Thành phố Hồ Chí Minh đang là một trong những điểm nóng của làn sóng
dịch COVID-19 lần thứ 4, chính quyền Thành phố buộc phải siết chặt các
biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính
phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND của UBND Thành phố để kiểm soát sự lây lan
trong cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất của thành phố đang đối
mặt với không ít khó khăn nhưng vẫn nỗ lực vừa duy trì sản xuất vừa thực
hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho
tiêu dùng và xuất khẩu.
ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU KHÓ KHĂN
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí
Minh cho biết hiện nay các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm
2021, một số ít doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý 3.
Tuy nhiên chưa kịp mừng thì Thành phố xuất hiện làn sóng dịch
COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, lan nhanh trong cộng đồng. Để đảm
bảo an toàn phòng chống dịch, các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện
giãn cách trong nhà máy, chia ca để sản xuất thay vì làm việc đồng loạt
như trước.
Thêm và đó, trong các đợt dịch năm 2020, doanh nghiệp không có đơn
hàng, nhiều lao động đã nghỉ việc, về quê hoặc chuyển sang các ngành
nghề khác. Do đó, doanh nghiệp dệt may hiện nay đang thiếu khoảng 20%
lao động nhưng không tuyển được người, đặc biệt là thiếu lao động có tay
nghề cao.
Một khó khăn lớn của doanh nghiệp dệt may nữa là chi phí đầu vào tăng
cao, từ điện, nước, logistics, kho bãi đến nguyên phụ liệu đều tăng
khiến giá thành sản phẩm tăng.
Cùng nhận định, ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn
May mặc Thành Đạt chia sẻ, khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay là giá
nguyên vật liệu tăng từ 20-30%, cộng thêm vấn đề nhân công.
Theo ông Lê Nhung, giá nguyên phụ liệu nhập khẩu và trong nước đều
tăng do hiệu ứng tăng cước vận chuyển từ cuối năm 2020 đến nay. Trong
khi đó, nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc hiện nay chỉ tăng ở phân khúc
hàng cơ bản, hàng thời trang và hàng cao cấp rất ít nên việc thương
lượng tăng giá bán hầu như không khả thi ở thời điểm này.
Về lao động, sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thiếu
đơn hàng trong năm 2020, số lao động cố định của doanh nghiệp giảm đáng
kể. Khi đơn hàng tăng trở lại, doanh nghiệp muốn tuyển lao động nhưng
không được.
Để đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp phải thuê lao động theo hình thức
“công nhật”, tức là làm ngày nào trả lương ngày đó. Với dạng lao động
này doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi phải trả công cao hơn công nhân có
hợp đồng lao động nhưng lại họ không đảm bảo làm việc thường xuyên,
nhiều lao động chưa có kinh nghiệm, kỹ năng may nên năng suất làm việc
thấp.
Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty
Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí-Điện Thành phố Hồ
Chí Minh cho biết, giá nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là sắt, thép và
các loại vật liệu xây dựng tăng một cách chóng mặt, cao hơn 30%-40% so
với cuối năm 2020 đã kéo chi phí sản xuất sản phẩm cơ khí tăng theo.
"Các đơn hàng ký trước đều phải chịu lỗ, đơn hàng mới thì đang đàm
phán với khách để điều chỉnh theo giá nhưng hầu như không có lợi nhuận.
Việc giá nguyên liệu tăng khó kiểm soát khiến không chỉ nhà sản xuất mà
cả nhà mua hàng cũng giảm nhịp để theo dõi diễn biến tiếp theo của thị
trường thế giới," ông Ngô Phước Tống chia sẻ.
KHÔNG ĐỂ ĐỨT GẪY CHUỖI SẢN XUẤT
Mặc dù gặp không ít khó khăn, song các doanh nghiệp Thành phố vẫn
đang quyết tâm thực hiện mục tiêu kép mà Thành phố đề ra, vừa tổ chức
sản xuất vừa phòng chống dịch nhằm duy trì việc cung ứng hàng hóa liên
tục.
Ông Phạm Văn Việt cho biết, nhu cầu đơn hàng thế giới đang tăng trở
lại và đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phục hồi hoạt động sản
xuất sau ảnh hưởng của các đợt dịch năm 2020. Thách thức trước mắt là
làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến
rất phức tạp, doanh nghiệp vừa phải duy trì sản xuất, vừa phải thực
hiện việc giãn cách trong nhà máy, đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng
chống dịch.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: TTXVN)
“Dù trong hoàn cảnh nào doanh nghiệp vẫn phải giao hàng đúng hạn cho
các hợp đồng đã ký, không thể ngưng sản xuất. Điều đó không chỉ để bảo
vệ uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp với các đối tác mà còn nhằm giữ
được công ăn việc làm cho người lao động”, ông Phạm Văn Việt khẳng
định.
Ông Đỗ Phước Tống thì cho biết thực hiện nghiêm các quy định phòng
chống dịch của Thành phố, doanh nghiệp đã tiến hành việc giãn cách trong
nhà máy, yêu cầu công nhân và cả cán bộ quản lý giám sát phân xưởng
thực hiện tốt thông điệp 5K, hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần giữa các
bộ phận.
“Không chỉ áp dụng trong nhà máy, chúng tôi cũng khuyến cáo cán bộ,
nhân viên công ty hạn chế tiếp xúc bên ngoài, thực hiện tốt việc giãn
cách sau giờ làm và tại nơi cư trú. Những khó khăn khác có thể từ từ
giải quyết và vượt qua nhưng riêng việc phòng chống dịch COVID-19 phải
được thực hiện nghiêm ngặt bởi đây là mối nguy lớn nhất, có thể gây ra
“cái chết bất ngờ” cho doanh nghiệp. Chỉ cần một nhân viên bị nhiễm bệnh
là toàn bộ dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn
đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và khả năng hoàn thành đúng tiến độ các
đơn hàng đặt trước”, ông Tống nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam
Thái Sơn cho rằng trong những đợt dịch trước, Việt Nam đã kiểm soát rất
tốt và được các đối tác nước ngoài đánh giá cao, được lựa chọn là nhà
cung ứng mới cho một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Điều này đã giúp
nhiều ngành hàng có được đơn hàng mới và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo ông Trần Việt Anh, hiện nay nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường
lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đã bắt đầu phục hồi, số lượng đơn hàng đang
có xu hướng tăng trở lại, nếu doanh nghiệp trong nước không cung ứng đủ
thì sẽ bỏ lỡ cơ hội nắm giữ thị phần.
Chính vì vậy, dù đợt dịch thứ 4 đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp
có đơn hàng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quyết
tâm duy trì sản xuất, không để đứt gãy cung ứng hàng hóa.
Trong bất cứ diễn biến nào của dịch bệnh, ngành lương thực thực phẩm
luôn có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đủ và liên tục cho nhu cầu tiêu dùng
thiết yếu của người dân. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thuộc Hội lương
thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh luôn chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu dài hơi để có thể sản xuất ổn định từ 3-6 tháng.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy
hải sản Sài Gòn cho biết ngay từ khi thành phố xuất hiện các ca bệnh
trong đợt dịch mới, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho phương án vừa chống
dịch vừa sản xuất liên tục. Nhờ có nguồn nguyên liệu dự trữ nên dù phải
thực hiện các biện pháp giãn cách, chia ca sản xuất để đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng nhà máy vẫn vận hành hết công suất, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa
cho tiêu dùng trong nước và tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu./.
Xuân Anh (TTXVN)