Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 3/4/2013 20:56'(GMT+7)

Tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO

Ngày 3/4/2013, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (TW) phối hợp với Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu cần gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO tổ chức hội thảo Công bố báo cáo “Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới”.

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO”, Bộ kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) được giao nhiệm vụ soạn thảo Báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO để trình Chính phủ. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW là đơn vị thuộc Bộ KHĐT được giao làm đầu mối để thực hiện nhiệm vụ này. 

Vấn đề xuyên suốt trong các Chiến lược và Kế hoạch phát triển KTXH là hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) sâu rộng và hiệu quả để phát triển nhanh, bền vững nhằm mục tiêu chiến lược đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Từ năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới biến đổi nhanh với những diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, tuy quá trình HNKTQT đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn, thể chế kinh tế theo định hướng thị trường được củng cố và hoàn thiện nhanh hơn, thế và lực của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết HNKTQT cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Các ngành công nghiệp trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều chỉnh do sức ép cạnh tranh. Mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương và có thể dẫn đến các rủi ro và bất ổn kinh tế vĩ mô. Môi trường thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động kinh tế với cường độ cao.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015, với mục tiêu thực hiện những đột phá về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết HNKTQT trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khu vực và song phương. Một số các cam kết HNKTQT mới quan trọng như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi, với phạm vi rộng hơn và mức độ cam kết mở cửa cao hơn.

Do vậy, việc đánh giá tổng thể tình hình KTXH Việt Nam từ khi gia nhập WTO đến nay để đưa ra các đề xuất điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả HNKTQT trong giai đoạn 2011-2015 trở thành một yêu cầu bức thiết.

Báo cáo đánh giá, tổng kết những chuyển biến về KTXH Việt Nam từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến 2011 trên các khía cạnh kinh tế (tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển vùng), ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán, thị trường tài chính, ngân sách nhà nước), xã hội (việc làm, an sinh xã hội, đói nghèo), giáo dục, y tế, môi trường và thể chế.

Bắt đầu từ việc tổng quan các cam kết HNKTQT của Việt Nam, đối chiếu đánh giá việc thực hiện các cam kết này trong thực tế, Báo cáo xác định ra các nhóm ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất, cả tích cực và tiêu cực. Tiếp đó, Báo cáo đánh giá các chuyển biến của nền kinh tế 5 năm sau khi gia nhập WTO so với giai đoạn trước, gắn đánh giá với việc thực hiện mục tiêu của chiến lược, kế hoạch phát triển KTXH, chương trình hành động. Kết hợp với việc phân tích ảnh hưởng của một số nguyên nhân chính dẫn đến tình hình này, trong đó có HNKTQT và các biến động trên thế giới (như khủng hoảng kinh tế, lương thực, năng lượng), Báo cáo nêu bật bức tranh thay đổi do HNKTQT, làm rõ những thành tựu đã đạt được, các vấn đề tồn đọng và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, Báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách để phát huy tối đa các cơ hội, giảm thiểu các tác động không mong muốn trong khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn; hoàn thành tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 2011-2015.

Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cho các nhóm chính sách kinh tế trên các mặt: Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Nhóm chính sách ngành, Nhóm chính sách liên quan đến đầu tư, Nhóm chính sách liên quan đến thương mại.

Đối với nhóm chính sách ổn định kinh tế vĩ mô: điều phối và phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm hướng tới mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô.

Đối với nhóm chính sách xã hội: đưa ra khuyến nghị liên quan đến nhóm chính sách liên quan đến lao động, Nhóm chính sách an sinh xã hội 

Đối với Nhóm chính sách liên quan đến thể chế: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với lộ trình HNKTQT, Tạo đột phá trong việc tăng cường năng lực thể chế về HNKTQT.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất