Thứ Năm, 12/12/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Năm, 16/9/2021 9:2'(GMT+7)

TP. HCM chuẩn bị kỹ cho điều kiện “bình thường mới,” phục hồi kinh tế

Dịch vụ ăn uống sẽ được tái khởi động tại các khu vực được công nhận vùng xanh ở TP.HCM. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Dịch vụ ăn uống sẽ được tái khởi động tại các khu vực được công nhận vùng xanh ở TP.HCM. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 86/ NQ-CP của Chính phủ, mặc dù toàn Thành phố Hồ Chí Minh chưa thể kiểm soát được dịch COVID-19 nhưng một số địa phương của thành phố đã khống chế được dịch bệnh.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đang đi đúng hướng, đạt nhiều kết quả ban đầu theo hướng kiểm soát được dịch bệnh. Phát huy những kết quả đã đạt được, thành phố tiếp tục đẩy nhanh phòng, chống dịch và chuẩn bị các phương án, nguồn lực để phục hồi kinh tế.

Thực hiện nhiều kế hoạch, chiến lược

Với sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và sự ủng hộ, hỗ trợ của người dân trong công tác bảo vệ, mở rộng "vùng xanh," kiểm soát và thu hẹp "vùng đỏ."

Đến nay, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có 3 quận, huyện gồm Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ cơ bản đạt tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Nhiều quận huyện đang tiến tới ngưỡng tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Trên 60% địa bàn dân cư, tổ dân phố đã trở thành “vùng xanh,” “cận xanh.” Tuy nhiên, trên phạm vi toàn thành phố thì chưa đạt, cần thêm một thời gian nữa. Lãnh đạo thành phố đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý để tiếp tục giãn cách đến hết tháng 9/2021.

Đây là khoảng thời gian để thành phố kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị các giải pháp để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục, phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị lần thứ 8 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI tổ chức chiều 14/9, sau khi nghe Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố trình bày tờ trình về kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9/2021, Thành ủy thành phố đã thống nhất thực hiện nhiều nội dung chiến lược phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế thành phố sau ngày 15/9 với nhiều kế hoạch, chiến lược về y tế, giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa-lương thực-thực phẩm, bảo đảm các vấn đề xã hội cho nhân dân, huy động các nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe tinh thần, chiến lược truyền thông, chiến lược đối ngoại.

Trong các kế hoạch, chiến lược nói trên, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, chiến lược trung tâm nhất là về y tế và cần đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, thực trạng hệ thống tổ chức đến đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế hoạt động từ cơ sở đến tuyến trên và Trung tâm cấp cứu 115.

Đồng thời cần nêu lên đặc điểm dân cư, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe, đặc điểm hệ thống y tế cơ sở của từng khu vực để áp dụng phương án hợp lý. Trước mắt, thành phố cần tạo ra một cơ chế cho tất cả người dân đều có thể tiếp cận hệ thống y tế thuận tiện, công bằng.

Các phòng khám tư, bệnh viện, trạm xá, nhà thuốc chuyên chăm sóc cho những F0 cần được mở cửa hoạt động nhanh nhất có thể. Thành phố cần có kế hoạch tăng cường, hỗ trợ, chia sẻ với các bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Đối với chiến lược an sinh xã hội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên lưu ý, trong thời gian qua còn nhiều thắc mắc, khiếu nại, đề xuất của người dân mà chưa được thực hiện.

Trong bối cảnh Thành phố đang ở tình thế cấp bách trong phòng, chống dịch, các cơ quan nghiên cứu và tham mưu khi đưa ra các giải pháp đặt trong tình thế đặc biệt này cần có sự linh hoạt, không cứng nhắc, đặc biệt là không vòng vo, chậm chễ.

Tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Trong đợt hỗ trợ lần sau phát sinh nhiều đối tượng nên càng phải có tiêu chí rõ ràng, phù hợp với tình hình, để bên dưới dễ triển khai. Cùng đó, rà soát, lên danh sách và có hội đồng kiểm duyệt danh sách, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Để sớm đạt được tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch sớm nhất có thể trên địa bàn theo Quyết định 3979 ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế.

Lãnh đạo các quận, huyện tiếp tục rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ được giao, đánh giá và vẽ lại bản đồ COVID-19, bản đồ vaccine, bản đồ an sinh.

Các địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh để xác định nhiệm vụ trọng tâm sau ngày 15/9; đồng thời, trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch.

Các xã, phường, thị trấn tiếp tục kiện toàn củng cố lực lượng, nắm chắc tình hình dân cư và dịch bệnh trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động thuyết phục, yêu cầu người dân không lơ là, nêu cao cảnh giác, phòng, chống dịch mọi lúc, mọi nơi và chuẩn bị tâm thế thay đổi thói quen, lối sống để thích nghi với tình hình mới.

Từng bước mở cửa kinh tế

Định hướng công tác khôi phục, mở cửa kinh tế sau ngày 15/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết khi tình hình cơ bản được kiểm soát, nguy cơ đã giảm dần, thành phố sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch, chiến lược để phù hợp với tình hình, từng bước mở cửa nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Đối chiếu với Quyết định số 3979/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì chỉ có 3 địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đáp ứng mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh, những địa phương còn lại phải tiếp tục phấn đấu thêm một thời gian nữa.

Thành phố đã xin ý kiến Thủ tướng và được thống nhất sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa (đến ngày 30/9). Thành phố vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thí điểm chọn huyện Cần Giờ, Củ Chi, Quận 7, trong đó có một số khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện được tiến hành hoạt động sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, khó có thể “quét sạch F0” trong một thời gian nhất định trên một địa phương, một địa bàn lớn có đặc điểm phức tạp như Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt cũng không thể kéo dài đến quá sức chịu đựng của người dân và nền kinh tế. Vì thế, thành phố sẽ thí điểm nới lỏng, mở cửa ở một số nơi an toàn trước với tinh thần tuyệt đối không chủ quan, không nôn nóng, triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn. Nơi nào an toàn sẽ nới lỏng dần; từng bước khôi phục hoạt động “bình thường mới” ở từng lĩnh vực.

Về các kế hoạch cụ thể khôi phục kinh tế sau ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết từ nay đến cuối tháng 9/2021, thành phố củng cố các kết quả, tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 để đạt tỷ lệ người dân được tiêm mũi 1 cao nhất; tăng tốc tiêm mũi 2 để đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine. Đây là điều kiện để thành phố nhanh chóng mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội.

Cùng với đó, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân, đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa mở cửa, phục hồi kinh tế.

Thành phố tiếp tục thí điểm mở rộng một số dịch vụ an toàn để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp như sản xuất thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, giao hàng, phân phối, vận tải, logistics, viễn thông, báo chí, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dịch vụ công ích.

Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, thành phố sẽ thực hiện lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó giai đoạn 1 từ ngày 1/10/2021-31/10/2021, giai đoạn 2 từ ngày 1/11/2021-15/1/2022, giai đoạn 3 sau ngày 15/1/2022.

Tất cả các giai đoạn được triển khai tùy thuộc vào tình hình cụ thể của dịch bệnh. Trong đó, giai đoạn đầu, thành phố từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm Thẻ xanh COVID, Thẻ vàng COVID, thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại “vùng xanh” gồm Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.

Những kế hoạch, chiến lược cụ thể đang được Ủy ban Nhân dân thành phố hoàn thiện, tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp... để sớm hoàn thành, ban hành, áp dụng trong thời gian sớm nhất.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thành phố và đời sống người dân trong suốt hơn 3 tháng qua. Diễn biến dịch bệnh còn hết sức phức tạp, khó lường nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự chỉ đạo và hỗ trợ sát sao từ Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương, sự đồng lòng chia sẻ, tham gia của người dân, những kết quả ban đầu mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được là điều không thể phủ nhận.

Mặc dù toàn thành phố chưa thể kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đưa ra nhưng công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố đang chuyển biến tích cực. Người dân đang mong đợi, khát khao một ngày gần nhất thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới” để ổn định sản xuất và phục hồi kinh tế./.

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất