Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí
thư; Đinh Thế Huynh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung
ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Nói chuyện với các học viên của Lớp học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đánh giá cao công tác chuẩn bị lớp học, tinh thần tích cực, trách nhiệm
của các giảng viên và học viên trong quá trình học tập, cũng như những
kết quả bước đầu đạt được qua lớp học này.
Tổng Bí thư đã trao đổi cởi mở, giải đáp cặn kẽ với những luận cứ khoa học, xác đáng về một số vấn đề các học viên quan tâm.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của công tác đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ, nhằm cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho các Ủy
viên Trung ương, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, bên cạnh lòng quyết tâm, tinh thần trách nhiệm,
nhiệt tình, còn phải có một phương pháp đúng, đó là phương pháp duy vật
biện chứng, xem xét nhìn nhận sự vật một cách toàn diện, khách quan,
lịch sử, cụ thể, phát triển, nằm trong mối quan hệ tổng thể, cái này là
tiền đề cho cái kia và chuyển hóa lẫn nhau... Nếu phương pháp đúng thì
nhìn nhận, đánh giá đúng và giải quyết vấn đề đúng; nếu phương pháp sai
thì dù động cơ mục đích tốt đẹp, nhưng giải quyết vấn đề không đạt kết
quả.
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần xem
xét giải quyết thấu đáo các mối quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát
triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa phát triển kinh
tế thị trường và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập tự
chủ và hội nhập quốc tế... Việc xem xét, nhìn nhận các mối quan hệ cần
bảo đảm toàn diện, nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, chọn khâu đột
phá.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh tình hình đang đặt ra những thuận lợi và
khó khăn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Tổng Bí thư chỉ
rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới,
đó là phải khắc phục cho được những yếu kém khuyết điểm, hạn chế, đồng
lòng nhất trí cao, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XI
đồng thời chuẩn bị thật tốt cho nhiệm kỳ Đại hội XII. Trước hết, phải
giữ cho được ổn định chính trị, ổn định kinh tế, thực hiện thật tốt các
nhiệm vụ kinh tế-xã hội theo các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính
trị, của Quốc hội, Chính phủ...
Kinh tế là trung tâm, là nền tảng, đồng thời phải bảo đảm công bằng xã
hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong giai đoạn tới,
cần đẩy mạnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu
nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung vào ba đột phá
chiến lược.
Bên cạnh đó, cần hết sức chăm lo công tác xây dựng Đảng, thực hiện tốt
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với việc học
tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ cho được
độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ
chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư mong muốn các học viên phát huy những kết quả bước đầu đạt
được sau lớp học, đồng thời tiếp tục tự học tập, tự nghiên cứu; tổ chức
các lớp học ở cấp tỉnh, cấp huyện đồng bộ, hàng năm.
Tổng Bí thư đề nghị các học viên bằng tri thức, kinh nghiệm sẵn có và
kiến thức được bổ sung tại lớp học này, tiếp tục đào sâu suy nghĩ, chủ
động vận dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa
phương, của ngành mình đồng thời nghiên cứu để chuẩn bị đóng góp vào dự
thảo văn kiện Đại hội XII sắp tới.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lớp học lắng nghe,
tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các học viên, tổng kết rút kinh
nghiệm, thực sự cầu thị để tổ chức các lớp học tiếp theo đạt kết quả tốt
hơn.
Phát biểu bế mạc lớp học, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh,
trong bối cảnh toàn cầu và hội nhập quốc tế hiện nay, với nhiều cơ hội
và thách thức đan xen nhau, để thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện,
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành tốt trọng trách của
mình đối với Đảng, với nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội
ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp, phải không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt,
nhằm đáp ứng có hiệu quả yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tham gia lớp học, các học viên nghiên cứu và thảo luận 8 chuyên đề, bao
quát những nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và
thực tiễn, sát hợp với đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao,
cấp chiến lược. Những nội dung này vừa mang tính cơ bản, lại vừa được
cập nhật, bổ sung những tri thức mới, là kết quả nghiên cứu dày công và
đúc kết kinh nghiệm quý báu cả trong nước và quốc tế của các nhà khoa
học, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà hoạt động thực tiễn của Việt
Nam.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh mong muốn các học viên sẽ vận dụng có
hiệu quả các kiến thức đã được trang bị vào lĩnh vực hoạt động của
mình, góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo thực tiễn ở tầm
chiến lược.
Bên cạnh đó, thông qua trải nghiệm thực tiễn, các học viên sẽ tiếp tục
đóng góp vào sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ
Chí Minh và đường lối của Đảng. Trước hết là sự đóng góp thiết thực,
hiệu quả vào thành công hai Hội nghị Trung ương trong năm 2014: Hội nghị
trung ương 9 (dự kiến đầu tháng 5/2014 với các nội dung cơ bản: Tiếp
tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc; thảo luận đề cương các văn kiện trình Đại hội XII. Hội nghị
Trung ương 10 (dự kiến đầu Quý IV/2014: Định hướng chuẩn bị Đại hội
Đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng; thông qua Dự thảo các văn kiện
trình Đại hội XII, gửi đại hội Đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến)./.
(TTXVN)