Theo AFP/Reuters, ngày 12/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đe
dọa Hà Lan sẽ phải "trả giá" vì hủy hoại quan hệ giữa hai nước sau khi
trục xuất một bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi nước này.
Phát biểu tại một buổi lễ ở Istanbul, Tổng thống Erdogan giận dữ nói:
"Họ chắc chắc sẽ phải trả giá và cũng học được ngoại giao là gì. Chúng
tôi sẽ dạy cho họ về ngoại giao quốc tế".
Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: "Nếu các ngài (Hà Lan) từ bỏ các quan hệ
Thổ Nhĩ Kỳ-Hà Lan vì cuộc bầu cử (Quốc hội Hà Lan) vào ngày 15/3 tới
thì các ngài sẽ phải trả giá".
Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố nước này sẽ
đáp trả bằng "những phương thức mạnh tay nhất" trước các động thái của
Hà Lan cấm chuyến bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hạ
cánh và ngăn gia đình của quan chức này vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại
Rotterdam.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Yildirim nhấn mạnh: "Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt
phản đối tình hình trên và đã truyền đạt tới giới chức Hà Lan rằng sẽ có
hành động đáp trả mạnh tay... Chúng tôi sẽ đáp trả hành vi không thể
chấp nhận này."
Căng thẳng đã bùng phát trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan khi ngày
11/3, Chính phủ Hà Lan đã không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ
Cavusoglu bay đến thành phố Rotterdam nhằm vận động cộng đồng Thổ Nhĩ
Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp theo đề xuất của Tổng
thống Recep Tayyip Erdogan.
Tiếp đó, ngày 12/3, Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ
Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya, cùng gia đình cũng đã được hộ tống trở
lại biên giới Đức, sau khi đoàn xe của vị quan chức này cố tìm cách đến
Rotterdam bằng đường bộ khi chưa có sự đồng ý của phía Hà Lan.
* Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, những người biểu tình đã nhanh chóng hạ cờ của Hà Lan tại
lãnh sự quán nước này tại Istanbul và thay vào đó là cờ Thổ Nhĩ Kỳ.
Người biểu tình đã giận dữ tập trung bên ngoài lãnh sự quán Hà Lan.
Theo Reuters, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 12/3 cho biết ông sẽ làm
mọi thứ nhằm "xoa dịu" vụ tranh cãi ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ điều mà
ông miêu tả là tồi tệ nhất mà Amsterdam phải trải qua trong những năm
qua.
Ông Rutte bày tỏ: "Tôi chưa từng trải qua điều này song chúng tôi muốn
là một bên thận trọng hơn. Nếu họ (Thổ Nhĩ Kỳ) leo thang (căng thẳng)
thì chúng tôi phải đáp trả, song chúng tôi sẽ làm mọi điều trong quyền
hạn của mình để xoa dịu căng thẳng".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut
Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp chống Hà
Lan cho tới khi Amsterdam xin lỗi về vụ tranh cãi ngoại giao này. Phát biểu trước báo giới tại Pháp trước khi tới thành phố Metz, ông
Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ xem liệu các quốc gia châu Âu có
lên tiếng chỉ trích "hành động phát xít" của Hà Lan hay không./.
(Vietnam+)