảnh hội thảo.
|
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, thời gian gần đây cho dù có nhiều biện pháp hợp tác để xây dựng lòng tin, nhưng vẫn còn tồn tại bất đồng giữa các nước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ; chủ quyền trên biển… chưa được giải quyết, làm cho bối cảnh khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp. Để ổn định tình hình trong khu vực, đòi hỏi có những biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin giữa các nước, đặc biệt những nước đang có tồn tại sự khác biệt về nhận thức, thiếu sự tin tưởng nhau để hợp tác giải quyết các bất đồng còn tồn tại.
Phải biết đặt vị trí của nước mình vào nước khác
Tiến sĩ Wiliam Choong, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Singapore nhấn mạnh, trách nhiệm của các nước, nhất là những nước lớn trong xử lý các vấn đề chung và xây dựng các cấu trúc kinh tế, an ninh, chính trị phù hợp là rất nặng nề. Theo một số đại biểu, mỗi nước, trong đó có những nước lớn cần phải biết đặt vị trí của nước mình vào nước khác để hiểu rõ hơn mối quan hệ của nước đó trên bình diện lợi ích quốc gia với lợi ích chung của cộng đồng khu vực. Trong khi đó, các nước nhỏ và vừa cũng cần chủ động phát huy vai trò, ví dụ như các nước ASEAN, cần đoàn kết để có thể phát huy vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề có liên quan tới an ninh, chính trị, kinh tế và văn hóa của khối cũng như từng quốc gia.
Về vấn đề này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Fukada Hiroshi cho rằng, thúc đẩy xây dựng lòng tin có vai trò quan trọng trong xây dựng hòa bình. “Trong bối cảnh môi trường quốc tế bao quanh Việt Nam, ASEAN, Nhật Bản và các nước khác có những biến đổi nhanh chóng. Đây là lúc Việt Nam, Nhật Bản nói riêng, các nước trong khu vực nói chung cần nhìn nhận thẳng thắn và có các biện pháp cụ thể để giải quyết những căng thẳng theo luật pháp quốc tế, trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và hòa bình”, Fukada Hiroshi nói.
|
Các đại biểu dự hội thảo.
|
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân bên lề cuộc hội thảo, Giáo sư Shin Kawashima, Trường sau Đại học Nhân văn và Xã hội học, Đại học Tokyo cho rằng: Các nước trong khu vực cần xúc tiến những biện pháp để thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, như: Giao lưu cấp cao; đối thoại cấp cao; đối thoại kênh 1,5; kênh 2; giao lưu kinh tế, giao lưu các ngành nghề; triển khai các hoạt động ngoại giao nhân dân; tăng cường giao lưu cấp cơ sở như giao lưu thanh thiếu niên…
“Lấy ví dụ về quan hệ Nhật - Việt, hiện Việt Nam là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, tầm quan trọng của Việt Nam đang được nâng cao, quan hệ Nhật - Việt đang tốt nhất trong nhiều năm qua, song quan hệ giữa người dân hai nước, bao gồm cả giới học giả vẫn được triển khai chưa đầy đủ. Như vậy có thể thấy rằng trong thực tế lòng tin vẫn chưa thể nắm bắt một cách trọn vẹn. Vì lý do trên, hội thảo có ý nghĩa quan trọng và kịp thời để các học giả Nhật Bản và Việt Nam cũng như các nước trong khu vực trao đổi ý kiến, các bên hiểu nhau, tin tưởng nhau hơn nữa”, Giáo sư Shin Kawashima nói.
Vẫn còn chia rẽ vì lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược ở châu Á
PGS.TS. Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, khi mà môi trường an ninh khu vực vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro bởi xu hướng gia tăng hoạt động vũ trang và bán vũ trang, tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển đảo diễn ra gay gắt, thái độ cường quyền nước lớn bất chấp luật pháp quốc tế đang phương hại đến hòa bình của khu vực. “Sự chia rẽ vì lợi ích và thiếu vắng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia khiến châu Á vẫn chưa có được các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các thách thức đang nổi lên”, PGS.TS. Phạm Văn Đức nói.
PGS. TS Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, xét ở khía cạnh quan hệ song phương cũng như đa phương người ta dễ nhận ra các quốc gia không chỉ mở rộng hợp tác mà còn cạnh tranh với nhau khá quyết liệt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sự ràng buộc lợi ích khiến cho các mối quan hệ này ngày càng đa dạng, phức tạp. Tính chất phức tạp, đan chéo khó định hình khiến cho cấu trúc khu vực nói chung, an ninh nói riêng càng khó đoán định. Trong bối cảnh như vậy, nếu thiếu lòng tin chiến lược thì sẽ không thể giải quyết các tồn tại, bất đồng.
NGUYỄN HÒA/QĐND