Trong hai ngày 27 và 28 tháng 2 vừa qua,
Tổng thống Pháp François Hollande đã có chuyến thăm Nga và có các cuộc
hội đàm với các nhà lãnh đạo của Nga như Tổng thống Vladimir Putin, Bộ
trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu. Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký kết
được một số hiệp định hợp tác mới về chế tạo máy bay, nghiên cứu vũ
trụ, giao thông - vận tải, giáo dục và văn hóa…
|
Tổng thống Pháp François Hollande (Ảnh: Telegraph.co.uk/)
|
Có thể nói chuyến thăm Nga vừa qua của
Tổng thống Pháp nằm trong một loạt các hoạt động ngoại giao lớn của
Chính phủ Pháp trong quý I năm 2013. Tiếp theo chuyến thăm Ấn Độ ngày
18/2, chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Hollande trên cương vị Tổng thống
Pháp mang ý nghĩa quan trọng cả về chính trị và kinh tế.
Về mặt chính trị, Pháp chủ trương thúc
đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Nga trong bối cảnh Nga sẽ đảm nhiệm
chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) trong
năm 2013 và sẽ giữ chức Chủ tịch Nhóm các nước có nền công nghiệp phát
triển nhất (G-8) vào năm 2014. Do vậy, chương trình nghị sự trong cuộc
hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Pháp tập trung vào các vấn đề chính
trị quan trọng như quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU), Nga – Tổ chức
Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tình hình Trung Đông - Bắc Phi, chiến
dịch chống khủng bố tại Mali, vấn đề hạt nhân của Iran và CHDCND Triều
Tiên...
Đặc biệt, trong vấn đề Syria, Pháp tích
cực vận động Nga nhằm tìm một giải pháp dung hòa lợi ích của các bên
trong vấn đề này, nhất là vào thời điểm trùng với hội nghị “Những người
bạn của Syria” được tổ chức tại Roma, Italia, có sự tham dự của Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry đang ở thăm châu Âu.
Trên khía cạnh kinh tế, chuyến thăm Nga
của Tổng thống Pháp François Hollande thể hiện mạnh mẽ và rõ ràng hơn
chính sách ngoại giao kinh tế của Pháp. Cùng với chuyến thăm Ấn Độ mới
đây, chuyến thăm Nga lần này của Tổng thống Pháp cho thấy mục tiêu đa
dạng hóa đối tác quan hệ, tập trung vào khía cạnh lợi ích và hiệu quả
kinh tế của quan hệ.
Trên thực tế, trong bối cảnh Pháp đang
phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế
giới năm 2008-2009 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, thị phần của
Pháp trên thế giới giảm từ 6% xuống còn 3,5% kể từ năm 2008, Nga được
đánh giá là một đích nhắm hiệu quả cho Pháp. Kim ngạch thương mại hai
chiều giữa hai nước đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua, đạt xấp xỉ 21 tỷ
Euro năm 2012 (trong đó Pháp xuất khẩu 9 tỷ Euro và nhập khẩu từ Nga 12
tỷ Euro).
Do vậy, chuyến thăm Nga của Tổng thống
Pháp được cho là nhắm đến hai mục tiêu tìm kiếm mở rộng thị trường và
tạo việc làm cho người dân Pháp. Không phải ngẫu nghiên tháp tùng Tổng
thống François Hollande trong chuyến thăm Nga lần này, ngoài các Bộ
trưởng chủ chốt, là một đội ngũ hùng hậu lãnh đạo của hàng chục tập
đoàn, công ty hàng đầu của Pháp như Airbus, Total, Astrium, Technip,
SNCF, Thales, Sanofi, LVMH… Các công ty Pháp đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ
hội hợp tác, kinh doanh trong những lĩnh vực Nga có thế mạnh và tiềm
năng như giao thông, cơ sở hạ tầng, viễn thông, dầu khí...
Tổng thống Pháp F.Hollande cam kết sẽ
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nga đầu tư sản xuất kinh
doanh tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuel Valls cũng hứa hẹn sẽ đơn
giản hóa các thủ tục visa đối với doanh nhân Nga vào Pháp – vấn đề mà
Nga vẫn liên tục đề nghị Pháp thời gian qua.
Có thể nói, chuyến thăm Nga lần này của
Tổng thống Pháp đã đạt được những thành công nhất định, như chính Tổng
thống Hollande đánh giá: “Quan hệ giữa hai nước là mối quan hệ lịch sử,
đã có từ lâu đời. Đó là mối quan hệ quan trọng đối với những vấn đề
chung mà hai nước cùng hướng tới trong vận mệnh chung của thế giới. Đó
cũng là một mối quan hệ đầy hứa hẹn trên tất cả các khía cạnh chính trị,
kinh tế, văn hóa. Và vai trò của chúng ta là đưa mối quan hệ này bước
sang một trang mới. Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong bầu không khí
thẳng thắn, hữu nghị, nhưng cũng rất cụ thể. Chúng tôi mong muốn sẽ minh
chứng cụ thể cho quan hệ giữa Pháp và Nga trong những năm tới”.
Đối với Nga, thông qua chuyến thăm của
Tổng thống Pháp, Nga tái khẳng định Pháp là một đối tác trọng yếu của
Nga ở châu Âu và đánh giá cao đối thoại song phương. Đồng thời, hợp tác
với Pháp cũng mang lại nhiều hứa hẹn cho Nga về kinh tế, khi kinh tế Nga
cũng đang gặp những khó khăn nhất định (tăng trưởng kinh tế Nga năm
2012 đã giảm xuống còn 3,4% so với mức 7% năm 2000).
Đối với Pháp và châu Âu, hiện các doanh
nghiệp Nga mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, khí đốt và bán vũ
khí. Đầu tư của Nga vào Pháp mới chỉ ở mức 1 tỷ Euro, bằng 1/12 so với
đầu tư của Pháp vào Nga… Do đó, điểm chung giữa Nga và Pháp trong chuyến
thăm Nga lần này là lợi ích kinh tế và cả hai nguyên thủ đã dành buổi
sáng ngày 28/2 để gặp gỡ với doanh nghiệp hai nước, trước khi thăm một
trung tâm nghiên cứu của Airbus và bảo tàng Pouchkine.
Bên cạnh đó, việc Nga tạo điều kiện cho
Tổng thống Pháp tiếp đại diện của phe đối lập - thành phần xã hội dân sự
Nga trong một phiên họp kín tại Đại sứ quán Pháp ở Moscow, cho thấy,
phía Nga muốn thông qua Pháp giảm bớt sự phản đối của châu Âu trong vấn
đề về dân chủ, nhân quyền sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào năm
ngoái./.
Theo VOVnews