|
Một ngôi nhà bị bỏ hoang ở Centralia, Pennsylvania. |
Một thời, thành phố Centralia từng là nơi cư ngụ của gần 3.000 cư dân, với các cửa hàng bách hóa tổng hợp, nhà thờ, khách sạn và các quán bar… Centralia là một thành phố mới phát triển, ra đời năm 1866 và được xây dựng nhờ lợi nhuận từ việc khai thác than ở các sườn đồi Pennsylvania. Cũng chính than đá về sau đã dẫn tới sự sụp đổ gần như hoàn toàn của thành phố này.
Vào năm 1962, các công nhân trong khi đốt rác thải ở một hố than đã tình cờ đốt cháy một mạch than gầy (antraxit) ở dưới lòng đất, một phần của lượng khoáng sản khổng lồ nằm ngay dưới chân thành phố. Sau khi bị đốt cháy, lượng than này dẫn lửa tới các mạch than đá và khoáng sản bên cạnh, cuối cùng tạo ra một đám cháy ngầm kinh hoàng ở trong lòng đất. Người dân thành phố đã cố gắng trong nhiều năm liền để dập tắt ngọn lửa1 nhưng không đạt được kết quả như mong đợi. Chính quyền địa phương kết luận rằng, chỉ còn một cách để cứu Centralia đó là cho đào một mạng lưới các đường rãnh rộng khắp thành phố nhằm cô lập đám cháy. Tuy nhiên cái giá cắt cổ của kế hoạch này đã khiến nó không được đưa vào thực tiễn.
Năm 1981, với ngọn lửa cháy ngầm liên tục gần 20 năm, điều tồi tệ đã dần xảy đến với hầu hết các cư dân của thành phố. Một em bé 12 tuổi nhìn thấy mặt đất thực sự nứt ra ngay dưới chân mình.
Năm 1982, Chính quyền Liên bang đã quyết định cấp 42 tỷ $ cho việc di dời người dân Centralia đồng thời tuyên bố bỏ hoang thành phố. Gần như tất cả cư dân Centralia đều chấp nhận ra đi, để lại thành phố hầu như không còn một bóng người. Chỉ một số ít, khoảng 20 cư dân vẫn kiên quyết ở lại, sống trong những căn nhà hợp pháp của họ. Chính phủ cho phong tỏa cửa ngõ chính vào thành phố, tuyến đường 61, đồng thời cho xây dựng các tuyến đường vòng và nhanh chóng chia cắt thành phố đang cháy này với phần còn lại của thế giới. Ngày nay, các con đường ở Centralia nếu không bị hủy hoại bởi cây cối thì cũng bị nứt gãy bởi khí gas độc hại bốc lên từ lòng đất. Hầu hết các căn nhà đều đã hoặc là bị cháy hoặc là bị kéo sập để tránh khỏi ngọn lửa. Chỉ còn lại nghĩa trang thành phố và một số ít ngôi nhà vẫn còn người sinh sống.
2. Đảo Hashima, Nhật bản
|
Một trong những khu chung cư cũ ở đảo Hashima, Nhật bản. Đây đã từng là nơi có mật độ dân cư cao nhất thế giới. |
Hashima là một hòn đảo nhỏ, diện tích 6 hecta, nằm trên những bãi đá ở bờ biển Nagasaki, Nhật Bản. Mặc dù có kích cỡ nhỏ bé, nhưng hòn đảo này lại mang một tầm vóc rất quan trọng: nó đã từng là trung tâm khai thác than của nước Nhật trong gần một thế kỷ. Hòn đảo nằm ngay trên một mỏ than đá được hình thành từ thềm lục địa. Khi được phát hiện, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật ngay lập tức mua lại Hashima từ tay những người chủ hòn đảo, vào năm 1890. Và những ngày hoàng kim của hòn đảo Hashima bắt đầu.
Hashima trở thành một xã hội thu nhỏ, giàu có và thịnh vượng. Toàn bộ khu tổ hợp này được kết nối bởi những đường hầm ngầm dưới lòng đất. Vào giai đoạn cao điểm, năm 1959, Hashima là thành phố có mật độ dân số cao nhất trên Trái Đất, với 5.259 cư dân sống trên một vỉa đá nhỏ bên bờ biển, mật độ 835 người trên một hecta.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tự nguyện đến sống ở thành phố này. Trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, Chính phủ Nhật Bản đã bắt các công nhân Trung Quốc và Hàn Quốc tới lao động trên đảo. Trong tổng số 500 công nhân Hàn Quốc bị bắt tới đây lao động tại các mỏ than dưới lòng đất Hashima, có tới 122 người bị chết trong khi làm việc.
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, cuộc sống của công nhân trên đảo được cải thiện nhiều với những tiện nghi như tivi, radio, rạp hát,…hòn đảo đất đá cằn cỗi trước kia nay đã được phủ xanh bởi những vườn cây mà cư dân ở đây nuôi trồng trên nóc nhà. Nhưng thời kỳ hoàng kim của thành phố Hashima cũng rất ngắn ngủi. Tháng 1/1974, với việc dầu mỏ đã thực sự thay thế than đá trở thành nguồn nhiên liệu được ưa thích trên thế giới, Mitsubishi nhận thấy cần phải đóng cửa các mỏ than ở đây. Đến tháng 4 năm đó, người dân cuối cùng của Hashima đã lên phà trở về đất liền, bỏ lại hòn đảo bị bỏ hoang vĩnh viễn.
Ngày nay, những di tích của thành phố xưa kia từng là nơi đông dân nhất thế giới vẫn còn tồn tại, trên những vỉa đá ven bờ biển Nagasaki. Tại phòng khám bác sĩ ở đây người ta tìm thấy một chiếc máy chụp X-quang, ghế và đèn khám bệnh,…Đồ chơi trẻ em, tivi, lò sưởi cũ hỏng được tìm thấy ở trong những tòa nhà bỏ hoang. Hệ thống đường giao thông ngầm vẫn còn sử dụng được, nhưng giờ phủ đầy những hình vẽ Grafity.
3. (Một phần) thành phố Detroit, Michigan.
|
Một hành lang dẫn tới quầy bán vé trung tâm nhà ga xe lửa Michigan bị bỏ hoang ở Detroit. |
Detroit còn có biệt danh là thành phố ô tô do trước đây nó từng là trung tâm sản xuất xe hơi của thế giới. Henry Ford (người sáng lập công ty Ford Motor) lần đầu tiên áp dụng sản xuất ôtô theo kiểu dây chuyền lắp ráp, tạo ra cơ chế sản xuất ôtô, xe tải hàng loạt vào thập niên 20. Với giá thành rẻ, lương nhân công cao, thành phố ngày càng được mở rộng và phát triển. Đến những năm 50, Detroit là thành phố lớn thứ 3 ở Mỹ với dân số 2 triệu người. Thành phố thực sự bùng nổ với tỷ lệ lao động và thu nhập cao, các rạp hát, tòa nhà văn phòng hiện đại phản ánh sự thịnh vượng của nền công nghiệp xe hơi hàng đầu thế giới.
Năm 1979, nhóm “Big three” của Detroit (gồm Chrysler, Ford và General Motors) sản xuất gần 90% phương tiện giao thông trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2005, con số này chỉ còn 40% do các hãng này bị cạnh tranh bởi các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài. Detroit, thành phố bùng nổ từ ngành công nghiệp ôtô do đó không tránh khỏi bị ảnh hưởng nặng nề.
Không những thế, tình trạng ngoại ô hóa cũng góp phần vào sự suy tàn của trung tâm buôn bán Detroit, mọi người bắt đầu dời khỏi thành phố đem theo tiền bạc của họ. Các hãng xe hơi cũng vậy. Do nhu cầu xây dựng các nhà máy sản xuất xe hơi lớn hơn, phương tiện vận tải to hơn nên họ di dời nhà máy ra vùng ngoại ô, bỏ lại Detroit với những tòa nhà hoang vắng.
4. Humberstone and Santa Laura, Chilê
|
Quang cảnh trong một trường học ở thị trấn Humberstone, Chile, bị bỏ hoang. Ảnh chụp tháng 7-2006. |
Humberstone, Chilê, được thành lập năm 1862 là nơi tập trung khai thác các mỏ nitrat ở vùng Oficina La Palma. Cái tên Humberstone ra đời năm 1925 theo tên một giám đốc mỏ người Anh đã có công làm giàu thị trấn nhỏ này. Humberstone với thị trấn Santa Laura kề bên đã phát triển bùng nổ vào thập niên 1930,1940 khi cùng chia nhau các sản phẩm từ mỏ nitrat. Muối nitrat (hay diêm tiêu KNO3, NaNo3) là một thành phần quan trọng trong phân bón. Nhưng đến cuối thập niên 30, một loại hóa chất tổng hợp rẻ hơn đã ra đời và thay thế nó gần như hoàn toàn.
Do nhu cầu khai thác các mỏ nitrat giảm dần, thị trấn Humberstone và Santa Laura bắt đầu bị bỏ rơi. Mất gần 3 thập kỷ, tới năm 1961, nhà máy cuối cùng bị đóng cửa, thị trấn bị bỏ hoang hoàn toàn.
Thị trấn được giữ nguyên vẹn sau khi người dân cuối cùng rời đi, cát khô thổi từ sa mạc xung quanh phủ đầy những căn nhà, trường học, rạp hát.
Ngày nay, cả Humberstone và Santa Laura cuối cùng cũng đã được hồi sinh, với một cuộc sống mới. Mặc dù bị bỏ hoang khá lâu nhưng dấu ấn của một xã hội từng sinh hoạt nơi đây vẫn không bị lãng quên. Năm 1970, Chính Phủ Chilê tuyên bố 2 thị trấn này là di sản quốc gia, các xưởng diêm tiêu ở đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đến năm 2005 UNESCO đưa hai xưởng này vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa.
5. Thành phố Prypiat, Ukraine
|
Một chiếc xe điện đụng ở công viên thành phố Prypiat bị bỏ hoang,được sơ tán năm 1986 sau thảm họa nguyên tử Chernobyl,. |
Ngày 26/4 /1986, một vụ nổ đã xảy ra tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Ukraine (khi ấy vẫn thuộc Liên bang Xô Viết), gây cháy nổ và cuối cùng làm tan chảy lõi lò phản ứng hạt nhân. Đây được coi là vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân thế giới. Phóng xạ phát ra sau vụ nổ đã làm chết hàng nghìn người ở Ukraine, Nga và một số nước lân cận, đám mây bụi phóng xạ thậm chí lan tới cả Anh quốc, bán đảo Scandinavia, và đông nước Mỹ. Thảm hoạ này phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
Thành phố Prypiat là nơi cư trú của hầu hết công nhân nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Toàn bộ 44.000 cư dân của thành phố, sống cách đó chưa đầy 3 dặm, đã được sơ tán ngay sau khi thảm họa xảy ra trong 60 giờ. Và có vẻ như, Prypiat sẽ bị bỏ hoang mãi mãi vì theo các nghiên cứu khoa học, thành phố sẽ không an toàn cho con người cư ngụ trong khoảng vài trăm năm nữa do ảnh hưởng của phóng xạ.
Giờ đây, Prypiat hoàn toàn bị bao phủ bởi thực vật, sân vận động bị thay thế bởi một khu rừng. Động vật hoang dã như gấu, hươu nai lang thang trong các tòa nhà đổ nát. Mặc dù vậy người ta vẫn thấy những chiếc giường còn phủ chăn, bàn ghế và đồ trang trí. Pryat đã từng là một thành phố phát triển nóng, với rất nhiều nhà cao tầng, bảo tàng,…nhưng bây giờ trông nó như đang bị đóng băng cùng với thời gian.