Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 6/4/2014 21:31'(GMT+7)

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của công dân

Năm 2013, qua theo dõi và thống kê cho thấy số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người đã giảm tới 30%, nhưng tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân vẫn rất bức xúc, có trường hợp gay gắt, kéo dài, tính chất phức tạp. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế, chính sách, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước bổ sung, sửa đổi nhiều lần, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Khiếu nại về đất đai chiếm tỷ trọng rất cao. Bên cạnh đó, dù các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đã hết sức tích cực trong giải quyết khiếu nại, nhưng một số nơi, một số trường hợp vẫn chưa được giải quyết triệt để, còn biểu hiện đùn đẩy, né tránh, kéo dài, giải quyết chưa rõ ràng, không khách quan, khiến người dân bức xúc. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức của người dân trong khiếu nại còn hạn chế, một số trường hợp bị kẻ xấu kích động đi khiếu nại, gây trở ngại cho chính quyền.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất xem xét, điều chỉnh cơ chế, chính sách. Đặc biệt, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc hướng dẫn thi hành Luật là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo của người dân. Đồng thời, các cấp, các ngành cần nâng cao trách nhiệm, giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường giáo dục pháp luật cho công dân, đồng thời xử lý thích đáng đối với những người cầm đầu xúi giục, nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo đông người.

* Hạn chế thấp nhất khiếu nại sai, tránh tồn đọng

Về kế hoạch giải quyết tình trạng khiếu nại tố cáo tồn đọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng đã lâu, có vụ việc kéo dài tới trên 30 năm. Để giải quyết tình trạng này, năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch 1130, qua hơn một năm triển khai, rà soát, các bộ, ngành, địa phương đã phân loại, giải quyết được trên 90% số vụ việc, qua đó sự tin tưởng, đồng tình của người dân tăng lên. Sau đó, Thanh tra Chính phủ xem xét thấy vẫn còn một số vụ việc tồn đọng, nên đã ban hành kế hoạch 2100 để tiếp tục giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trong nhiều năm. Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ngành chức năng đã cùng các địa phương tìm ra giải pháp chung nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài.

Cũng theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, khiếu nại, tố cáo của công dân cả nước vẫn có tỷ lệ sai khá lớn. Riêng năm 2013, thống kê cho thấy có tới 60% khiếu nại sai, 50% tố cáo sai, như sai về mặt nội dung, sai về thẩm quyền. Người dân thường có tâm lý khiếu nại càng cao, càng có nhiều hy vọng sẽ được giải quyết nhanh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc giải quyết khiếu nại phải theo thẩm quyền. Trước hết, việc khiếu nại phải giải quyết ở địa phương. Các xã, phường, thị trấn phải tổ chức hòa giải ở cơ sở. Nếu không được sự đồng thuận, Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh là cấp giải quyết khiếu nại lần đầu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết lần hai. Trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giải quyết lần một, bộ trưởng chuyên ngành sẽ giải quyết lần hai theo thẩm quyền.

Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu đúng pháp luật, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại sai. Người dân đi khiếu nại cần quan tâm, theo dõi, tìm hiểu pháp luật để có thể khiếu nại đúng, không mất thời gian đi lòng vòng tốn công sức và tiền của.

* Quyết định giải quyết khiếu nại phải được thực thi

Luật Tiếp công dân sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Luật ra đời nhằm giải quyết các vấn đề mà người dân đang quan tâm; giảm bớt nhiêu khê, phiền hà về thời gian, thủ tục hành chính. Luật quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trực tiếp tiếp công dân để vừa lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của công dân, giải quyết đến nơi đến chốn các yêu cầu bức xúc của công dân. Luật cũng quy định vai trò của người đứng đầu trong việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất; trách nhiệm và những điều cấm cán bộ tiếp công dân không được làm; nghĩa vụ, quyền lợi của người đi khiếu nại; mô hình tổ chức bộ máy; chính sách đào tạo cán bộ tiếp công dân. Có thể nói, Luật Tiếp công dân có những điểm mới khẳng định tính pháp lý cao, vừa mang tính thực tiễn để bảo đảm việc tiếp công dân đi vào nền nếp, có hiệu quả, giải quyết được những nhu cầu bức xúc của người dân - Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh.

Giải thích về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đây là một quy trình khép kín từ khâu nhận đơn, xác minh, làm rõ, thống nhất và ra quyết định cho đến thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật. Thời gian qua, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quan tâm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn chưa được thực hiện đúng mức, không giải quyết dứt điểm được vụ việc cho nên người dân bức xúc, có tâm lý thiếu tin tưởng vào quyết định của cơ quan quản lý nhà nước.

Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định trình Chính phủ quy định việc thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật mang chế tài cao hơn, thậm chí có những trường hợp không chấp hành phải bị cưỡng chế. Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan giải quyết khiếu nại phải quan tâm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật để giải quyết dứt điểm vụ việc, làm ổn định tình hình; người khiếu nại và người bị khiếu nại phải chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền đã ban hành./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất