Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 3/3/2018 15:4'(GMT+7)

Tổng thống Putin với cương lĩnh hành động vì nước Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi đọc Thông điệp Liên bang, ngày 1/3. (Nguồn: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi đọc Thông điệp Liên bang, ngày 1/3. (Nguồn: AFP)

Cả 8 ứng cử viên chạy đua vào Điện Kremlin lần này đã lần lượt công bố cương lĩnh tranh cử của mình thông qua các cuộc tranh luận trên truyền hình và đài phát thanh, riêng đương kim Tổng thống Vladimir Putin, những nội dung được ông đề cập trong Thông điệp liên bang hàng năm đọc ngày 1/3, được coi chính là “cương lĩnh hành động” trong 6 năm tới nếu ông tiếp tục đắc cử.

Nước Nga trước bầu cử và 12 nhiệm vụ thên chốt của Tổng thống Putin

Cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh nước Nga đã và đang tiếp tục củng cố hình ảnh một cường quốc có ảnh hưởng và vai trò lớn, đồng thời khẳng định được vị thế và uy tín của mình trên trường quốc tế. Bất chấp những khó khăn chồng chất, đặc biệt do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt suốt 4 năm nay, nước Nga đã vững vàng vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế, từng bước phát triển ổn định.

Tuy nhiên, Xứ sở Bạch Dương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, cả về kinh tế, xã hội lẫn an ninh, trong bối cảnh tình hình địa chính trị trong khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, trước hết với Mỹ, trong nhiều vấn đề vẫn chưa thể tháo gỡ.

Vòng vây trừng phạt của Mỹ và phương Tây ngày càng được siết chặt đã gây thiệt hại cho Nga hơn 50 tỷ USD, tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức tăng GDP của Nga trong năm qua dù đạt 1,6%, song chưa đủ để ổn định nền kinh tế vốn phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu dầu mỏ.

Trong khi đó, Moskva cũng lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân đội và vũ khí sát biên giới Nga. Do đó, cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên rất được dư luận chờ đợi bởi nó sẽ định hình con đường mà nước Nga sẽ đi trong thập niên tới.

Có thể coi 12 nhiệm vụ then chốt mà Tổng thống Putin đặt ra trong Thông điệp liên bang ngày 1/3 là 12 “cương lĩnh hành động” của ông để đưa nước Nga vững bước trên con đường phát triển.

Nổi bật trong đó là cam kết bảo vệ lợi ích của nước Nga và cuộc sống của người dân Nga, như tuyên bố của ông Putin “sự thịnh vượng của nhân dân, sự sung túc trong các gia đình người Nga là nhân tố chính, then chốt của sự phát triển.”

Với quan điểm xuyên suốt này, ông cho rằng tương lai của nước Nga sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách đang đặt ra trước mắt, từ kinh tế, dân sinh, giáo dục, y tế tới an ninh, quốc phòng.

Những giải pháp cụ thể nhằm củng cố vị thế nền kinh tế để Nga lọt vào top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện nhà ở, nâng cao chất lượng y tế, cắt giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói trong vòng 6 năm tới, đồng thời tăng 1,6 lần thu nhập bình quân của người dân trước năm 2025 … đều hướng tới mục tiêu vì con người, trên cơ sở bảo đảm sự phồn vinh của mọi tầng lớp nhân dân.


 

Với khẩu hiệu tranh cử về một “nước Nga mạnh mẽ,” có khả năng “tự quyết định tương lai của mình,” ứng cử viên Putin cũng khẳng định Nga cần sẵn sàng ứng phó với những thách thức an ninh thông qua việc xây dựng một quân đội hiện đại, tinh nhuệ và công nghệ cao, tăng cường khả năng phòng thủ bằng các loại vũ khí tân tiến.

Điều này không chỉ tạo nên sức mạnh của nước Nga trong bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước, mà còn góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa và không thực hiện các thỏa thuận về ổn định chiến lược đã ký với Nga.

Đặc biệt, ông Putin nhấn mạnh tới hậu quả của tình trạng lạc hậu công nghệ, dẫn đến làm suy yếu, xói mòn tiềm năng con người, và điều này đồng nghĩa với việc làm giảm an ninh và các cơ hội kinh tế của đất nước, và hậu quả là đánh mất chủ quyền. Trên cơ sở đó, nhà lãnh đạo Nga đề cao sức mạnh sáng tạo và sự phát triển năng động của một nước Nga “đang hướng đến tương lai.”

Với lợi thế là một chính khách lão luyện và là người đứng đầu nước Nga trong nhiều năm nay, những thông điệp và chính sách của Tổng thống Putin về tương lai nước Nga được dư luận đánh giá là mang tính đột phá và có tính khả thi, có thể giúp “con thuyền” nước Nga vượt qua mọi cơn sóng dữ phía trước. Điều này cũng góp phần giúp ông Putin củng cố vị trí dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ của cử tri.

Đối thủ của ông Putin là những ai?

Trong khi đó, ứng cử viên của đảng Cộng sản Nga Pavel Grudinin đã công bố “Chương trình 20 bước” tranh cử, tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế. Với quan điểm chỉ trích cơ cấu kinh tế hiện nay ở nước Nga, ông Grudinin nhấn mạnh tính cần thiết của việc cải thiện điều kiện sống của người dân Nga thông qua các biện pháp cụ thể, có thể giúp nền kinh tế Nga độc lập hơn.

Vốn được coi là nhân vật mang tư tưởng dân tộc cực đoan, chương trình tranh cử “100 bước” của ông Zhirinovsky đề xuất những “thay đổi lớn tiến về phía trước,” như giải tán Hội đồng liên bang (Thượng viện) hay giảm số ghế Đuma quốc gia (Hạ viện).

Ông cũng đưa ra những chương trình bảo vệ tiếng Nga, chống “sự thống trị của người nhập cư,” bảo vệ lợi ích của nước Nga… Tuy nhiên, ứng cử viên Ksenia Sobchak mới là người có những đề xuất gây tranh cãi nhất với dự định cải tổ triệt để hệ thống chính trị của Nga, giải tán hoàn toàn Duma quốc gia và đưa Nga trở thành một nước cộng hòa nghị viện.

Các ứng cử viên còn lại trong cuộc bầu cử tổng thống Nga chưa thu hút được nhiều sự chú ý của cử tri do chương trình tranh cử chưa thực sự rõ nét, dù cũng đã đưa ra quan điểm của đảng mình về các vấn đề thời sự như nền tảng của an ninh quốc gia, các mối đe dọa toàn cầu đối với nước Nga và khả năng giảm thiểu đe dọa đó, phản ứng Nga cần có trước các lệnh trừng phạt của phương Tây...

Như ông Grigory Yavlinskiy thuộc đảng Yabloko (Quả táo), một chính trị gia từng tranh cử nhiều lần, có quan điểm tự do và ủng hộ phương Tây, hiện không được cử tri đánh giá cao về khả năng “bảo vệ lợi ích” của nước Nga.

Ông Sergei Baburin thuộc Liên minh toàn dân Nga, vốn là một chính trị gia bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc, được đánh giá là “chưa có gì mới.” Đại diện cho đảng Phát triển của giới doanh nghiệp Nga, ông Boris Titov, người được cho là chưa có hoạt động nổi bật nào trong nền chính trị Nga và chưa hề tham gia các cuộc bầu cử trước đó, đang cố gắng thu hút phiếu bầu từ các tầng lớp kinh tế tự do.

Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất đều cho thấy đương kim Tổng thống Putin đang bỏ xa các đối thủ còn lại và duy trì tỉ lệ ủng hộ ổn định ở mức khoảng 70%, gấp gần 10 lần so với tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên đứng thứ hai là ông Grudinin, thuộc đảng Cộng sản Nga, và gấp hơn 10 lần đại diện đảng Dân chủ Tự do Nga Zhirinovsky, chỉ được khoảng 6%.

Các ứng cử viên còn 2 tuần để tiếp tục vận động tranh cử nhằm thu hút lá phiếu cử tri cho tới “ngày yên tĩnh” 17/3, trước khi người dân Nga ngày 18/3 dùng là phiếu để đưa ra câu trả lời chính thức rằng họ sẽ chọn “cương lĩnh tranh cử” nào để phát triển đất nước trong 6 năm tới./.

Theo TTXVN

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất