Với nhu cầu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Thành phố Hồ Chí Minh
đã có quyết định thí điểm dùng ngân sách trả lương lên tới 150 triệu
đồng/tháng cho các chuyên gia đầu ngành khoa học công nghệ kể từ năm
2015.
Đây là một “cơ chế mở” để thành phố thu hút nhân tài cho việc phát triển
khoa học công nghệ, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của
thành phố. Theo nhiều chuyên gia, đây mới là bước “khởi điểm” vì ngoài
mức lương, cần có những cơ chế phù hợp để thu hút nhân tài.
Bước đột phá thu hút nhân tài
Theo Quyết định 5715 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các
chuyên gia khoa học công nghệ trong nước và người gốc Việt Nam ở nước
ngoài, khi vào làm việc tại 4 đơn vị gồm Khu Công nghệ cao, Khu Nông
nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán, Trung tâm
Công nghệ Sinh học, ngoài các chế độ ưu đãi về nhà ở, đi lại, thuế thu
nhập… sẽ được hưởng mức lương theo thỏa thuận với đơn vị, có thể lên tới
150 triệu đồng/ tháng.
Ứng viên là các chuyên gia có trình độ tiến sỹ và chuyên ngành đào tạo
phù hợp với hoạt động của từng đơn vị, có công trình nghiên cứu được
công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới
(các tạp chí do Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI xếp hạng), sáng chế
được công nhận, có công trình nghiên cứu được ứng dụng trong các lĩnh
vực phù hợp.
Các trường hợp trình độ chưa là tiến sỹ (cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ) thì
phải có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc
đã được nghiệm thu, hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao,
hoặc có chuyên môn sâu; có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, ươm tạo, tư
vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, vận
hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo sản phẩm thuộc
lĩnh vực công nghệ cao.
Với kinh nghiệm gần 30 năm làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực công
nghiệp điện tử, giáo sư-tiến sỹ khoa học Đặng Lương Mô (Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh) đã trở về Việt Nam và là người đặt nền móng cho
ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam hiện nay.
Đánh giá về mức lương mà Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành, ông Đặng
Lương Mô cho rằng đây là chương trình thí điểm tuyệt vời, giúp thu hút
các chuyên gia để phát triển các ngành khoa học công nghệ cao. Mức thù
lao 150 triệu đồng/tháng là tương xứng với công sức của các chuyên gia
giỏi, nhất là những người từ nước ngoài về Việt Nam làm việc.
Tuy vậy, thu nhập chỉ là một phần để thu hút chuyên gia, ngoài yêu tố
này cần phải chú ý đến cơ chế làm việc, cách đối xử với họ. Đơn cử như
chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước họ đã phải thay đổi
môi trường sống, các ứng xử, giao tiếp… nên cần phải có cách đối xử phù
hợp để giữ chân họ.
Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học cho biết, hiện
Trung tâm đã có một chuyên gia đạt “tiêu chí” này là tiến sỹ Nguyễn Quốc
Bình, người đã bỏ công việc tốt tại Canada để về Việt Nam giúp phát
triển ngành công nghệ sinh học và đào tạo nhân lực cho ngành này.
Với mức lương hiện tại (khoảng 25 triệu đồng/tháng), dù cao hơn nhiều so
với nhân viên khác trong trung tâm, nhưng vẫn chưa tương xứng với đóng
góp của một chuyên gia đầu ngành. Do vậy, chính sách mới của thành phố
sẽ giúp Trung tâm dễ thu hút các chuyên gia giỏi để phát triển thành
trung tâm ngang tầm với quốc tế.
Là đơn vị đã được Thành phố Hồ Chí Minh tạo cơ chế thu hút chuyên gia
trước đây (nhưng với mức lương trần thấp hơn), nên Ban quản lý Khu Công
nghệ cao Thành phố hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn trong vấn đề này.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho
biết, trước đây mức lương trần thấp nên chưa thu hút được nhiều chuyên
gia giỏi.
Hơn nữa, các chuyên gia phải làm việc “toàn thời gian,” đây chính là một
điểm khó để thu hút họ. Các chuyên gia này chỉ muốn làm việc “bán thời
gian,” miễn sao công việc hiệu quả và có sản phẩm tốt, chất lượng cao.
Với quy chế mới, ký hợp đồng theo thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học
công nghệ, sẽ giúp tháo gỡ “nút thắt” lâu nay. Ban quản lý sẽ chủ động
hơn khi thu hút chuyên gia trong các hợp phần dự án, với mức thu nhập
tương xứng cho những đóng góp của họ. Dự kiến thời gian tới sẽ có nhiều
chuyên gia giỏi đến làm việc tại Khu công nghệ cao khi chính sách này
được áp dung.
Cùng quan điểm trên, ông Dương Hoa Xô cho rằng, công việc “thời vụ” sẽ
giúp thu hút chuyên gia giỏi từ nước ngoài về Việt Nam làm việc hơn.
Hiện trung tâm đã mời một chuyên gia là Việt kiều Australia rất giỏi
trong lĩnh vực công nghệ nano về hỗ trợ Trung tâm theo kiểu “bán thời
gian,” mỗi năm về làm việc khoảng 2-3 tháng.
Quan tâm đến nhân lực tại chỗ
Với chính sách mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện rất thuận lợi
trong việc thu hút chuyên gia giỏi. Nhưng bên cạnh các chuyên gia giỏi,
các trung tâm vẫn cần phải có một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình
độ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu.
Hiện Trung tâm Công nghệ Sinh học có hơn 150 cán bộ, nhân viên, trong đó có khoảng 100 người trực tiếp làm công tác nghiên cứu.
Ông Dương Hoa Xô cho rằng chính sách của Thành phố tuy tốt, nhưng chủ
yếu áp dụng cho chuyên gia, khó áp dụng cho cán bộ khoa học đang làm
việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước. Trong khi đây chính là lực
lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển trung tâm.
Chuyên gia thì đương nhiên phải mời gọi, nhưng chắc chắn số lượng không
nhiều, chỉ khoảng 2-3 người. Vì vậy cần có “cơ chế mở” giúp cán bộ khoa
học, nhất là lực lượng trẻ, có mức thu nhập phù hợp để ổn định cuộc
sống. Có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài, giúp nghiên cứu
và phát triển khoa học công nghệ bền vững.
Hiện trung tâm có nhiều tiến sỹ, thạc sỹ, cùng với đó là lực lượng trẻ
đang được đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ trong và ngoài nước. Liệu đây có được
xem là chuyên gia hay chỉ là cán bộ công chức, hưởng lương theo ngạch
lương Nhà nước? Do đó, cần phải có chính sách phù hợp với lực lượng này.
Việc thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ cũng đang
được các đơn vị rất chú trọng nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, hoạt
động sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư.
Qua đánh giá của Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay nguồn
nhân lực của các doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ
trong khu có chất lượng khá tốt.
Các doanh nghiệp này có khoảng 40% lao động trình độ từ cao đẳng, đại
học trở lên, thậm chí nhiều doanh nghiệp đạt khoảng 70%. Nhưng một số
doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, khi
chỉ có khoảng 20-25% lao động có trình độ cao đẳng, đại học.
Ông Lê Hoài Quốc cho biết, trong thời gian tới Ban quản lý Khu Công nghệ
cao sẽ tăng cường phối hợp vối các doanh nghiệp để đào tạo, nâng cao
chuyên môn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thu hút nguồn nhân lực chất
lượng cao.
Với định hướng trên, Ban quản lý Khu Công nghệ cao vừa ký thỏa thuận hợp
tác với Công ty FabMax B.V (Hà Lan) về hợp tác triển khai đào tạo nguồn
nhân lực vi mạch bán dẫn, dưới sự tài trợ của Chính phủ Hà Lan.
Thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch
bán dẫn ở Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các chương trình đào tạo nhân
lực, những hoạt động khác có liên quan từ đối tác Hà Lan.
Cơ chế mở để thu hút chuyên gia giỏi vào làm việc tại 4 trung tâm khoa
học công nghệ cao của Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt được sự đồng
thuận từ các nhà quản lý và các chuyên gia. Song Thành phố cần có thêm
“cơ chế” để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, trong
lĩnh vực được xem là động lực phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố./.
Vũ Tiến Lực (TTXVN)