Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Đóng
góp của ngành than vào nền kinh tế đất nước là rất quan trọng, góp phần
bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó không ai phủ nhận được. Trước khó khăn
trước mắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng ủy, Hội đồng thành
viên và từng doanh nghiệp ngành than đoàn kết, nhất trí, bám chắc chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bảo đảm phát triển ngành than
theo đúng quy hoạch, đáp ứng lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước.
Sáng 6-4, tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Cùng đi với Tổng Bí thư có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác tình hình hoạt động và sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Theo đó, từ ngày thành lập Tổng công ty Than Việt Nam năm 1994 đến nay, sản lượng than khai thác tăng trưởng cao. Năm 1994, sản lượng khai thác là gần 6 triệu tấn thì năm 2012 đã đạt sản lượng 44,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, Vinacomin đã phát triển một số sản phẩm mới như: Sản xuất điện, vật liệu nổ công nghiệp, kim loại màu, chế tạo thiết bị mỏ… Tổng doanh thu tăng 44,7 lần. Nộp ngân sách Nhà nước tăng từ 102 tỷ lên 16.605 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng từ 751 tỷ đồng năm 1995 lên 31.040 tỷ đồng. Vinacomin đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đảm bảo cung cấp đủ than cho nền kinh tế đất nước, bảo đảm thu nhập và việc làm cho gần 14 vạn cán bộ, công nhân, người lao động. Những thành tựu của Tập đoàn cho thấy chủ trương thành lập tập đoàn kinh tế của Đảng, Nhà nước là đúng đắn.
Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước, hiện nay, Vinacomin có vốn đầu tư dài hạn vào 8 công ty liên kết trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, cảng biển, hạ tầng, tài chính… Hiện đang và đã thoái vốn khỏi 7 doanh nghiệp.
Đảng ủy Tập đoàn đã triển khai đầy đủ, toàn diện các nghị quyết của Đảng về công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm để có biện pháp sửa chữa.
Đồng chí Trần Xuân Hòa cũng đã báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng những thách thức của ngành than hiện nay. Điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn, nguy cơ về bục nước, cháy nổ, sập lò cao hơn. Tỷ trọng than lộ thiên giảm, chủ yếu sẽ khai thác hầm lo làm giá thành sản xuất tiếp tục tăng. Sức thu hút lao động của ngành mỏ ngày càng thấp hơn so với ngành khác. Việc tuyển dụng lao động trực tiếp, nhất là thợ lò, ngày càng khó khăn. Giá bán than xuất khẩu sau khi trừ thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng chỉ bù đắp chi phí, không có lãi. Giá than cho ngành điện chỉ bằng 73% giá thành, dẫn đến Tập đoàn khó khăn về cân đối tài chính. Việc triển khai một dự án mỏ rất khó, rất chậm trong khâu xin giấy phép, thường mất 7 năm mới có sản phẩm…
Được sự gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu cán bộ, công nhân Vinacomin đã phát biểu làm rõ tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề đặt ra với ngành than hiện nay. Đồng chí Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin cho rằng: Để vượt qua khó khăn, Vinacomin buộc phải cắt giảm tiền lương cho khối cơ quan gián tiếp, nên các chỉ tiêu kỹ thuật ngành than nhiều vấn đề không thực sự bảo đảm. Nhiều vấn đề an toàn, đầu tư cho phát triển mỏ chỉ tập trung cho lĩnh vực chính. Đầu năm 2013, tình hình tiêu thụ than khá hơn nhưng là bán than cho ngành điện, nên ngành than vẫn lỗ. Hướng trong quý 2, lãnh đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách, tiếp tục giảm chi phí đầu tư, bám giá thành để điều hành, nơi nào giá thành thấp thì khai thác tối đa để bảo đảm cân đối tài chính, thu nhập cho công nhân ngành than.
Các đại biểu công nhân trực tiếp khai thác than, anh Nguyễn Hữu Hà, Trần Văn Lý phát biểu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của công nhân than: Điều kiện làm việc mất nhiều tiền cải thiện nhưng vẫn còn rất nhiều hiểm nguy, độc hại. Ví dụ năm 2012 có 3 vụ tai nạn xảy ra. Thu nhập của thợ lò không cao, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại không có thâm niên thợ lò như trước nên người lao động có nhiều tâm tư, nhất là công nhân vẫn bị đánh thuế thu nhập với mức thu nhập trên 4 triệu đồng như hiện nay là rất bất cập. Vấn đề nhà ở và điều kiện sống cho người lao động vẫn đặt ra nhiều vấn đề bức xúc.
Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đã phát biểu đề cập đến mối quan hệ giữa Vinacomin với cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Tập đoàn có mối quan hệ với tỉnh, tăng trưởng GDP của Quảng Ninh phụ thuộc chủ yếu vào than, chiếm 67% năm 2011, 50% năm 2012. Số lượng công nhân của Tập đoàn khoảng 13 vạn, riêng ở Quảng Ninh đã 11 vạn, cùng với vợ con, người thân nữa thì chiếm 40% dân số Quảng Ninh. Thời gian qua, hai bên đã phát huy truyền thống máu thịt, thường xuyên làm việc cuối tháng, định kỳ hằng quý, có tổ công tác của tỉnh và tập đoàn phối hợp với nhau giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển.
Về vấn đề môi trường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng, thời gian Quảng Ninh tăng trưởng “nâu và đen”, tức là tăng trưởng dựa vào xi măng, đóng tàu và ngành than. Thực hiện Kết luận của Trung ương 3 về tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, Quảng Ninh quyết định chuyển đổi từ “nâu và đen” sang xanh, tức là tăng trưởng bền vững, dựa vào du lịch, dịch vụ. Quá trình đó cần có thời gian, cần có đầu tư lớn và rất cần sự phối hợp của ngành than vì nếu khai thác như hiện nay, năm 2015 với sản lượng hơn 50 triệu tấn/năm, vấn đề môi trường sẽ đặt ra rất lớn.
Sau khi nghe đại diện các ban, bộ, ngành phát biểu phân tích về ngành than, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận. Đồng chí biểu dương ngành than có nỗ lực vượt bậc trong sản xuất-kinh doanh, bảo đảm được đời sống của người lao động trong gia đoạn khó khăn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chia sẻ với khó khăn của ngành, khi năm 2012 có hàng chục triệu tấn không bán được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Đóng góp của ngành than vào nền kinh tế đất nước là rất quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Điều đó không ai phủ nhận được. Trước khó khăn trước mắt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng ủy, Hội đồng thành viên và từng doanh nghiệp ngành than đoàn kết, nhất trí, bám chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để bảo đảm phát triển ngành than theo đúng quy hoạch, đáp ứng lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: Trong thời gian sắp tới, nền kinh tế đất nước sẽ chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý theo chiều sâu, phát triển bền vững. Vì vậy, ngành than phải đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, chăm lo toàn diện cho người lao động. Việc phát triển khai thác hầm lò là tất yếu nhưng phải đặc biệt chú trọng công nghệ, tính toán kỹ vấn đề vệ sinh, môi trường, không để ảnh hưởng đến phát triển du lịch.
Về các kiến nghị của Tập đoàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và giao các ban, bộ, ngành có liên quan đi cùng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
* Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, tặng quà gia đình công nhân tiêu biểu Hoàng Phó Bưởng, thợ lò bậc 6/6 thuộc Xí nghiệp than Giáp Khẩu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đi kiểm tra công tác hoàn nguyên môi trường trên bình độ 256, trước là mỏ khai thác than lộ thiên của Công ty than Núi Béo. Chiều ngày 6-4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi khảo sát thực địa tại Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Nguồn: QĐND