TP Hồ Chí Minh mong muốn các sở ban ngành, doanh nghiệp và người dân chung tay bảo tồn các di sản, kiến trúc, lịch sử, văn hóa để phục vụ cho phát triển du lịch.
UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản giao Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn chủ đầu tư các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật; Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh được giao hoàn tất công tác phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố trong năm 2019 để lập danh sách bảo tồn, gìn giữ và đưa vào phát triển du lịch.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao UBND các quận - huyện có trách nhiệm tiếp tục rà soát, phân loại tất cả các biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975, hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa trên địa bàn; thực hiện phân loại bước đầu theo Quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân ra vào khu chung cư số 67 đường Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho chủ sở hữu biệt thự tại số 65 Phạm Ngọc Thạch tháo dỡ toàn bộ phần nhà phụ phía sau còn lại và xây mới tường rào giáp lối vào chung cư số 67 Phạm Ngọc Thạch.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 172 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong đó có khoảng 40 di tích có thể phát huy thành điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Mặc dù số lượng các kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa còn ít, nhưng khi đến TP Hồ Chí Minh, du khách đều bày tỏ mong muốn ghé thăm các di tích kiến trúc của thành phố bởi các công trình kiến trúc di sản văn hóa này có giá trị lịch sử và luôn có sức hút riêng với du khách. Vì vậy, để bảo tồn các di sản kiến trúc lịch sử văn hóa rất cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và toàn thể xã hội, trong đó cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân./.
Theo Báo Tin tức