Thứ Ba, 1/10/2024
Môi trường
Thứ Ba, 18/11/2008 20:0'(GMT+7)

TP.HCM vẫn lúng túng với... rác

Rác tại một kênh ở phường 15 quận Tân Bình

Rác tại một kênh ở phường 15 quận Tân Bình

Bất lực với tệ nạn vứt rác bừa bãi

Công việc của những công nhân làm nhiệm vụ vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, thuộc Đội thu gom rác, Xí nghiệp Vận chuyển số 1 - Công ty Môi trường đô thị TP.HCM vẫn luôn đầy nhọc nhằn.

Anh Lê Quang Vinh, Đội phó Đội thu gom cho biết: "Rác vứt xuống kênh nhiều nên những công nhân thu gom rác vẫn phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp làm ca đầu tiên vào lúc 4 giờ 30, và 1 năm chỉ được nghỉ 2 ngày Tết là mùng 1 và mùng 2, nhưng thực ra chiều mùng 2 đã phải đến đội để chuẩn bị đi làm việc".

Xí nghiệp Vận chuyển số 1 có 9 chiếc xuồng với 12 công nhân, 3 cán bộ quản lý phụ trách việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mỗi xuồng được trang bị 8 thùng đựng rác. Theo anh Vinh, một ngày đội thu gom về không dưới 6 tấn rác.
 
Vứt rác bừa bãi, đặc biệt là vứt rác xuống sông, kênh, rạch là một căn bệnh mà cho đến nay, TP.HCM vẫn chưa thể chữa trị được. TP.HCM đã có khá nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này như phát động phong trào "Vì đường phố không rác", hay tổ chức những "Ngày chủ nhật xanh" đưa thanh niên xung kích xuống dọn dẹp vệ sinh kênh, rạch...

Song lượng rác vứt xuống sông vẫn không giảm, thậm chí có xu hướng tăng. Khoảng năm 1999-2000, công nhân vệ sinh chỉ phải vớt khoảng 11 tấn rác/ngày, thì nay đã phải vớt hơn 40 tấn/ngày. Trung bình mỗi năm, TP.HCM vẫn phải chi tới hàng chục tỷ đồng để vớt rác trên sông.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM: "Chất lượng nước kênh, rạch nội thành vẫn chưa được cải thiện, thậm chí có xu hướng nhiễm bẩn ngày càng cao theo từng năm". Tất nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác làm cho nước sông, kênh, rạch của thành phố nhiễm bẩn như tất cả nước thải sinh hoạt của thành phố, chất thải công nghiệp của không ít cơ sở sản xuất chưa qua xử lý vẫn đổ thẳng ra kênh, rạch...

Thế nhưng, tình trạng biến sông, kênh, rạch thành thùng rác cũng đã và đang làm cho chất lượng nước ở đây xấu đi. Nhiều con rạch nhỏ của thành phố đã chết... đặc vì rác. Anh Lê Quang Vinh và nhiều đồng nghiệp của anh trong quá trình đi vớt rác đã cố gắng quan sát xem có ai bị phạt vì hành vi vứt rác bừa bãi chưa, tuy nhiên, câu trả lời là: chưa!

Hiện nay, công tác quét dọn rác ở TP.HCM mới chủ yếu được thực hiện trên những tuyến đường. Với các hẻm nhỏ, các khu dân cư sâu, xa, công tác này chưa vươn tới.

Vướng mắc với phân loại rác từ nguồn

Phân loại rác từ nguồn là một động thái giúp sử dụng hiệu quả rác thải. Nếu được phân loại tốt, những loại rác vô cơ như giấy, thủy tinh, túi ni lông... có thể được đưa đi tái chế. Rác hữu cơ như rau, củ, quả... sẽ được chế biến thành phân compost. Chỉ những phần rác không thể tái chế được mới phải chôn lấp và điều này sẽ giúp tiết kiệm được đất chôn lấp rác - một thứ đang rất thiếu ở TP.HCM.

TP.HCM đã bắt đầu làm quen với phân loại rác từ nguồn từ năm 1998. Một tổ chức phi chính phủ đã triển khai công tác này tại quận 5 và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Tuy nhiên, khi TP.HCM chính thức cho triển khai hoạt động này ở quận 6 thì công tác phân loại rác từ nguồn mới được phổ biến rộng rãi. Thế nhưng, cũng bắt đầu ở quận 6, hàng loạt những... khó khăn đã nảy sinh.

Dự án phân loại rác từ nguồn được triển khai từ năm 2004, nhưng mãi đến cuối tháng 12.2007 mới được duyệt. Các sở-ngành đã thực sự lúng túng không biết ai phải chịu trách nhiệm phê duyệt dự án, vì nội dung của dự án "dính" một chút vào Sở Xây dựng, một chút vào Sở Tài nguyên - Môi trường, một chút vào Sở Văn hóa - Thông tin (cũ)...

Điều đáng nói là cho đến khi dự án được duyệt thì giá vật tư, thiết bị đã tăng lên gấp nhiều lần so với lúc lập dự án. Theo Phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện các bên liên quan đang chuẩn bị cho đấu thầu lại dự án. Dự án tại quận 6 chậm đã làm cho kế hoạch triển khai công tác phân loại rác tại nguồn ở nhiều quận, huyện khác... chậm theo.

Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một phần của vấn đề. Để công tác phân loại rác tại nguồn thu được hiệu quả, thì còn phải có các nhà máy xử lý rác đã được phân loại. Cũng theo Phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay tất cả các nhà máy này còn đang trong quá trình lập dự án và đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự án của doanh nghiệp Tâm Sinh Nghĩa rộng 20ha ở Củ Chi mới giải tỏa được khoảng 10ha.

Dự án của doanh nghiệp Sai Gon Earth Care cũng ở trong tình trạng tương tự. Dự án của doanh nghiệp Tasco cũng không khác hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng quản lý Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, chỉ có một dự án của doanh nghiệp VietStar tuy mới chỉ có 30ha trong tổng số 70ha đất được giao ở Củ Chi, nhưng đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì cũng phải đến tháng 4-2009, nhà máy này mới bắt đầu nhận xử lý rác.

Cũng phải nói rằng, trước khi Nhà nước triển khai dự án phân loại rác từ nguồn thì người dân đã tự biết làm việc này. Các hoạt động thu mua phế liệu, mua bán ve chai... thực chất là một cách tận dụng rác thải một cách hiệu quả của người dân. Thế nhưng, vấn đề là công tác tái chế rác thải này lại chưa được tổ chức bài bản, hợp vệ sinh. Đã có không ít cơ sở tái chế giấy, túi ni lông gây ô nhiễm môi trường mà nhiều địa phương không thể xử lý được. Do vậy, phân loại rác từ nguồn và đưa rác đi xử lý một cách khoa học, không gây ô nhiễm môi trường vẫn là những đòi hỏi từ thực tế mà các ban, ngành liên quan phải khẩn trương đáp ứng.

Tại bãi rác Đông Thạnh, một dự án CMD (mua bán khí phát thải theo Nghị định thư Kyoto) đang được triển khai thực hiện. Dự án này dự kiến sẽ đem về cho thành phố hàng triệu USD và sau khi dự án hoàn thành, nếu không có gì thay đổi, bãi rác sẽ được biến thành một công viên cây xanh, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Tại bãi rác Gò Cát, một dự án "sục khí" phát điện đã được triển khai. Hiện nay, điện sản xuất ra từ đây đã được bổ sung vào mạng lưới điện quốc gia.

(Nguồn: Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM












DT- theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất