Ngày thơ Việt Nam xứng đáng là một trong những Festival thơ của thế giới

Đó là phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Lễ khai mạc. “14 năm qua, hàng trăm nhà thơ quốc tế đã được mời tham dự Ngày thơ Việt Nam và họ rất cảm động về lòng mến khách và tình yêu thơ ca của nhân dân Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức văn học của các nước bạn đánh giá, Ngày thơ Việt Nam xứng đáng là một trong những Festival thơ của thế giới”, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định.

Đúng vào ngày này cách đây 15 năm và cũng tại nơi này, Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất do Hội Nhà văn tổ chức đã tạo nên một sự kiện văn hóa mới mẻ trong đời sống văn hóa của Thủ đô và cả nước. Từ đó đến nay, qua 15 năm, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức nhưng phong phú hơn về nội dung, hình thức, kết hợp giữa nghệ thuật nghe nhìn và nghệ thuật trình diễn thơ, với các hoạt động xuất bản, triển lãm thư pháp, thi câu đối...với sự tham gia của các câu lạc bộ thơ của Thủ đô, các Hội văn học nghệ thuật của các địa phương. Ngày thơ Việt Nam dần dần trở thành một lễ hội văn hóa mới, nơi gặp gỡ đầm ấm giữa nhà thơ và công chúng yêu thơ.

 

 Màn trống hội khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 năm 2017. 
Sau tiếng trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì ở nhiều địa phương trong cả nước, Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức với nhiều hoạt động, vừa tôn vinh các tinh hoa thi ca dân tộc và đưa các giá trị đó đến với công chúng yêu thơ thuộc các thế hệ.

 

Năm 2017, Ngày thơ Việt Nam bước sang năm thứ 15. Đây là hoạt động kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, với phương châm “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, các nhà thơ Việt Nam tự hào về những giá trị cống hiến cho đất nước, càng nhận rõ trách nhiệm gắn bó sâu sắc hơn nữa với nhân dân, phấn đấu có thêm những sáng tác mới có giá trị, đáp ứng sự chờ đợi và tình yêu thơ ca của công chúng.

 

 Tái hiện hình ảnh rùa vàng tại hồ Văn.
Không gian của trò chơi đố thơ dành cho các em thiếu nhi.
Khách tham quan triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam "Đồng hành, sáng tạo cùng đất nước". 
Thi ca và độc giả gắn bó hơn thông qua Ngày thơ Việt Nam

 

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”, đó là bài thơ Nguyên Tiêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948), miêu tả cảnh đêm trăng và buổi họp bàn việc quân trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã được nghệ sĩ Văn Chương và NSND Vương Hà biểu diễn mở màn trong Ngày hội thơ năm nay. Trong tiết trời lạnh buốt và không gian đậm tính thơ ca thì tiết mục biểu diễn này đã khiến cho cho cả thi sĩ và độc giả cảm thấy ấm lòng hơn, xua đi cái lạnh của đợt gió mùa đông bắc vừa tràn về.  

Nhìn nét mặt hồ hởi và những cái bắt tay thật chặt, rồi lại vui mừng đọc cho nhau nghe những vần thơ vừa mới sáng tác, chúng tôi hiểu rằng, Ngày thơ là một hoạt động rất ý nghĩa để hun đúc tình cảm và mang đến những cảm xúc để các nhà thơ có thêm nhiều sáng tác mới, hay hơn nữa. Có lẽ vì thế mà Ngày thơ Việt Nam năm nào cũng khiến cho khuôn viên của Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám dường như quá tải vì lượng người tham dự, điều này cho thấy sức hấp dẫn của thi ca với cả độc giả và thi sĩ.

 

Chị Bùi Tuyết Mai (trái) trả lời phỏng vấn. 

 

Chị Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường, Hòa Bình), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam chia sẻ: Tôi đã có 15 lần đồng hành cùng Ngày thơ Việt Nam, với tôi, ngày thơ năm nay đặc biệt hơn bởi tôi chính thức ra mắt cuốn sách “Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, cuộc đời và tác phẩm” mà tôi đã ấp ủ hơn 10 năm. Với người dân Việt Nam thì Ngày thơ là một sân chơi văn hóa mới, để các nhà văn, nhà thơ được giao lưu với nhau. Hoạt động này trở thành một sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân Việt Nam và thế giới đã bắt đầu chú ý đến loại hình sinh hoạt văn hóa này. Ngày thơ Việt Nam năm nay khác với những năm trước là bạn bè quốc tế tham dự nhiều, các tổ chức quốc tế và đại diện Đại sứ quán các nước đến dự đông đủ nên chúng ta có cơ hội để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Trong thời đại số hóa mà mọi người vẫn dự một sinh hoạt văn hóa mang tính ổn định thì đó là niềm tự hào, văn hóa Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Vừa đặt chân đến Việt Nam, vợ chồng ông Guns Arnaud (quốc tịch Pháp) đã đến thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám và tình cờ được tham dự vào Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15. Được xem các tiết mục trình diễn thơ, biểu diễn văn nghệ trong chương trình, vợ chồng ông Guns Arnaud cảm thấy rất vui và rào cản ngôn ngữ đã không còn là trở ngại.

 

Vợ chồng ông Guns Arnaud (quốc tịch Pháp).

 

Là người rất yêu văn hóa Việt Nam, ông Guns Arnaud cho biết: Trước đây, tôi không có điều kiện đến thăm Việt Nam nên chỉ hiểu đất nước hình chữ S qua các phương tiện thông tin đại chúng. Được đến Việt Nam lần này và dự một hoạt động văn hóa ý nghĩa trong dịp đầu năm mới là niềm hạnh phúc của vợ chồng tôi. Sau đây, chúng tôi sẽ đến thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Việt Nam để hiểu hơn về đất nước giàu lòng mến khách này.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 là một hoạt động tạo ra sự gắn bó hơn nữa giữa thi ca và độc giả, để các thi sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm mới, đáp ứng tình yêu thơ ca của công chúng trong và ngoài nước. 

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN