Hội nghị mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh,
trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế-xã hội do Ủy ban Nhân dân Thành phố
Hồ Chí Minh tổ chức ngày 15/9 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều
chuyên gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
TĂNG TƯƠNG TÁC GIỮA GIỮA CHÍNH QUYỀN VỚI NGƯỜI DÂN
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí
Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ cuối năm 2017 thành phố đã ban hành
Đề án xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh giai đoạn
2017-2025 và là địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả
nước. Đô thị thông minh nhằm giải quyết những vấn đề đặc trưng của đô
thị lớn trong quá trình đô thị hóa như áp lực dân số ngày càng tăng,
vượt quá khả năng phục vụ của hạ tầng như giao thông, nhà ở, cấp nước, y
tế, giáo dục, môi trường... Trong khi thành phố có nhiều lợi thế là
trung tâm kinh tế lớn của cả nước, trình độ lao động có bằng đại học cao
chiếm chiếm 28%, có nhiều trường đại học, cảng hàng không, cảng biển
lớn của cả nước.
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, đô thị thông minh có 4 chủ thể
gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người
dân. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi
trường là môi trường thực, không gian mạng-Internet-viễn thông, con
người tương tác với các thiết bị xung quanh mình. Xây dựng đô thị thông
minh nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, nâng cao mức sống
của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất, đảm
bảo chính quyền phục vụ người dân tốt nhất cũng như người dân tham gia
vào quá trình quản lý, giám sát chính quyền.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh, mục tiêu của đề án đô thị thông minh là giúp thành phố phát triển
kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết những vấn đề tắc nghẽn, kéo dài
bức xúc như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường đồng thời tăng cường
sự tương tác giữa chính quyền đối với doanh nghiệp và người dân. Để thực
hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn
cho toàn thành phố, xây dựng một công ty an ninh thông tin, xây dựng 2
trung tâm giúp thành phố điều hành thông minh các vấn đề về an toàn giao
thông, cứu hộ cứu nạn, giải quyết an ninh trật tự xã hội từ xa và giúp
thành phố mô phỏng, dự báo kinh tế-xã hội.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA DOANH NGHIỆP
Để xây dựng đô thị thông minh thành phố kêu gọi đầu tư nhiều dự án quan
trọng như xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể của Trung tâm điều hành
đô thị thông minh; nâng cấp hệ thống tổng đài khẩn cấp liên thông
113-114-115; tích hợp, xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin
khẩn cấp, cứu nạn cứu hộ thông qua đầu số viễn thông duy nhất; mở rộng
Cổng thông tin 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin
của người dân, doanh nghiệp và tổ chức; tích hợp hệ thống các trạm quan
trắc môi trường; xây dựng và tích hợp Trung tâm quản lý chuyên ngành
giáo dục, y tế; xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh;
triển khai nền tảng tích hợp công nghệ cho Trung tâm điều hành; xây dựng
hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần thiết cho trung tâm điều hành đô thị thông
minh.
Đề cập về giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Thành ủy
Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ 3 nhóm giải pháp lớn.
Trước hết là xây dựng chính quyền trách nhiệm, chính quyền thông minh,
làm việc hiệu quả; trong đó các bước ra quyết định của chính quyền phải
được hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Tiếp đó là xây dựng môi trường để
thực hiện sự tương tác giữa 4 chủ thể. Cuối cùng là ứng dụng công nghệ
thông tin, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ
nhân tạo để góp phần làm cho quá trình tiếp nhận, lưu trữ và xử lý thông
tin ngày càng hiệu quả cao.
Nói về giải pháp cụ thể, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết,
thành phố sẽ đầu tư hình thành cơ sở dữ liệu tích hợp mở về dân cư, kinh
tế, giáo dục, giao thông… đồng thời xây dựng trung tâm mô phỏng và dự
báo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phục vụ cho cấp thành phố, các
sở, ngành, quận, huyện gắn với đảm bảo an toàn thông tin, an toàn cho hệ
thông hạ tầng viễn thông, an ninh mạng.
Phác thảo về lộ trình thực hiện Trung tâm Điều hành đô thị thông minh,
ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ
Chí Minh cho biết, giai đoạn 2018-2019 sẽ xây dựng mô hình, kiến trúc
tổng thể, kêu gọi đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, triển khai xây
dựng các trung tâm quản lý chuyên ngành, đào tạo nguồn nhân lực, xây
dựng quy trình, quy chế vận hành. Giai đoạn 2020-2025 sẽ triển khai các
nội dung thí điểm tại quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiếp
tục triển khai xây dựng và hoàn thiện trung tâm quản lý các lĩnh vực,
xây dựng Trung tâm điều hành IOC và giải pháp kết nối, tích hợp thông
tin từ các lĩnh vực. Sau năm 2025 sẽ xây dựng hoàn thiện Trung tâm điều
hành IOC.
Trong khi đó, giai đoạn 2018-2020 sẽ xây dựng trung tâm mô phỏng dự báo
kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực
có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn
2015-2020 của thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành
ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan, đáp ứng yêu
cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo
thành phố. Từ năm 2021 trở đi sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát
triển đối với đến tất cả lĩnh vực thuộc Đề án đô thị thông minh nâng cao
khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết
định của lãnh đạo thành phố.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Lê Dương Lâm, Nhà sáng lập, Giám đốc Điều
hành Công ty cổ phần Crowbiz (Mỹ) cho rằng, xây dựng thành phố thông
minh phải có giao thông thông minh và đều phải sử dụng khoa học dữ liệu
và trí tuệ nhân tạo. Trong đó có thể ứng dụng nền tảng đám mây Google
(GCP), bigdata, tiền xử lý /phân tích dữ liệu thời gian thực hoặc dùng
apps, sms.
Còn theo đại diện Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đề xuất
xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC) nhằm tập trung tổng hợp và
phân tích thông tin, dữ liệu đa nguồn từ nhiều lĩnh vực để giám sát
quản lý và phân tích dự báo phục vụ quy hoạch phát triển. Có thể tích
hợp các thành phần như trung tâm ứng cứu khẩn cấp, tiếp nhận, cung cấp,
xử lý thông tin, dạng thông tin điều hành cho lãnh đạo thành phố…
Còn theo ông Martin Yates, Giám đốc Công nghệ thành phố kỹ thuật số,
Công ty Dell EMC ASEAN, những thành phố thông minh thành công đều có
chung chiến lược về bảo mật và chia sẻ dữ liệu chung. Với Tp. Hồ Chí
Minh, việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh là ưu tiên số 1 và
được thiết kế, lập kế hoạch triển khai vận hành trong hơn 10 năm.
Trong khi đó, ông Jeff Winbourne, Giám đốc Điều hành, Công ty tư vấn
Winbourne Consulting đề xuất mô hình hệ thống tiếp nhận và xử lý thông
tin khẩn cấp hợp nhất cho thành phố nhằm tăng cường đảm bảo an ninh trật
tự và an toàn cho người dân, du khách đến thành phố cũng như đóng góp
vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Muốn thực hiện thành công mô
hình này cần có quy trình vận hành trong công tác phối hợp giữa các đơn
vị liên quan nhằm đảm bảo việc tiếp nhận và điều phối, xử lý được triển
khai hiệu quả./.
Trần Xuân Tình (TTXVN)