Tác giả An Huy trong bài viết với tựa đề “Nhà báo - hãy là điểm tựa vững chắc của niềm tin” đăng trên Nhà báo và Công luận đã viết: “Một bậc thầy lão luyện trong nghề báo từng bảo tôi rằng: Đẳng cấp của một nhà báo không phải là viết nhiều hay viết ít mà chính ở trách nhiệm với xã hội”. Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Trần Bạch Đằng không chỉ là một nhà báo đầy trách nhiệm với xã hội mà ông còn viết rất nhiều ở mọi thể loại khác nhau.
Khi nói đến Trần Bạch Đằng, người ta nghĩ ngay đến một nhà cách mạng từng trải qua nhiều trọng trách, có nhiều công lao. Trên lĩnh vực báo chí, văn chương, hầu như ở thể loại nào ông cũng gặt hái được những thành công lớn từ văn chương, thơ, kịch v.v… Trong đó, lĩnh vực báo chí ông đã gắn bó từ buổi đầu tham gia cách mạng đến khi qua đời.
Trần Bạch Đằng tham gia cách mạng từ khi 17 tuổi. Năm 1946, ở tuổi 20, ông được giao phụ trách tờ “Chống Xâm Lăng” của Thành ủy Sài Gòn. Năm 1951, ông làm tổng biên tập báo “Nhân Dân Miền Nam” của Xứ ủy Nam Bộ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của ông đều gắn với tuyên huấn và báo chí. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông là một trong những người viết báo khỏe nhất, chuyên nghiệp nhất dù ông chưa bao giờ tự nhận mình là nhà báo. Có ngày, trên các báo xuất hiện tới 4 bài viết của ông. Nhà báo Lê Phú Khải từng đặt ra câu hỏi về vấn đề này trong bài viết “Tác giả Trần Bạch Đằng viết báo như thế nào?”. Ông viết: “Tham gia một số khóa đào tạo phóng viên cũng như các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngắn hạn do Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh mở, tôi thường nhận được câu hỏi: "Làm thế nào mà ông Trần Bạch Đằng lại có thể viết được nhiều bài báo cùng một lúc trên nhiều tờ báo từ Nam chí Bắc trong một thời gian liên tục hàng chục năm nay?". Từ năm 1998 đến năm 2007, Trần Bạch Đằng đã viết 977 bài báo, trong đó có 913 bài là thuộc thể loại chính luận.
“NGƯỜI TRONG CUỘC”
Trần Bạch Đằng viết hầu như ở tất cả các thể loại, bất kỳ thể loại nào độc giả cũng thấy ông như “người trong cuộc”.
Là một nhà chính trị, ông luôn quan tâm đến đến những vấn đề nóng hổi của xã hội. Trước những sự kiện lớn của đất nước ông đều có những bài viết phân tích, nhận định, bày tỏ thái độ và đề xuất những giải pháp, kiến nghị. Những vấn đề chính trị mà ông quan tâm rất rộng từ dân chủ xã hội, vấn đề Đảng cầm quyền, quân đội với kinh tế thị trường, hội nhập văn hóa, nhà nước và kinh tế thị trường, đấu tranh tư tưởng v.v… Tất cả những bài viết của ông không chỉ nêu thực trạng của vấn đề mà ông luôn luôn là người có những kiến giải, đề xuất rất sâu sắc. Trong bài viết “Dân chủ nội bộ và dân chủ xã hội”, ông đã thẳng thắn chỉ ra: “Đảng cầm quyền phải công khai trước quần chúng – đó là một nguyên tắc. Sinh hoạt nội bộ thu hẹp trên những việc đơn thuần chỉ liên quan đến nội bộ mà không ảnh hưởng đời sống xã hội – tất nhiên ta không nói những bí mật giữ gìn của đất nước(1)”. Và, ông đi đến kết luận: “Một đại biểu trẻ ở một đảng bộ, trong tham luận nêu vấn đề “nên có đối thoại giữa Đảng và thanh niên”, một cán bộ lãnh đạo bác liền: không thể có đối thoại như vậy; đảng không đối thoại với thanh niên! Không có đối thoại thì chỉ có độc thoại, điều trái với quy luật của dân chủ. Không có dân chủ, không thể có đổi mới tư duy(2)”.
Trong bài viết “Để nghị quyết bước ra khỏi phòng họp”, ông cho rằng bản lĩnh của một chính Đảng không chỉ ở việc đánh giá đúng tình hình, đề ra biện pháp khắc phục mà quan trọng nhất là “thực hiện cái gì đã quyết”, tức “nói đi đôi với làm”, không để nghị quyết chỉ là nghị quyết và ông kết luận: “Nghị quyết trong phòng họp. Quán triệt nó không phải ở một phòng họp khác(3)”.
Là một nhà chính trị nhưng những bài viết của Trần Bạch Đằng về kinh tế lại vô cùng sâu sắc và dễ hiểu. Ông như người thổi hồn mình vào những vấn đề tưởng chừng như khó hiểu này để mọi người đọc với những trình độ khác nhau đều có thể hiểu. Là một nhà lãnh đạo nên ông có nhiều điều kiện đi đến các nơi tìm hiểu và có nhiều thuận lợi trong tiếp cận vấn đề. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những bài viết của ông bàn về phát triển nông thôn, về kinh doanh, về du lịch, tiền lương… luôn cuốn hút người đọc. Trong bài viết với tựa đề “Phát triển nông thôn: lối đi rộng, cánh cửa hẹp” ông đã cổ vũ và khuyến khích cho sản xuất lớn trong nông nghiệp. Nhìn thấy những chính sách như “cánh cửa hẹp” hạn chế người nông dân tích điền và làm giàu, ông đã viết những dòng đầy hóm hỉnh: “Lối đi rộng, cánh cửa còn hẹp là do “thợ” đóng khung cửa. Sợ nông dân giàu – cái sợ vô cớ nhưng tiêm nhiễm lối kỳ thị giàu nghèo thô thiển vẫn chưa chịu lùi về Viện bảo tàng – trở ngại chính cho sự giải phóng lực lượng sản xuất ở nông thôn(4)”.
Nợ công của Việt Nam mới chỉ tăng nhanh trong những năm gần đây, nhất là tăng cao trong giai đoạn 2011 đến nay. Thế nhưng, từ năm 2003, Trần Bạch Đằng đã cảnh báo những vấn đề hôm nay trở thành vấn nạn: “Một trụ sở khang trang mà dùng ngân sách của Trung ương là sự lãng phí lớn nhất – lãng phí đồng thời kém lòng tự trọng. Nền kinh tế và đời sống tại chỗ không liên quan gì đến vẻ lộng lẫy của một trụ sở. Việc này, Bộ tài chính đã nhiều lần nhắc nhở. Còn tham nhũng nữa (….) Đừng để con cháu trách cứ thế hệ chúng ta nợ nần chồng chất và bắt con cháu phải trả…(5)”.
Chống tham nhũng có lẽ là đề tài mà ông giành rất nhiều tâm sức và trí tuệ - và cả nỗi niềm trăn trở trong đó. Những năm tham nhũng mới chỉ như “ngứa ghẻ” “mon men” tiến vào cửa các cơ quan công quyền, bằng mẫn cảm của một nhà chính trị, nhà báo lão luyện, Trần Bạch Đằng đã phát hiện ra điều này và lên tiếng cảnh báo rất khẩn thiết. Trong bài viết “Giải pháp tình thế chiến dịch “bàn tay sạch”” đăng trên Báo Phụ nữ số Xuân Giáp Tuất 1994 ông đã kiên quyết: “Giải pháp bàn tay sạch nghiêm túc. Nó phải loại trừ ngay từ xuất phát các toan tính bè phái, “thí tốt cứu tướng” to tiếng về chuyện nhỏ, cốt lo những vụ tày trời… Hoặc chúng ta hành động ngay bây giờ hoặc chẳng bao giờ(6)”.
Bài viết “Phiếm luận về tham nhũng và chống tham nhũng”, ông đã chỉ ra căn nguyên của công cuộc chống tham nhũng không hiệu quả: “Trong vài năm nay, tham nhũng xuất hiện ồn ào trên báo chí, trong thư tố giác, tại diễn đàn lớn – Quốc hội, Trung ương Đảng chẳng hạn – nhứt là trong chỉ thị, nghị quyết. Chưa lúc nào tham nhũng bị chửi thậm tệ như vừa rồi. Ông bà ông vải, tiên tổ, bà con, chú bác, cậu dì của tham nhũng bị lôi ra xài xể, tham nhũng bị hăm “bắn bỏ” mẻ răng, bị liệt vào hạng lậu, tim la, ung thư, si đa, bị buộc tội Việt gian, bị xem như chó, lợn… Thật hùng hổ. Thế nhưng, tham nhũng không nao. Nhiều lý do, mà một lý do “thuyết phục” hơn cả: trong những người hò hét diệt tham nhũng, đám tham nhũng nhận diện ra “người đồng hội đồng thuyền” với mình, đồng thời đăng đàn chống tham nhũng, thậm chí đảm đương chức vụ chống tham nhũng(7)” v.v…
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt đã từng viết: “Dân Nam Bộ thường nói Nam Bộ có ba chiến đấu viên họ Trần mà trí tuệ và những đóng góp cho thành phố nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung đáng cho hậu thế ngưỡng mộ. Đó là Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà và Trần Bạch Đằng(8)”. Là một chiến sĩ, hẳn nhiên ông là chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống tham nhũng này bằng ngòi bút “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Chuyên mục “Câu chuyện thứ tư” trên Báo Thanh niên là mục ông gắn bó rất lâu dài qua các năm 1994, 1995, 1996, 1997, 2000, 2001 và 2003. Trong chuyên mục này, ông viết rất nhiều bài về thể thao mà chủ yếu là phân tích, mổ xẻ và góp ý kiến một cách đầy trách nhiệm với mong muốn xây dựng nền thể thao Việt Nam vững mạnh, tiên tiến. Trong bài viết “Sự cố các giải vô địch bóng đã nhi đồng” ông lên án gay gắt bệnh thành tích trong thể thao nên mới dẫn đến những gian lận trong bóng đá, kể cả ở giải nhi đồng: “Bệnh thành tích đã xâm phạm trắng trợn đến giải bóng đá nhi đồng, xâm phạm đến lòng mến mộ của đông đảo khán giả(9)”.
Là một nhà lãnh đạo, sau này trở thành cây bút thường xuyên của Báo Công an Thành phố, Trần Bạch Đằng luôn có nhiều bài viết bàn về lực lượng công an. Trong bài viết “Về hai chữ công an”, ông đã lý giải về sự khác biệt giữa công an của chế độ ta khác so với những người làm cùng nhiệm vụ này ở các chế độ khác. Ông viết: “Trong tất cả các bộ phận chuyên chính của Nhà nước công nông, không tổ chức nào mang tính chất tế nhị bằng công an. Tại sao? Mọi chế độ đều có ngành công an – dù tên gọi là gì – và ở ta, suốt thế kỷ thực dân thống trị, danh từ công an đương nhiên đồng nghĩa với đàn áp khốc liệt, rình rập, áp bức, hà hiếp, tham nhũng, vượt lên mọi luật pháp do chính giai cấp tư sản quy định… Đặc biệt, dấu ấn công an ngụy ở Sài Gòn đóng khá sâu vào ký ức của người dân mà không ít là nạn nhân trực tiếp của chúng ở mức này hay mức khác(10)”. Có lẽ ông là người đầu tiên đề cao văn hóa, tri thức của một chiến sĩ công an. Theo ông: “Một thành phố công nghiệp lớn, trong thời bình đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ ngành công an nhiều điều kiện nghiêm khắc. Có tư tưởng, tinh thần và đạo đức tốt phải có tác phong tốt – tác phong văn minh. Cho nên, văn hóa trở thành một trong những điều kiện hàng đầu của một người lấy ngành công an làm sự nghiệp cách mạng. Đánh địch hay phục vụ quần chúng, với người công an, đều nhất thiết phải kết hợp lòng dũng cảm với tri thức – dũng cảm một cách tri thức(11)”. Sau sự kiện Năm Cam, trong bài viết viết “Hiên ngang đứng dưới cờ trung hiếu”, ông đã thẳng thắn lên án và chỉ ra những “con sâu” trong lực lượng công an: “Tội phạm thì thời nào cũng có, mặt trái của kinh tế thị trường tăng thêm cường độ của tội phạm - ở đây, điều xã hội bị đánh động là bởi sự có mặt của một số người trong hàng ngũ công an và bảo về pháp luật trong số tội phạm, kể cả quan chức cấp cao. Hiện thực ấy khiến mọi người đau lòng và chiến sĩ trong ngành không buồn phiền gì về lời lẽ trách cứ của đồng bào bởi hết sức đơn giản, không thể không trách cứ(12)”. Và, ông đã chỉ ra những khó khăn khi “viên đạn bọc đường” bắn xuyên thủng vào mỗi chiến sĩ công an: “Giữ gìn phẩm chất trong sáng, đối với chiến sĩ Công an, ở một bộ phận nào đó và ở một cấp nào đó thực tế là một thử thách gay gắt. Đôi khi không chủ tâm nhận hối lộ hay bao che cho tội phạm để nhận tiền nhưng kẻ xấu vẫn tấn công, bỏ tiền vào túi, ve vãn bằng các buổi nhậu, cung hiến nhà cửa, tài khoản để du hý trong và ngoài nước, học phí cho con ở những nơi sinh hoạt đắt đỏ nhất, giăng lưới mỹ nhân kế, thông qua vợ con v.v…(13)”.
Rất nhiều những bài viết của ông về lực lượng công an sau này đã được đăng trong cuốn sách “Thanh kiếm và lá chắn”.
GHI CHÉP TỈ MỈ CHUYỆN “MẮT THẤY, TAI NGHE”
Trong cuộc đời mình, Trần Bạch Đằng đã đi qua 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cho dù đi với mục đích gì: viếng thăm ngoại giao, trao đổi học thuật hay nghiên cứu kinh tế, đến đâu, ông cũng tìm hiểu cặn kẽ, hỏi chuyện, ghi chép lại tỷ mỷ những chuyện “mắt thấy, tai nghe’ cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan, trung thực và đầy thú vị về những vùng đất mà mình chưa có điều kiện đặt chân tới. Điều đặc biệt, thông qua những bài viết về du ký của ông, người đọc hiểu biết thêm về những vùng đất mới, những đất nước mà hầu như ít người biết tới. Khi đến Kiribati, ông đã viết bài “Viết từ Kiribati” với lời đề tựa: “Một khu vực rất gần gũi với Việt Nam – Hoặc nói cách khác, chính Việt Nam là thành viên của khu vực đó – lại ít được dư luận nước ta chú ý. Và ngược lại khu vực này cũng ít hiểu biết về nước ta. Tôi nói đến Nam Thái Bình Dương(14)”. Qua ghi chép của ông, người đọc biết thêm về một vùng đất kỳ bí ở Nam Thái Bình Dương như Papua New Guinea với 452.000 km2 nhưng chỉ có 3.961.000 dân. Vậy mà đây là nước lớn nhất ở vùng này. Solomon rộng 30.300 km2 và chỉ có 367.000 người. Fiji rộng 18.000 km2 và có 777.000 dân. Tân Thế giới (cái tên ám ảnh với nhiều người Việt Nam, nơi Pháp lưu đày những nhà yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX) rộng 18.000 km2 và chỉ có 182.000 dân. Có những quốc gia nhỏ bé hơn như Tokelau chỉ 10 km2 và 1.500 dân, Nauru với 21 km2 và 10.000 dân, Tuvalu với 26 km2 và 9.500 dân… Và, có chi tiết thú vị trong chuyến đi này của ông, đó là Bộ trưởng Thương mại của một đảo quốc đã đề nghị hợp tác làm ăn với Việt Nam bằng cách đề nghị Việt Nam “nhập vỏ lon bia” của đất nước đó. Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều các bài bình luận quốc tế được bạn đọc hoan nghênh.
Chủ đề trong các bài viết của Trần Bạch Đằng rất rộng, nhưng ở mỗi vấn đề, mỗi sự kiện, ông đều có cách thể hiện rất riêng không thể lẫn với người khác. Nhà báo Lê Phú Khải từng viết: "Những bài mà tôi đọc được trên các báo của tác giả Trần Bạch Đằng thì đúng là do tác giả tự tay viết, vì văn phong - nói nôm na là giọng văn - không thể lẫn với ai được". Ông cũng là tác giả có biệt tài rút title của bài viết rất ấn tượng. Chỉ cần nhìn vào tên bài bài viết đã có thể hình dung ra nội dung bên trong ấy là gì. Nhiều bài viết, những đề xuất, thái độ của tác giả được đưa ngay lên tên bài. Ví dụ: Phép nước phải nghiêm, Nên bớt hình thức, Nhất thiết phải hình thành thêm một tuyến đường bộ xuyên quốc gia, Cần một chính sách thích hợp với người Việt Nam sống ở nước ngoài… Nhưng có lẽ, đặc biệt nhất trong các bài viết của ông là luôn đi thẳng vào vấn đề, không “vòng vo tam quốc”. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đã nhận xét rất chính xác “tác phong” này của ông: “Khi nói hay viết, Trần Bạch Đằng luôn trình bày thẳng những suy nghĩ của mình, không úp mở, quanh co; đi thẳng vào thực chất vấn đề; ghét khoa trương, kiểu cách(15)”.
Sự nghiệp báo chí của Trần Bạch Đằng thật to lớn, không phải chỉ ở số lượng tác phẩm đồ sộ - đương nhiên rồi - mà còn ở những vấn đề, nội dung mà ông đề cập trong mỗi bài viết luôn mang tính thời sự nóng hổi, giàu giàu tính chiến đấu. “Sức làm việc, sức sống của ông làm nhiều người kinh ngạc. Đó là niềm tự hào của làng báo thành phố Hồ Chí Minh và cả nước”./.
Vũ Trung Kiên
Học viện Chính trị khu vực II
--------------------------------
(1) (2) (3) (4) (6) (11) (12) (13) Trần Bạch Đằng: Truyện dài nhiều thế kỷ, Nxb. Thông tấn, H, 2004, tr. 43, 43,113, 259, 129,18, 19, 332, 333.
(5) (9) Trần Bạch Đằng: Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, H, 2007, tr. 879-880, 902.
(7) Trần Bạch Đằng: Kẻ sĩ Gia Định, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2005, tr. 192-193.
(8) (15) Trần Bạch Đằng: Cuộc đời và ký ức, Nxb Trẻ, H, 2006, tr. 10, 7 – 8.
(14) Trần Bạch Đằng: Du ký, H, 2008, Nxb. Trẻ, tr. 175.