Thứ Năm, 10/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 31/12/2014 14:25'(GMT+7)

Trách nhiệm, nhân văn, vững vàng trước mọi thử thách vì một nền báo chí cách mạng

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Dự Hội nghị có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân dân. Gần 600 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí; các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; Ban Tuyên giáo các Tỉnh, Thành ủy; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí ở Trung ương đã về dự Hội nghị.

Hội nghị đã nghe Báo cáo công tác năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam. Nhiều tham luận, ý kiến được đại biểu trình bày tại Hội nghị đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí và hoạt động báo chí năm vừa qua. Đồng thời, thảo luận, nêu ý kiến xung quanh vấn đề nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu về công tác báo chí trong bối cảnh báo chí điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân trên internet phát triển mạnh với nhiều biểu hiện phức tạp gây ra những khó khăn và thách thức to lớn; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của cơ quan báo chí, chỉ đạo nội dung thông tin; vai trò, vị trí, trách nhiệm của ban biên tập, ban giám đốc các đài PTTH.  
 
 
 Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu chỉ đạo

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến dự và phát biểu chỉ đạo, ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp quan trọng của báo chí trong năm qua.

Nhìn chung, báo chí đã bám sát định hướng chính trị tư tưởng, tích cực, chủ động và có nhiều sáng tạo trong thông tin, tuyên truyền, tập trung cho mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; tuyên truyền về phát triển văn hóa thông qua việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, góp phần xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tuyên truyền về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Báo chí tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực; phát hiện, đưa ra công luận, để các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước xử lý nghiêm nhiều vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội; khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… 

Báo chí đã đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh dư luận, đấu tranh phản đối việc làm vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đưa Giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước ta; nêu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; cổ vũ, động viên, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh đoàn kết quốc tế, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng định truyền thống và khát vọng yêu chuộng hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, giữ gìn quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo chí cũng còn một số khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục như một số cơ quan báo chí còn xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ chủ yếu chạy theo lối làm báo thiếu chuyên nghiệp, giật gân câu khách; thông tin sai sự thật, thiếu tính xây dựng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh đất nước, xã hội, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; công tác chỉ đạo, định hướng, xử lý thông tin trong một số trường hợp chưa thực sự nhạy bén; công tác quy hoạch báo chí chưa đảm bảo tiến độ; nhiều cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí chưa thật sự làm tốt việc chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, phóng viên; chưa quan tâm đầy đủ công tác quy hoạch cán bộ… Một số lãnh đạo cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí chưa đề cao trách nhiệm, nhiều cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, non yếu về năng lực quản lý, để cơ quan báo chí mình yếu kém, sai phạm, nhưng thiếu biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Hầu hết những hạn chế, thiếu sót này đã được phát hiện, phân tích, đề ra các giải pháp khắc phục nhưng vẫn tồn tại kéo dài, gây hệ quả xấu về mặt văn hóa, xã hội.

Quyết liệt công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực báo chí


Hiện nay, cả nước ta có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo trung ương, 113 báo địa phương), 646 tạp chí (513 tạp chí trung ương, 133 tạp chí địa phương, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo, tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh – truyền hình (180 kênh PTTH, trong đó 105 kênh là chương trình truyền hình quảng bá, 75 kênh chương trình phát thanh quảng bá, 75 kênh là chương trình truyền hình trả tiền).
Đến tháng 12/2014, cả nước có gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ Nhà báo và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí chưa đủ điều kiện cấp thẻ.

Báo cáo tổng kết do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trình bày tại Hội nghị đã nhấn mạnh, năm 2014, các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân; góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, báo chí cũng còn không ít những  hạn chế, khuyết điểm được báo cáo nêu rõ. Đó là, khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chưa được khắc phục. Một số cơ quan báo chí đăng, phát các thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm phương hại đến lợi ích đất nước. …

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm vừa qua, Bộ đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí. Tính đến tháng 12 năm 2014, các lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ đã xử lý 71 trường hợp vi phạm, phạt tiền 68 trường hợp với số tiền là hơn 1,5 tỷ đồng. Bộ cũng đã thu hồi giấy phép, thu hồi thẻ nhà báo của một số ấn phẩm. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục thanh tra, rà soát và xem xét xử lý một số cơ quan báo chí có sai phạm.

Bộ Thông tin Truyền thông cũng cho biết cho đến tháng 12/204, Bộ đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống báo chí trình Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị báo cáo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015-2020. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí 1999 và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2015. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng mới hoặc rà soát, sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh kịp thời những phát sinh trong thực tiễn.

Phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, năm 2015, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Tình hình trong nước bên cạnh những thuận lợi, cũng còn nhiều  khó khăn, thách thức.

Để tạo bước đột phá trong việc phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu cao. Đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý, với trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình, công tác báo chí cần tập trung làm tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền tốt hơn nữa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, phát triển văn hóa – xã hội, về đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo không khí phấn chấn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm 2015 của báo chí, trong đó, chú trọng việc tập hợp, phản ánh ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng; tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta hướng về Đại hội, thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; đồng thời chủ động, kiên quyết đấu tranh với những thông tin xấu độc trên mạng internet do các thế lực thù địch, phản động tung ra hòng chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân, chống phá Đại hội Đảng.

Ba là, tuyên truyền các sự kiện, các ngày lễ lớn của đất nước: 85 năm Ngày thành lập Đảng; 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 40 năm Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và các sự kiện, các ngày kỷ niệm quan trọng khác.

Bốn là, tạo chuyển biến thực sự trong việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm của báo chí; thực hiện quyết liệt hơn việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, gắn với rà soát quy hoạch báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý gắn với xây dựng, hoàn thiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, nhất là đối với các trang thông tin điện tử, các phương tiện truyền thông, dịch vụ trên internet; chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Sáu là, thực hiện tốt việc chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên, phóng viên báo chí một cách căn bản, toàn diện, cả về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh tán thành với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Báo cáo Tổng kết, đồng thời đề nghị, trong năm 2015, công tác báo chí cần tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

Thứ nhất, những người làm công tác báo chí cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Phải thấy rõ, nền báo chí cách mạng do Bác Hồ sáng lập là bộ phận của công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, có sứ mệnh cao cả cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong tình hình hiện nay, việc quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tính chất của nền báo chí cách mạng giúp những người làm báo vững vàng trước mọi thử thách; tránh được sự mơ hồ; phát huy được vai trò định hướng dư luận; đồng thời, nhận thức rõ hơn bản chất thực của cái gọi là “tự do báo chí, tự do ngôn luận” kiểu phương Tây mà một một số người đang lợi dụng nhằm vu cáo, xuyên tạc, kích động nhằm hạ uy tín nền báo chí cách mạng và lôi kéo những người làm báo xa rời sứ mệnh chính trị của mình.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cho rằng, để thực hiện được yêu cầu nêu trên, những người làm báo cần không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước và gắn bó máu thịt với nhân dân, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí thấm đẫm tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn

Thứ hai, báo chí cần tập trung tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 với mục tiêu là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014; phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng lãng phí. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, các cơ quan báo chí cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của toàn Đảng và hệ thống chính trị trong năm 2015. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong năm của công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng nói chung và báo chí nói riêng. Công tác tuyên truyền cần đi trước một bước. Kế hoạch tuyên truyền cần bài bản, chú trọng tính hiệu quả. Nội dung tuyên truyền vừa bảo đảm yêu cầu toàn diện, vừa có trọng tâm, trong đó, cần thực hiện thật tốt việc tập hợp, phản ảnh ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào dự thảo các văn kiện đại hội đảng các cấp, đặc biệt là văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đồng thời chủ động, tích cực đấu tranh phản bác những thông tin luận điệu, sai trái của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta, chống phá Đại hội Đảng của chúng ta. Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng trong xử lý thông tin, nhất là  phải nhạy bén chính trị, chặn lọc những thông tin xấu độc, động cơ đen tối, gây nhiễu, ảnh hưởng xấu đến nhận thức và dư luận xã hội.

Thứ tư, trong năm qua, nhất là những tháng cuối năm, các cơ quan chỉ đạo, quản lý đã thực hiện tốt hơn công tác rà soát, kiểm tra việc thực hiện định hướng chính trị tư tưởng, thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí; xử lý kiên quyết các trường hợp sai phạm. Công việc này cần được tiếp tục phát huy trong năm 2015 gắn với rà soát, xây dựng quy hoạch báo chí. Đồng thời các cơ quan chủ quản cần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách của mình. Các cơ quan báo chí và từng nhà báo cũng cần thể hiện rõ nét tinh thần cầu thị, thật sự quyết tâm sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm. Chỉ với sự vào cuộc một cách đồng bộ, tự giác mới có thể khắc phục cơ bản những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm kéo dài trong nhiều năm, tác động tiêu cực đến xã hội, khiến công chúng bức xúc, làm tổn hại uy tín của nền báo chí cách mạng.

Thứ năm, năm 2014 và những năm qua, sự phát triển mạnh mẽ kéo theo sự tác động, cả tích cực và tiêu cực của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet. Năm 2015 và những năm tiếp theo, chắc chắn, loại hình truyền thông mới, giàu tiềm năng này sẽ gia tăng hơn nữa ảnh hưởng đối với xã hội và sức cạnh tranh với báo chí cả về thông tin, tài chính, nhân lực, công chúng. Để tiếp tục khẳng định vị thế, chiếm lĩnh được công chúng và giữ vững được chức năng định hướng dư luận, không còn cách nào khác, báo chí, tự mình, phải đổi mới, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn, hiệu quả thông tin. Thách thức và cũng là đòi hỏi đặt ra là: báo chí phải xử lý thật tốt mối quan hệ giữa việc đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng với bảo đảm định hướng chính trị tư tưởng của nội dung thông tin. Muốn vậy, cơ quan chỉ đạo, quản lý cũng như các cơ quan báo chí, các nhà báo đều phải nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới cả về phương thức, chỉ đạo, quản lý và tác nghiệp báo chí đưa đến công chúng những thông tin và kiến giải chuẩn xác, nhanh, sinh động, hấp dẫn và đầy tinh thần trách nhiệm.

Thứ sáu, các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan báo chí cũng cần tiếp tục xây dựng, bổ sung chính sách, pháp luật và sửa đổi Luật báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí hoạt động thuận lợi hơn, cả về tác nghiệp, mô hình hoạt động, thông tin, tuyên truyền, tạo nguồn thu tài chính… cũng như nhiều vấn đề mới đã và đang đặt ra trong thực tiễn đời sống báo chí. 

PV


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất