Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 14/3/2013 22:43'(GMT+7)

Tổng thống Mỹ lên kế hoạch thăm Trung Đông: “Một mũi tên nhằm ba đích”

Theo AP, chuyến công du Trung Đông của ông B.Ô-ba-ma nhằm vào ba trọng tâm. Đó là, thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông giữa I-xra-en và Pa-le-xtin; tìm kiếm giải pháp chung xung quanh vấn đề chương trình hạt nhân của I-ran; hàn gắn quan hệ ngoại giao với Thủ tướng đương nhiệm Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu).

Giới phân tích nhận định, mục đích chính của ông B.Ô-ba-ma trong chuyến đi này là thúc giục nối lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, vốn đã bị đình trệ từ năm 2010 chủ yếu do vấn đề mở rộng khu định cư của I-xra-en trên vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây. Tổng thống Pa-le-xtin, Ma-mút Áp-bát (Mahmud Abbas), muốn nối lại các cuộc đàm phán với điều kiện I-xra-en ngừng xây dựng khu định cư Do Thái tại các vùng đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin, nhằm bảo đảm nhà nước Pa-le-xtin được tồn tại bên trong đường ranh giới từ trước cuộc chiến tranh năm 1967. Tuy nhiên, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu kêu gọi nối lại đối thoại trực tiếp vô điều kiện.


Chuyến thăm của ông B.Ô-ba-ma le lói một chút ánh sáng khi thời gian qua chính quyền Oa-sinh-tơn đã gây sức ép với I-xra-en, nhất là trong việc yêu cầu Ten A-víp ngừng xây dựng các khu định cư và yêu cầu I-xra-en tạo bầu không khí thuận lợi nhất để nối lại các cuộc thương lượng hòa bình hiện đang bị hoãn vô thời hạn giữa hai bên. Mặc dù mọi đòi hỏi trên của Mỹ chưa mang lại những hiệu quả cụ thể nhưng động thái của Oa-sinh-tơn vẫn đem lại một chút hy vọng về cơ may cuối cùng cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông.


Mục đích thứ hai trong chuyến công du này là việc ông Ô-ba-ma muốn đạt được quan điểm chung với Ten A-víp về vấn đề chương trình hạt nhân của I-ran. Cả Mỹ và I-xra-en đều coi việc một nước I-ran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất ở khu vực Trung Đông, nhưng chiến lược của họ trong cách giải quyết vấn đề này lại rất khác nhau. Trong khi chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma hướng tới một giải pháp ngoại giao trong cuộc khủng hoảng hạt nhân I-ran thì chính phủ cứng rắn của Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu lại liên tục nhấn mạnh rằng, I-xra-en sẽ không ngồi yên để I-ran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và đe dọa đến nhà nước I-xra-en. 


Ông B.Nê-ta-ni-a-hu thường xuyên cáo buộc I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân, coi đây là nguy cơ tiềm tàng đối với I-xra-en nói riêng và cả khu vực nói chung. Thậm chí, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu còn nhiều lần tuyên bố, Ten A-víp sẽ tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Để củng cố luận điểm của mình, nhà lãnh đạo I-xra-en cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với I-ran hiện nay chưa đủ nặng để buộc Tê-hê-ran ngừng chương trình làm giàu u-ra-ni. Do đó, đây được xem là thách thức không nhỏ đối với ông B.Ô-ba-ma để thuyết phục ông B.Nê-ta-ni-a-hu có quan điểm mềm mỏng hơn với I-ran.


Giới phân tích nhận định, nếu đạt được hai mục đích trên, đương nhiên ông Ô-ba-ma sẽ hoàn thành mục tiêu thứ ba của mình. Đó là cải thiện quan hệ với I-xra-en, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Quan hệ giữa hai bên đã xấu đi nhiều do những bất đồng giữa ông B.Ô-ba-ma và ông B.Nê-ta-ni-a-hu liên quan đến “tham vọng hạt nhân” của I-ran và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tuy nhiên, một yếu tố có thể làm thay đổi kế hoạch của Tổng thống B.Ô-ba-ma trong chuyến công du Trung Đông nếu như vào ngày 16/3 tới, ông B. Nê-ta-ni-a-hu không hoàn thành nhiệm vụ thành lập chính phủ. Trước đó, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu đã được Tổng thống I-xra-en, Si-mon Pê-rết (Shimon Peres), gia hạn thêm hai tuần để thành lập Chính phủ liên minh mới, sau khi ông không thể hoàn thành mục tiêu này trong thời hạn 28 ngày ban đầu. Theo Luật Bầu cử Cơ bản I-xra-en, nếu ông B.Nê-ta-ni-a-hu tiếp tục không thể hoàn thành nhiệm vụ khi thời hạn chót mới (16/3) trôi qua, Tổng thống S.Pê-rết có thể chỉ định một nghị sĩ khác đứng ra thành lập liên minh cầm quyền, hoặc tiến hành các cuộc bầu cử mới ở I-xra-en.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chuyến thăm Trung Đông sắp tới cũng giúp ông B.Ô-ba-ma đến gần hơn với người Do Thái và đánh dấu một bước tiến đáng kể trong quan hệ giữa Mỹ với cộng đồng người Do Thái./.

(Trịnh Anh Thái/QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất