Tuy nhiên, chính sự
chững lại và có phần kém sắc của sân khấu TP.HCM kéo dài từ nhiều năm
qua khiến không ít nghệ sĩ chân chính đang làm nghề, theo đuổi, gắn bó
với nghề bằng tình yêu, tâm huyết và niềm đam mê phải chạnh lòng, trăn
trở.
“Bà bầu” của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - đạo
diễn, nghệ sĩ Ái Như, tâm tư: “Mỗi năm, chúng tôi lại phải gồng mình làm
việc cật lực, tự thân vận động, đầu tư thêm vốn để dàn dựng các tác
phẩm, giúp sân khấu được sáng đèn, tất cả cũng chỉ mong muốn được phục
vụ khán giả tốt hơn. Nhưng, thật sự chúng tôi có quá nhiều cái phải lo.
Lo nhất là địa điểm biểu diễn.
Hiện nay điểm đóng đô của
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh là điểm diễn theo hợp đồng. Ở đây hôm nay
lại lo nhấp nhổm không biết ngày mai ra sao. Thế nên, vì chưa thật sự
được an cư, nên việc lập nghiệp vẫn là quãng đường đi nhiều chông gai.
Không chỉ thế, vấn đề kịch bản, nhân sự cũng khiến người làm quản lý có
nhiều trăn trở. Không hiếm các nghệ sĩ, tác giả đã lựa chọn tham gia
game show, truyền hình, phim nhựa, phim truyền hình, MC… để có thu nhập
cao hơn là chọn gắn bó với sân khấu kịch nói. Trong năm 2013, những suất
diễn thu hút được lượng khán giả đến xem đầy rạp chỉ có thể đếm trên
hai đầu bàn tay…”.
Từ thực tế, khán giả có yêu quý kịch nói đến
đâu chăng nữa thì vẫn có không ít người đắn đo khi bỏ tiền ra mua vé xem
kịch. Dù rằng giá vé không quá cao, dao động từ 100.000 đến 150.000
đồng/vé. Tổng thu từ vé chỉ vừa đủ chi phí trang trải cho các suất diễn
của các sân khấu kịch. Đã vậy, khán giả đến với sân khấu kịch cứ ngày
một giảm dần vì sự chia năm sẻ bảy lượng khán giả cho những điểm diễn
mới và cho loại hình kịch cà phê đang hoạt động rộng khắp thành phố.
NSND
Hồng Vân khẳng định: “Năm 2013, hầu hết các sân khấu kịch đều lao đao,
vất vả. Những nghệ sĩ còn bám trụ được với nghề cũng chỉ vì đam mê nghề
quá!”. Ngay như Sân khấu kịch 5B, trực thuộc Hội Sân khấu TPHCM, cũng
phải trân mình vất vả vượt qua một năm Quý Tỵ nhiều gian khó. Tại đây,
cái khó ấn tượng nhất với khán giả cũng như anh em nghệ sĩ chính là sân
khấu nằm tận lầu 3, khán giả sau khi leo 3 lầu lại tiếp tục leo lên ghế
cao cách mặt sàn cả thước. Cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp, không đủ
chuẩn cho một sân khấu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là tình hình
chung của lĩnh vực sân khấu hiện nay.
Lĩnh vực nghệ thuật cải
lương cũng đồng cảnh ngộ với kịch nói, nhưng hoạt động còn eo sèo hơn.
Phần lớn nghệ sĩ cải lương chủ yếu chạy show diễn nhỏ lẻ. Chỉ duy nhất
Nhà hát Trần Hữu Trang còn hoạt động theo đúng kế hoạch phục vụ chính
trị, phục vụ bà con vùng sâu vùng xa và tổ chức được một số vở tuồng
biểu diễn tại rạp Thủ Đô.
Đa sắc sân khấu tết 2014
Nén lòng với thực trạng buồn của
sân khấu kịch nói, cải lương, một đội ngũ những nghệ sĩ yêu nghề, tâm
huyết với nghề vẫn luôn sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân chỉ để được
sống còn cùng sân khấu, cùng nghệ thuật với niềm khao khát và sự kỳ vọng
vào bước chuyển mình tốt đẹp hơn trong tương lai không xa.
Ngay
những ngày cuối năm 2013 và đầu năm mới 2014, hàng loạt vở diễn, chương
trình nghệ thuật đã và đang xếp hàng ra mắt khán giả tại các điểm diễn.
Trong đó, Sân khấu kịch Hồng Vân tiếp tục khai thác thế mạnh kịch kinh
dị bằng 8 vở: Ma lực kinh hoàng, 12 giờ đêm, Chờ chết, Kỳ án 292, Yêu giờ chót…; Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn chung tình với dòng kịch lãng mạn - tâm lý xã hội qua vở diễn Oan tình ai thấu, Sông dài…; Sân khấu Sao Minh Béo cũng chọn thể loại kịch kinh dị với vở Con ma nhà họ Mãn để phục vụ khán giả; Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần trung thành với kịch chính luận qua 3 vở Gương mặt kẻ khác, Phía sau tội ác, Trái tim vàng.
Đón Tết Nguyên đán 2014, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng đầu tư 3 vở diễn cho 3 đoàn. Tuy kinh phí không được nhiều nhưng cả 3 vở Rể quý, Ngọ ơi, Phúc Mãn Đường được các đoàn xây dựng với những sắc thái nghệ thuật rất riêng, hấp dẫn.
Riêng “bà bầu” Linh Huyền - nữ
nghệ sĩ cải lương tâm huyết với nghề, cũng tung ra dự án biểu diễn nghệ
thuật dân tộc đặc biệt chủ đề “Năm tháng không phai”, thực hiện tại Viện
Trao đổi văn hóa Pháp, quận 1 vào ngay những ngày đầu năm mới. Chương
trình ra mắt suất đầu tiên vào tối 7-1 và biểu diễn định kỳ vào thứ ba
hàng tuần, trình diễn 4 trích đoạn cải lương đặc sắc Tiếng trống Mê Linh, Dương Quý Phi, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn.
Bên cạnh đó, còn có các suất diễn cải lương dành cho thiếu nhi vào sáng
chủ nhật, cũng tại địa chỉ này, luân phiên trình diễn các vở cải lương Bông vạn thọ, Khu vườn bí mật, Trạng Lường, Lương Thế Vinh…
Sự
tươi mới, đa sắc của các vở sân khấu kịch nói, cải lương ra đời trong
thời điểm này sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong
những ngày đầu năm mới và dịp Tết Nguyên đán cho đông đảo khán giả. Số
lượng và chất lượng các vở diễn sẽ góp phần tô điểm thêm hương sắc cho
vườn hoa văn hóa nghệ thuật TPHCM thêm lung linh, tươi đẹp.
|
"Bông hồng cài áo" - một trong những vở kịch hay của Sân khấu kịch IDECAF, TPHCM trong năm 2013.
|
Với các nghệ sĩ, sự khởi
đầu thuận lợi đầu năm cũng sẽ tạo tiền đề cho sự biến chuyển tốt đẹp của
hoạt động nghề nghiệp trong cả năm 2014. Nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ tâm
tư và mong mỏi rằng lĩnh vực sân khấu năm nay 2014 sẽ khởi sắc hơn năm
trước, để các nghệ sĩ có thể an tâm làm nghề, tiếp tục gìn giữ ngọn lửa
tình yêu nghề nghiệp, cùng góp sức để thắp sáng ánh đèn sân khấu hàng
đêm./.
Thuý Bình (SGGP)