Mục đích cao nhất của việc thi hành kỷ luật Đảng chính là điều kiện để giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận ra khuyết điểm để phấn đấu, sửa chữa; đồng thời đó cũng lời lời cảnh báo, cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên khác. Tuy nhiên, những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm; động cơ phấn đấu không trong sáng, vụ lợi thì Đảng sẽ kiên quyết xử lý, loại khỏi đội ngũ.
Chỉ trong một ngày cuối tháng bảy, 3 sự kiện, sự việc, sự vụ diễn ra thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đó là Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với việc công bố nhiều số liệu về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện công tác này của Ban Chỉ đạo trong những tháng còn lại của năm 2017.
Đó là việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết quả Kỳ họp 16, với rất nhiều nội dung liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm. Và đó là thông tin bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) để đầu thú sau gần 1 năm lẩn trốn. Suốt mấy ngày qua, 3 vấn đề nêu trên không chỉ là đề tài rất thời sự trong đời sống báo chí, mà còn là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Dư luận xã hội quan tâm không chỉ đơn thuần nội dung của từng sự kiện, sự việc, sự vụ, mà vấn đề quan trọng là thể hiện rất rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực, lãng phí ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Có thể thấy rất rõ, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã không còn trường hợp ngoại lệ; không còn tái diễn tình trạng “trên nhẹ, dưới nặng” và cũng không còn hiện tượng “hạ cánh an toàn”. Mọi cán bộ, đảng viên, dù đảm nhiệm cương vị, chức vụ gì, nếu vi phạm khuyết điểm đều được tổ chức, cơ quan, đơn vị xem xét, xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, của pháp luật. Tuy mới chỉ là kết quả bước đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhưng đã phần nào củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ và phức tạp này.
Không phải tự nhiên để có được những kết quả ấy, mà tất cả bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn, kịp thời, kiên quyết và nhất quán của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của từng đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương. Đó còn là kết quả của việc phát huy cao độ vai trò của báo chí, truyền thông và các cơ quan chức năng Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; là sự đồng lòng, chung sức, bằng sự ủng hộ nhiệt tình, trách nhiệm của nhân dân...
Hơn 87 năm qua kể từ ngày thành lập, mục tiêu và giải pháp xuyên suốt về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh của Đảng ta là vừa thực hiện nghiêm những nguyên tắc cơ bản, vừa thể hiện rõ tình yêu thương đồng chí, đồng đội. Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, mỗi lần có cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý là mỗi lần tổ chức đảng và những cán bộ, đảng viên chân chính thấy thực sự đau xót. Bởi mục đích cao nhất của việc thi hành kỷ luật Đảng chính là điều kiện để giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhìn nhận ra khuyết điểm để phấn đấu, sửa chữa; đồng thời đó cũng lời lời cảnh báo, cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên khác. Tuy nhiên, những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm; động cơ phấn đấu không trong sáng, vụ lợi thì Đảng sẽ kiên quyết xử lý, loại khỏi đội ngũ. Thực thi kỷ luật Đảng nghiêm minh không làm cho Đảng yếu đi mà càng làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn./.
Nguyễn Tấn Tuân (Báo QĐND)