Với TelePrEP, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin.
Ngày 27/9, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển khai thí điểm Mô hình dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP) nhằm cung cấp thêm dịch vụ giúp giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Mô hình dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa là một trong những hoạt động nhằm tiến tới hoàn thành mục tiêu 95-95-95 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2025.
Tại buổi triển khai, bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vào tháng 3/2017 với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV là chiến lược điều trị dự phòng dành cho những người chưa nhiễm HIV, biện pháp này có khả năng giảm nguy cơ lây nhiễm tới 90%.
Kết quả thí điểm cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), chuyển giới và bạn tình dị nhiễm. Đến cuối tháng 6/2022, thành phố đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công và tư. Từ khi triển khai, chương trình đã điều trị lũy tích cho 23.587 khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP, trong đó khách hàng là nhóm MSM chiếm 83%.
Thực tế thời gian qua cho thấy do tác động của dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV nói chung và khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP nói riêng không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Ngoài ra vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử, không những với người nhiễm HIV mà còn trên nhóm người sử dụng PrEP, nhóm đối tượng MSM và nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, dẫn đến tình trạng nhóm này ngại đến cơ sở y tế nhận dịch vụ liên quan đến dự phòng lây nhiễm HIV.
Do đó, từ ngày 1/8/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn 11/33 cơ sở đang cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để triển khai thí điểm điều trị PrEP từ xa với 60 khách hàng đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức TelePrEP.
Theo hình thức này, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám, bác sỹ, khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện khám, tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Việc cấp phát thuốc cho khách hàng sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển, khách hàng không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.
Với mô hình này, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin.
Bà Đoàn Thị Thùy Linh, Phó Trưởng phòng điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhìn nhận việc triển khai mô hình dự phòng trước phơi nhiễm từ xa (TelePrEP) là có thêm một sự lựa chọn về hình thức nhận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; giảm tải cho cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị PrEP, tăng độ bao phủ, tăng số lượng khách hàng sử dụng PrEP.
Đặc biệt, TelePrEP triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp khách hàng đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố không có dự án có thể được sử dụng PrEP. Những biện pháp này giúp khách hàng dễ dàng tiếp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030 tại Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong bảy địa phương được Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các tổ chức quốc tế chọn đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình, 95% người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus và 95% người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tính đến ngày 30/6/2022, thành phố đã đạt tỷ lệ 94-91-99./.
Đinh Hằng (TTXVN/Vietnam+)