(TCTG)- Mátxcơva và Washington đã không đạt được một thoả thuận trước khi Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn một (START-1) hết hạn.
Sau 6 tháng thương lượng miệt mài, hiệp ước START-1, ký năm 1991 giữa Bush cha và Mikhaïl Gorbatchev đã hết hạn trong khi Nga và Mỹ đã không đạt được một hiệp ước kế thừa. Được Washington và Mátxcơva thông báo từ nhiều tháng qua, bản hiệp ước thay thế cần phải cụ thể hoá ngữ điệu mới cho quan hệ Nga-Mỹ từ khi ông Barack Obama vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, hôm thứ 6 (04/12) hai phía đã thông báo cần phải chờ đợi đến cuối tháng 12 để đưa ra một thoả thuận. Buổi lễ ký kết dự kiến diễn ra tại Reykjavik đã bị huỷ bỏ. Quốc hội Mỹ và Duma Nga sẽ phải chờ thêm nhiều tháng nữa mới có thể thông qua.
Từ đầu mùa hè vừa qua, mọi việc dường như diễn ra tốt đẹp. Tháng 7, hai tổng thống Barack Obama và Dmitri Medvedev đã thông báo tại Mátxcơva mục đích cắt giảm: giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.500-1.675 đơn vị và giảm số lượng phương tiện phóng đầu đạn này (tên lửa liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược) xuống còn 500-1.100 đơn vị. Theo ngôn ngữ thông dụng, hai bên sẽ giảm khoảng 1/3 hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tháng 9, việc Mỹ quyết định huỷ bỏ đề xuất trên, để thay bằng một kế hoạch khiêm tốn hơn - kế hoạch lá chắn chống tên lửa tại Đông Âu (Ba Lan và Cộng hoà Séc) bị Mátxcơva coi là một mối đe doạ cho an ninh của mình, đã tạo ra một bước mới cho các cuộc thương lượng.
“Một dấu hiệu xấu”
Tuy nhiên, các cuộc thương lượng đã cho thấy khó khăn hơn dự kiến. Mátxcơva đã đưa các kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu của Mỹ ra xem xét, yêu cầu phía Mỹ cho biết rõ hơn các dự định mới của họ. Nga cũng muốn giảm khả năng của các tên lửa tầm xa, trong lĩnh vực này Mỹ đã có bước tiến lớn hơn Mátxcơva. Việc không đạt được một thoả thuận trước ngày 5/12 còn có những lý do “ngoại giao”. Một chuyên gia nhận xét: “Người Nga cố gắng buộc Mỹ phải nhượng bộ bằng cách lợi dụng việc Tổng thống Mỹ Obama tin tưởng vào kế hoạch giải giáp vũ khí hạt nhân của ông. Người Nga ít vội vã hơn người Mỹ”. Chính quyền Mỹ dự tính đạt được một thoả thuận nhanh chóng để thúc đẩy chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân và hy vọng Iran huỷ bỏ chế tạo bom nguyên tử. Tại Washington, người ta luôn hỵ vọng đạt được một thoả thuận trước khi Tổng thống Obama nhận giải Nobel hoà bình vào ngày 10/12 này.
Theo ông Camille Grand, Giám đốc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp (FRS): Trong ngắn hạn, việc chưa đạt được thoả thuận trên sẽ không gây hậu quả về mặt an ninh. Cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc và cùng với nó là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mátxcơva và Washington. Tuy nhiên, sự chậm trễ này là “một dấu hiệu xấu, bởi có nguy cơ làm cho thông điệp của ông Barack Obama về giải giáp vũ khí hạt nhân trở nên nguội lạnh”.
Tháng 4 vừa qua tại Praha, tổng thống Mỹ đã cho biết ông dự định thực hiện phi hạt nhân hoá thế giới. Vì vậy, trong bối cảnh vấn đề hạt nhân trên thế giới đang trở nên phức tạp trong giai đoạn 2009-2010, việc thay thế hiệp ước START được đánh giá là dễ dàng. Tuy nhiên, những khó khăn rất lớn đang chờ ông Obama vào đầu năm tới. Đặc biệt việc công bố Chiến lược Vũ khí Nguyên tử sẽ cần phải xác định chính sách hạt nhân của Mỹ cho 5-10 năm tới. Việc đề ra chiến lược sẽ gặp khó khăn khi quan điểm của Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, có thiên hướng bảo thủ hơn, đôi khi mâu thuẫn nhau. Một sự kiện quan trọng khác nữa là cuộc họp đánh giá bản Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bị lu mờ khi việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới đang gia tăng (các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, chương trình hạt nhân Iran). Một chuyên gia nhận xét: “Nếu không có thoả thuận về NPT, kế hoạch một thế giới không có vũ khí hạt nhân của ông Obama có nguy cơ trở nên trống rỗng”.