Thực phẩm bẩn hoành hành khắp nơi
Những năm gần đây, vấn nạn thực phẩm bẩn không chỉ là nỗi lo của người tiêu dùng mà còn khiến các cơ quan chức năng đau đầu tìm hướng giải quyết. Thực phẩm bẩn đã vượt quá mức an toàn theo các tiêu chí kỹ thuật, tác động xấu tới sức khỏe của người tiêu dùng, trở thành vấn nạn của quốc gia.Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát và mạnh tay xử lý đối với những trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, nhưng thực phẩm bẩn tiếp tục tràn vào bữa ăn của mỗi gia đình. Thực tế cho thấy, thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở các chợ, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín, nơi người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Điều đó khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch.
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Cảnh sát môi trường Trung ương và địa phương đã phát hiện, xử lý 3.263 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 24 tỷ đồng, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan điều tra khởi tố 4 vụ. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao chúng ta đã hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này, như: Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Luật Bảo vệ người tiêu dùng… và các cơ quan chức năng luôn khẳng định đã làm tốt trong lĩnh vực vệ sinh, ATTP, thế nhưng, thực phẩm bẩn vẫn tồn tại, người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với thực tế là không thể biết chính xác chất lượng các sản phẩm mình đang sử dụng hằng ngày có bảo đảm vệ sinh, ATTP hay không?
Theo Tiến sĩ Lê Văn Giang, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế: “Chúng ta đã quy định rất rõ trách nhiệm cho từng đơn vị phụ trách. Tuy nhiên, không dễ để một đơn vị quản lý từ A đến Z được vì tính đa dạng của các sản phẩm. Khi gặp sự giao thoa trách nhiệm giữa các đơn vị thì cần phải có phân công cụ thể để tránh chồng chéo”.
Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng: Chúng ta làm chưa hiệu quả bởi vì chúng ta làm chưa khoa học, sai lầm của chúng ta là không quản lý ở khâu sản xuất mà lại đi quản lý ở khâu bán lẻ.
Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình
Trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang tràn ngập khắp nơi, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như hiện nay đã tạo áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng hóa nội địa mà còn đối với các mặt hàng xuất khẩu. Gần đây, Liên minh châu Âu đã trả lại hàng loạt các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam vào thị trường này do không bảo đảm vệ sinh ATTP. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải là những đơn vị tiên phong trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm của đơn vị mình. Ông Vũ Doãn Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hà Nội Food Việt Nam, một trong số ít những công ty đã tạo được thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng trong thời gian qua, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về cách làm của công ty mình: “Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, ngay từ khi thành lập, Công ty Cổ phần Hà Nội Food Việt Nam đã nhìn nhận vấn đề ATTP rất bức thiết. Chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất để tự mình kiểm soát được các khâu. Theo tôi, muốn có thực phẩm sạch, chiếm được sự tin yêu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau tạo thành chuỗi cung ứng và xây dựng được “luật chơi” trong chuỗi đó”.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Giang cho rằng, cần phải tổ chức sản xuất, chế biến theo hình thức tổ đội, hợp tác xã để tạo ra thương hiệu. Từ đó, mỗi thành viên trong tổ chức sản xuất phải kiểm soát lẫn nhau. Chỉ có cách đó mới đủ tai, mắt để kiểm soát tất cả các đầu ra. Doanh nghiệp nào làm không tốt sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi sản xuất. Cần phải quy trách nhiệm một cách triệt để cho đơn vị cung cấp sản phẩm. Doanh nghiệp phải làm đúng như những gì mình cam kết và phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việc xử phạt là cần thiết và cần mạnh tay hơn nữa đối với hành vi được xem là "giết người hàng loạt" này. Tuy nhiên, việc làm đó phải đi liền với công tác tuyên truyền trên phương diện đạo đức con người. Chỉ khi bản thân mỗi người chúng ta ý thức và hiểu rõ mối nguy hại của thực phẩm bẩn thì vấn đề này mới được giải quyết triệt để”.
Được biết, ở những quốc gia như Nhật Bản, người ta quy trách nhiệm cụ thể đến mức một người nông dân cũng dám chịu trách nhiệm đến mớ rau thơm mà họ bán ra dọc đường bằng mã số riêng của họ. Đó là kỷ luật thị trường rất nhân văn mà ở Việt Nam ta chưa làm được. Đã đến lúc chúng ta cần học tập văn hóa và cách quản lý của nước bạn để thực phẩm bẩn không còn là nỗi lo thường trực của mỗi người dân.
Bài và ảnh: VĂN THI