Thứ Hai, 25/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Năm, 16/9/2021 10:29'(GMT+7)

Chuyện của những tài xế taxi công nghệ thời dịch bệnh COVID-19

Taxi công nghệ 'đắp chiếu,' dừng hoạt động chở khách. (Nguồn: TTXVN)

Taxi công nghệ 'đắp chiếu,' dừng hoạt động chở khách. (Nguồn: TTXVN)

Kể từ 0 giờ ngày 20/6, Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách.

Đến nay, đã gần 3 tháng “đóng băng," nhiều tài xế công nghệ đang như “ngồi trên đống lửa” khi không có thu nhập để thanh toán các khoản nợ vay mua xe trả góp.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và thông báo giãn cách kéo dài đến hết tháng Chín khiến cho anh Trần Trung Khánh, ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh lo lắng không yên.

Anh Khánh mua xe ôtô trả góp và làm nghề taxi công nghệ đã được hơn 3 năm. Mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu đến từ nguồn thu nhập này. Giờ đây, thu nhập chính của gia đình không có, chưa kể anh Khánh phải lo thêm khoản tiền vay mua xe trả góp hàng tháng.

Theo anh Khánh, dù thành phố tạm dừng hoạt động xe taxi công nghệ từ ngày 20/6 nhưng thực tế, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách đi xe đã giảm hẳn.

Gia đình cũng chỉ có thể gồng gánh chi tiêu và trả lãi vay từ tiền tích cóp tới tháng Bảy, sang đến tháng Tám, anh buộc phải vay mượn anh em, họ hàng để đóng khoản nợ vay ngân hàng.

“Dịch bệnh kéo dài gần 4 tháng nay, tôi có liên hệ với ngân hàng nhưng không được kéo giãn, lùi thời gian hay giảm lãi suất. Điều này thật sự là khó khăn cho cánh tài xế công nghệ mua ôtô trả góp như tôi. Nếu tình hình dịch cứ kéo dài, không biết phải làm thế nào nữa…," anh Khánh chia sẻ.

May mắn hơn, anh Nguyễn Văn Nhẹ, ở quận Bình Thạnh vay hơn 400 triệu đồng để mua chiếc xe Toyota 7 chỗ được Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cho giãn nợ, tạm ngưng thanh toán trong thời gian 3 tháng. Tuy nhiên, sang tháng thứ 4, anh phải trả gấp 2-3 lần để đảm bảo thời hạn hợp đồng như ban đầu đã ký kết.

Anh Nhẹ cho biết giải quyết được tình trạng trước mắt, nhưng khi kết thúc giãn cách thì ảnh hưởng của dịch vẫn còn dư âm kéo dài.

“Kiếm bữa ăn từ mấy tháng nay đã khó, thì việc kiếm một khoản tiền lớn để thanh toán nợ ngân hàng ngay sau khi hết dịch thật sự là thách đố không thể nào làm được. Thôi thì, trước mắt là như vậy, đến lúc đó sẽ tính tiếp hoặc đường cùng bán xe trả nợ cho ngân hàng," anh Nhẹ nặng nề chia sẻ.

Tương tự, nhiều chủ ôtô công nghệ mua xe trả góp từ vài năm trở lại đây cũng gần như bất lực đành giao số phận cho ngân hàng chờ đến hết dịch. Một số chủ xe đã chủ động, lau dọn sạch sẽ, chụp hình nội thất, trong ngoài rồi đưa lên mạng rao bán để giải ngân.

Anh Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ở quận 10 cũng không giấu được sự buồn bã cùng nỗi bức xúc khi nói lời chia tay với chiếc xe Toyota Innova đời 2019 của mình sau hơn 2 năm trả góp.

Mỗi tháng đều đặn anh Hùng góp 12 triệu đồng cho ngân hàng từ việc chạy xe công nghệ. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, xe nằm nhà hơn 4 tháng nay anh không còn khả năng chi trả.

“Tôi hỏi ngân hàng đang có khoản vay (có trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh ) về chính sách giãn nợ, giảm lãi suất, nhân viên nói không có chính sách đó. Hỏi ngân hàng có chia sẻ gì với khách hàng trong thời điểm dịch bệnh nhiều khó khăn thì họ trả lời, đó là chuyện của Nhà nước, còn vay thế nào thì trả thế ấy…," anh Hùng ấm ức cho biết.

Mới chạy hơn 60.000km, anh Hùng rao bán chiếc xe 620 triệu đồng kèm theo các phụ kiện trên xe, hộp đen, camera hành trình, áo ni theo xe và 4 lốp xe vừa mới thay… để thanh lý hợp đồng trước thời hạn và kiên quyết không “chơi” với ngân hàng này nữa.

Còn anh Bùi Văn Đông, ở huyện Hóc Môn gom góp được gần 200 triệu đồng rồi vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) mua chiếc Hyundai 4 chỗ trị giá hơn 400 triệu đồng. Mỗi tháng, anh Đông phải trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng bình quân khoảng 8,3 triệu đồng/tháng.

Theo kinh nghiệm chạy xe công nghệ, anh Đông cho biết, khi Nhà nước thu thuế doanh nghiệp thì doanh nghiệp “đè” lại tài xế tăng chi phí trên mỗi cuốc xe; đồng thời phải trả chi phí đổ xăng, dầu, thuế, hợp tác xã, bảo hiểm xe, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng… Do đó, mỗi ngày tài xế taxi công nghệ phải “chạy được” hơn 1 triệu đồng mới đủ chi phí trả nợ ngân hàng, đảm bảo cái ăn, cái mặc cho gia đình.

Gồng gánh được gần 3 năm, dịch bệnh khiến thu nhập giảm sút, anh Đông quyết định bán chiếc xe rồi gom góp tiền để thanh lý hợp đồng với ngân hàng trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi bán xe và tất toán với ngân hàng thì chỉ còn lại 70 triệu đồng.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Quý, ở quận Bình Thanh thì may mắn hơn khi ngay trước thời điểm dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã bán chiếc xe Toyota Fotuner được 780 triệu đồng sau khi trả góp tại ngân hàng gần 3 năm. Cộng, trừ tất cả suốt thời gian chạy xe công nghệ cùng với lãi suất ngân hàng và cả thanh lý trước thời hạn còn lãi được chút ít.

Chị Quý cho biết vay mua chiếc xe hơn một tỷ đồng, chạy cũng có đồng ra đồng vào sau khi trả góp ngân hàng hàng tháng. Bình quân mỗi tháng khi chưa có dịch mỗi tháng kiếm khoảng 20 triệu đồng. Nhưng từ khi dịch COVID-19 xâm nhập từ năm ngoái khiến gia đình một phen lao đao mấy tháng trời.

“Do vậy, sau Tết năm nay, thành phố bắt đầu xuất hiện một số ca F0 thì gia đình vội rao bán ngay, sợ “dính” thêm một đợt nữa thì “tiêu”. Cũng may, bán chiếc xe còn có lãi đôi chút, nhưng tôi nghĩ bán được trong dịp đó mới thật sự là may mắn lớn…," chị Quý chia sẻ.

Ghi nhận từ giới tài xế xe công nghệ cho thấy, rất nhiều trường hợp xảy ra như anh Nguyễn Thanh Hùng hay anh Trần Trung Khánh, anh Bùi Văn Đông trong thời điểm này... Thậm chí, nhiều người phải bán lỗ, thâm vốn hoặc chưa bán được phải chịu phạt do chậm đóng… kèm theo nhiều rủi ro khác về tài chính cho bản thân và gia đình. Nhiều người cho rằng, không mượn ai được thì tranh thủ bán xe để trả nợ ngân hàng. Thà chịu lỗ vẫn tốt hơn để ngân hàng thanh lý xe.

Có thể thấy, việc mua xe trả góp, tạo công ăn việc làm của nhiều người đang đi đúng hướng bỗng dưng lại thành “lợi bất cập hại” do dịch COVID-19. Lúc này, họ cần sự chia sẻ nhiều hơn từ phía các ngân hàng.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Đáng kể nhất là Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp đó là Thông tư 03 và mới đây nhất là Thông tư 14 ban hành ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01.

Theo quy định này, tổ chức tín dụng có trách nhiệm ban hành quy định nội bộ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong việc thực hiện các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, việc quy định phương thức làm việc trực tiếp hoặc phương thức khác thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Do đó, mỗi ngân hàng sẽ có một chính sách hỗ trợ riêng cho các nhóm khách hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết hiện dư nợ cho vay mua xe công nghệ ở Sacombank không nhiều.

Tuy nhiên, với diễn biến dịch kéo dài, các trường hợp khách hàng vay mua xe gặp khó khăn, không thể thanh toán các khoản nợ vay đến hạn phải trả và có đề xuất hỗ trợ cơ cấu, thì ngân hàng đều xem xét hỗ trợ theo nội dung Thông tư 01 và nay là Thông tư 14.

Do có liên quan đến các quy định pháp lý, nên hầu hết các ngân hàng không thể tự động cơ cấu lại nợ hay giảm lãi vay cho khách hàng mà cần có đề xuất của khách hàng.

Hiện nhiều tỉnh, thành đang phải áp dụng Chỉ thị 16 nên gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, nhưng khách hàng có thể tiếp cận thông qua các kênh giao dịch trực tuyến và liên hệ tổng đài ngân hàng để được hướng dẫn thực hiện hỗ trợ./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất