Thứ Sáu, 4/10/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Năm, 22/9/2022 17:49'(GMT+7)

TP. HCM giải bài toán thiếu giáo viên theo chương trình mới

(Ảnh minh họa. Thanh Tùng/TTXVN)

(Ảnh minh họa. Thanh Tùng/TTXVN)

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đang được triển khai với 6 khối lớp ở cả 3 bậc học, trong đó xuất hiện nhiều nội dung, hoạt động giáo dục và môn học mới.

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh còn đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cho các môn học mới. Mặt khác, việc nâng chuẩn đào tạo giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là vấn đề đặt ra với thành phố.

Sinh viên sư phạm ra trường không "mặn mà" đi dạy

Dù đã bắt đầu năm học mới khoảng 3 tuần, nhưng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) vẫn thiếu giáo viên cho môn học mới Lịch sử và Địa lý. Hiện cả hai khối 6 và 7 chỉ có một giáo viên đứng lớp môn này.

Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết vừa qua quận đã tuyển dụng giáo viên cho trường nhưng không có ứng viên đăng ký. Còn môn Khoa học tự nhiên đang có 4 giáo viên được phân công dạy hai khối. Hoạt động dạy học tương đối tốt do các thầy, cô đều được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ. Riêng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương, nhà trường phân công giáo viên các bộ môn khác kiêm nhiệm.

Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều môn cũng xảy ra ở nhiều trường học trên địa bàn. Theo Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học này thành phố cần tuyển hơn 5.900 chỉ tiêu tuyển giáo viên, nhưng đến nay mới tuyển được hơn 3.200 giáo viên. Hiện tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, nhất là bậc tiểu học. Bên cạnh tiếp tục tổ chức tuyển dụng, với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển, Sở đã hướng dẫn các đơn vị chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn.

Nói về việc các trường phổ thông khó tuyển giáo viên, ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nhiều sinh viên ra trường không “mặn mà” với việc đi dạy, một phần do thu nhập thấp, chưa thu hút.

Đặc biệt, ngành Tin học và Anh văn là 2 ngành rất khó tuyển giáo viên dù hằng năm trường vẫn đào tạo, tuy nhiên sau khi ra trường, ngoài đi dạy, các em có rất nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao hơn. Mỗi năm, trường chỉ đào tạo khoảng 40 chỉ tiêu ngành Sư phạm Ngoại ngữ và 30 chỉ tiêu Sư phạm Tin học, nhưng chưa chắc ra trường các em có đi làm giáo viên hay không.

Tương tự, ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, nêu ví dụ sinh viên tốt nghiệp sư phạm Âm nhạc và Mỹ thuật, với năng khiếu và nền tảng được đào tạo bài bản, các em dễ kiếm việc với thu nhập tốt hơn đi dạy. Hơn nữa, môi trường trường học cũng không đủ rộng để các em thỏa niềm đam mê âm nhạc, hội họa. Việc mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những sinh viên tốt nghiệp ngành phù hợp để đi dạy lại càng khó hơn bởi các em không có nhu cầu. Thực tế, nhiều sinh viên các ngành Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin đã có việc làm ngay sau khi ra trường, thậm chí ngay ở năm thứ 3.

Không chỉ khó khăn do khó tuyển dụng, ngành giáo dục thành phố còn gặp khó do yêu cầu sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó Trưởng phòng Hành chính, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, con số 1,6 triệu học sinh mỗi năm học còn lớn hơn dân số của một số tỉnh khác, chưa kể mỗi năm còn tăng từ 20.000 đến 30.000 học sinh. Kéo theo đó là nhu cầu mở rộng về trường, lớp và tăng số lượng giáo viên. Do đó, yêu cầu tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế với ngành giáo dục là chưa hợp lý.

Giải quyết khó khăn về biên chế giáo viên, năm 2020, thành phố cũng đã được Trung ương tháo gỡ với việc áp dụng cơ chế tuyển giáo viên hợp đồng ngắn hạn để giải quyết tạm thời vấn đề thiếu giáo viên. Nhưng cơ chế này chỉ áp dụng với đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, còn đơn vị hoạt động do ngân sách cấp 100% không được thực hiện. Vừa qua, thành phố cũng kiến nghị Trung ương có giải pháp tháo gỡ về các vấn đề này.

Chờ đào tạo giáo viên cho môn mới

Qua 3 năm thực hiện lộ trình, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Việc xuất hiện những môn học mới đặt ra yêu cầu phải có đội ngũ giáo viên phù hợp đứng lớp. Nhưng theo các trường đào tạo sư phạm trên địa bàn thành phố, phải đến cuối năm 2023 lứa sinh viên đầu tiên được đào tạo theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới mới ra trường, đáp ứng nhu cầu về giáo viên cho bộ môn mới của thành phố cũng như các địa phương khác.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết năm 2019, trường mới được tuyển khóa đầu tiên đào tạo sư phạm cho các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, với khoảng 100 sinh viên cho cả 2 ngành. Như vậy, đến tháng 9/2023 sinh viên khóa học đầu tiên này mới ra trường, đi dạy. Riêng ngành sư phạm công nghệ bắt đầu tuyển sinh từ năm nay.

Song song với việc đào tạo chính quy đội ngũ giáo viên, để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong 2 năm qua, trường cũng phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên các nội dung chương trình mới.

Tương tự, ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cho biết năm 2019 trường cũng mới bắt đầu tuyển các ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý. Năm 2023 mới có lứa giáo viên đầu tiên đáp ứng yêu cầu môn học mới.

Năm đầu tiên trường tuyển đủ 30 chỉ tiêu cho mỗi môn, như vậy đến năm 2023, các em ra trường sẽ có khoảng 60 giáo viên cho 2 môn mới này. Cùng với đó, trường cũng xây dựng được chương trình bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới.

Đến nay, trường đã bồi dưỡng cho gần 5.000 lượt giáo viên, trong đó môn Lịch sử 900 lượt, môn Địa lý 850 lượt, môn Vật lý 1.100 lượt, môn Sinh học 1.200 và Hóa học khoảng 800 lượt. Theo lộ trình thực hiện bồi dưỡng đã được xây dựng, thành phố không lo thiếu giáo viên thực hiện chương trình mới.

Theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thành phố Hồ Chí Minh còn gần 26% giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ. Tuy nhiên, theo các trường, công tác nâng chuẩn trình độ giáo viên đáp ứng yêu cầu còn gặp khó khăn do các trường đào tạo sư phạm trên địa bàn chưa mở các khóa học nâng chuẩn.

Về việc này, ông Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cho biết theo Quyết định 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở được phép đào tạo nâng chuẩn giáo viên (liên thông chính quy, liên thông vừa học vừa làm) với 20% chỉ tiêu chính quy, vừa học vừa làm theo từng ngành. Trong khi đó, Thông tư 03/2022 của Bộ giáo dục và Đào tạo quy định chỉ tiêu đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên do bộ xem xét, quyết định và giao cho cơ sở đào tạo dựa trên nhu cầu của địa phương và năng lực đào tạo của cơ sở. Nhưng đến nay trường chưa được Bộ giao chỉ tiêu đào tạo nâng chuẩn giáo viên. Vừa qua, trường cũng đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất triển khai nội dung này./.

Thu Hoài 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất