Thứ Bảy, 30/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 17/9/2014 14:47'(GMT+7)

Tổng thống Hàn Quốc: Cánh cửa đàm phán với Triều Tiên vẫn để ngỏ

Cụ bà Hàn Quốc 96 tuổi (trái) gặp lại người thân ở Triều Tiên tại Kumgang ngày 20/2. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Cụ bà Hàn Quốc 96 tuổi (trái) gặp lại người thân ở Triều Tiên tại Kumgang ngày 20/2. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Tuy nhiên, bà Park nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải chứng tỏ sự chân thành trong việc tìm kiếm một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Phát biểu trên được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters tại Nhà Xanh. Bà Park tuyên bố: "Nếu cơ hội đến và họ chấp nhận đề xuất của chúng tôi về tiếp xúc cấp cao và đối thoại, thì cơ hội đó sẽ đem tới điều tốt lành."

Trước đó, Bình Nhưỡng đã từ chối hai đề nghị đối thoại của Hàn Quốc. Bà Park nói rõ hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào về việc gặp các quan chức Triều Tiên tại New York.

Triều Tiên sẽ cử Ngoại trưởng Ri Su Yong dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc trong 15 năm qua.

Phía Hàn Quốc cũng cử ngoại trưởng tới dự, đồng thời bà Park sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tổng thống Hàn Quốc đã tiết lộ một sáng kiến tham vọng nhằm đưa hai miền xích lại gần nhau hơn và hướng tới tái thống nhất. Theo đó, trước hết là giải quyết các vấn đề nhân đạo, trong đó có đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau chiến tranh, sau đó giúp Triều Tiên xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cần thiết cho tái thống nhất, và tiếp theo là thu hẹp khoảng cách giữa hai miền sau hơn 66 năm chia cắt.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn trên, Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản có "một quyết định dũng cảm" nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, sau 2 năm căng thẳng chủ yếu liên quan đến vấn đề phụ nữ ở bán đảo Triều Tiên bị ép buộc làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bà Park nêu rõ Hàn Quốc muốn "lãnh đạo chính trị Nhật Bản đưa ra một quyết định dũng cảm thực hiện các biện pháp để phục hồi phẩm giá cho các nạn nhân." Bà nhấn mạnh đây là con đường ngắn nhất để giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Về vấn đề trên, Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản chưa chuộc lỗi đủ bù đắp nỗi đau mà các nạn nhân phải gánh chịu.

Trong một tuyên bố năm 1993, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản khi đó là ông Yohei Kono đã thừa nhận rằng quân đội Nhật Bản liên quan đến các địa điểm "mua vui" cho binh sỹ trong chiến tranh và nhiều phụ nữ đã bị ép buộc phục vụ các binh sỹ.

Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng không có tư liệu nào là bằng chứng trực tiếp cho thấy quân đội hay các quan chức chính phủ Nhật Bản liên quan trực tiếp đến việc bắt cóc các phụ nữ nói trên./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất