Bài phát biểu của ông Obama tại phiên họp thứ 69 của Đại hội đồng Liên
Hợp Quốc xoay quanh việc tập hợp các lực lượng quốc tế để tiêu diệt IS.
Ngày 24/9 (theo giờ Mỹ) Tổng thống
Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn Đại hội đồng
Liên Hợp Quốc, đề cập nhiều vấn đề trong đó quan trọng nhất là vấn đề
chống khủng bố nói chung và chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự
xưng (IS).
Trong diễn văn của mình, ông Obama khẳng định chủ nghĩa cực đoan bạo lực
đã trở thành căn bệnh ung thư tàn phá nhiều nơi trong thế giới Hồi
giáo. Ông thừa nhận vấn nạn khủng bố không phải là mới, nhưng trong thế
kỷ 21, những tên khủng bố lợi dụng danh nghĩa tôn giáo và biết sử dụng
công nghệ hiện đại đã tạo ra những nguy hại chưa từng có tiền lệ cho
nhân loại.
Khẳng định nước Mỹ không chống lại Hồi giáo
Ông chủ Nhà Trắng cho biết nước Mỹ không mải mê phản ứng lại các lực
lượng Hồi giáo khủng bố mà đang phát động một chiến dịch tập trung nhằm
loại bỏ các thủ lĩnh của chúng cũng như xóa bỏ những nơi chúng trú ẩn.
Đồng thời, ông cẩn thận nhấn mạnh rằng nước Mỹ không và sẽ không bao giờ
phát động chiến tranh chống lại đạo Hồi, vì “đạo Hồi dạy con người ta
về hòa bình”.
Ông Obama bác bỏ chuyện có va chạm giữa các nền văn minh ở đây. Ông
nói: “Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc chúng ta đoàn kết chống
lại những kẻ chia rẽ chúng ta bằng các đường lối sai lầm về bộ lạc,
giáo phái, sắc tộc hay tôn giáo”.
Theo người đứng đầu chính phủ Mỹ, tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi
có nhiều yếu tố thuận lợi cho khủng bố phát triển như ở đây có tới 1/4
số thanh niên bị thất nghiệp, nguồn nước và lương thực khan hiếm, tham
nhũng lan tràn, quan hệ giáo phái phức tạp.
Kêu gọi từ bỏ tư tưởng cực đoan và sự chia rẽ
Tổng thống Obama kêu gọi quốc tế có bước đi tập thể cụ thể để giải
quyết thách thức do những kẻ cuồng tín tôn giáo gây ra, tập trung vào 4
phương diện sau:
Thứ nhất, làm suy yếu rồi tiến tới tiêu diệt tổ chức khủng
bố IS. Ông Obama nói: “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang hợp tác với một liên
minh rộng lớn để xóa bỏ mạng lưới tử thần này… Chúng tôi ủng hộ người
Iraq và Syria chiến đấu để giành lại các lãnh thổ của mình. Chúng tôi sẽ
sử dụng sức mạnh quân sự trong các chiến dịch không kích để đẩy lui IS.
Chúng tôi sẽ đào tạo và trang bị cho các lực lượng trên bộ chiến đấu
chống lại các tên khủng bố này. Chúng tôi sẽ nỗ lực để cắt đứt các nguồn
tài chính của chúng và ngăn chặn dòng chiến binh tới và ra khỏi khu vực
này”.
Ông Obama cũng gửi thông điệp tới bản thân các chiến binh IS: “Những
ai đã gia nhập IS nên rời bỏ chiến trường bất cứ lúc nào có thể”.
Thứ hai, ông Obama nhấn mạnh đã đến lúc cộng đồng Hồi giáo
loại bỏ một cách mạnh mẽ, rõ ràng và nhất quán hệ tư tưởng của các tổ
chức al-Qaeda và IS. Theo ông, niềm tin tôn giáo phải tương thích với
một thế giới hiện đại đa văn hóa. “Ở bất cứ nơi đâu cũng không nên giáo
dục trẻ em lòng hận thù”.
Ông Obama cho rằng cần phải đấu tranh với khủng bố trong không gian
internet và mạng xã hội, khi mà những kẻ khủng bố đã biết tận dụng những
công cụ này để biến thanh niên thành những kẻ đánh bom liều chết và lừa
họ ra nước ngoài tham gia thánh chiến.
Thứ ba, theo ông Obama, một điều quan trọng là phải xử lý
thấu đáo vấn nạn xung đột giáo phái mà những kẻ khủng bố đã và đang tích
cực lợi dụng. “Đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị, dân sự và tôn
giáo phải loại bỏ mối bất hòa giáo phái”, ông nói. Đối với nội chiến
Syria, Tổng thống Obama cho rằng giải pháp mấu chốt là một quá trình
chuyển giao chính trị tính đến nguyện vọng của tất cả công dân Syria,
bất kể sắc tộc hay tôn giáo.
Thứ tư, các nước trong thế giới Arab và Hồi giáo phải tập
trung vào chính tiềm năng to lớn của người dân nước họ, đặc biệt là
trong giới trẻ.
Trong diễn văn của mình, Tổng thống Mỹ đã hướng trực tiếp tới thanh
niên Hồi giáo, và nhắc nhở họ rằng đạo Hồi có truyền thống vĩ đại về
giáo dục và đổi mới sáng tạo. “Những ai đi trệch khỏi con đường đó là
đang phản bội truyền thống [của đạo Hồi] chứ không phải đang bảo vệ nó”.
Tổng thống Obama xác định nhiệm vụ xóa bỏ bệnh giáo phái và chủ nghĩa
cực đoan là nhiệm vụ của cả một thế hệ, của bản thân các dân tộc Trung
Đông, chứ không phải của các thế lực bên ngoài./.
Theo VOVnews