Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 23/2/2017 16:17'(GMT+7)

Trân trọng ghi nhận sự cống hiến của các "Thầy thuốc như mẹ hiền"

Gặp mặt các thầy thuốc, chuyên gia y tế 

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), sáng 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt các thầy thuốc, chuyên gia, cán bộ lãnh đạo ngành y tế qua các thời kỳ. Tại buổi gặp mặt, các thầy thuốc, các chuyên gia y tế bày tỏ niềm vui, vinh dự trước sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ đối với ngành trong năm qua, giúp ngành có bước phát triển mạnh mẽ, tạo được niềm tin của nhân dân; mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người dân trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng ngành y tế Việt Nam hiện nay nên đi sâu vào quản lý chất lượng và hướng về làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.  
 
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng gửi đến tập thể cán bộ, chuyên gia, y bác sỹ lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam; cảm ơn sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế đã luôn trách nhiệm, sáng tạo, vượt qua khó khăn để xây dựng ngành ngày càng phát triển, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân. 
 
Biểu dương ngành y tế trong những năm qua đã có sự chuẩn bị khá cân bằng về khuôn khổ pháp lý, đội ngũ cán bộ để thay đổi chất lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Quá trình phấn đấu, phát triển và những đóng góp của ngành y tế là hết sức đáng tự hào. Nhắc đến những vấn đề trọng tâm cần triển khai trong lĩnh vực y tế thời gian tới, như: phát triển đội ngũ y bác sỹ có tay nghề cao, đẩy mạnh y tế dự phòng, trong đó việc triển khai nhập và kết nối dữ liệu sức khỏe cho công dân toàn quốc..., Phó Thủ tướng nêu rõ đây là những việc quan trọng, ngành cần khắc phục khó khăn, đổi mới, vượt qua chính mình, quyết tâm thực hiện để có thể bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.  
 
Phó Thủ tướng tin tưởng mỗi cán bộ, thầy thuốc, y bác sỹ tiếp tục phát huy tối đa những tiềm lực, hoàn thành tốt sứ mạng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân, xây dựng cho được một nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng như lời Bác Hồ căn dặn, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân... 
 
Tôn vinh 100 thầy thuốc tiêu biểu của Thủ đô     
       
Ngày 23/2, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt và biểu dương gần 100 thầy thuốc tiêu biểu – những tấm gương sáng về y đức trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, những người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển y tế của thành phố. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Năm 2016, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song, ngành y tế Hà Nội tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện và đạt được nhiều thành tích quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và phát triển y tế cơ sở.    
   
Ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình khám bệnh, nâng cao y đức, tinh thần phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và các nước trong khu vực như tim mạch, ung thư, sản phụ khoa, ngoại khoa, mắt, răng hàm mặt. Bên cạnh đó, mạng lưới y tế cơ sở luôn được củng cố và kiện toàn, trong năm 2016 đã công nhận 19 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 560/584 xã (đạt 96%).       
   
Hàng năm, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp tuyên truyền các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo môi trường lao động cho người lao động, các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho công nhân viên chức lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.        
   
Tuy nhiên, lãnh đạo Liên đoàn lao động Hà Nội cũng lo lắng về việc chăm sóc sức khoẻ cho công nhân lao động, nhất là với nữ lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp – chế xuất, các khu nhà trọ còn hết sức khó khăn cần được ngành y tế quan tâm hơn nữa. Đặc biệt, cũng theo đề xuất của các cấp công đoàn tại mỗi khu công nghiệp tập trung nên có một cơ sở y tế riêng để phục vụ người lao động, giúp họ có sức khoẻ đảm bảo, yên tâm làm việc.        
   
Chia sẻ những tâm huyết với nghề, sự trăn trở của người “chiến sĩ áo trắng” trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Tiến sĩ Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội và Phó Giám đốc – Bác sĩ chuyên khoa 1- Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Lê Hoàng Tú đã có những “trải lòng” về ngành y Thủ đô hiện nay. “Chúng ta cần phải tạo ra một cuộc cách mạng trong việc chăm sóc bệnh nhân, mà trước hết là thái độ, cung cách phục vụ phải chu đáo, ân cần, đúng như lời Bác dạy “lương y như từ mẫu”, hết lòng vì người bệnh”, Tiến sĩ Lê Nhân Tuấn nhấn mạnh.        
   
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, hiện với 42 cơ sở y tế công lập, trên 5.000 bác sĩ, Hà Nội sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân tại các trung tâm y tế xã, phường. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ và Hà Nội cam kết sẽ hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khỏe của tất cả người dân trong tháng 9/2017. Việc khám bệnh định kỳ sẽ giúp người dân phát hiện sớm một số bệnh, trong đó có tầm soát sớm bệnh ung thư, qua đó, cứu sống người bệnh và tiết kiệm chi phí. 

Đặc biệt, với việc đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội từ cuối tháng 11/2016, Hà Nội sẽ thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho 100% đối tượng người dân trên 40 tuổi tại 2 phường Trung Trực và Điện Biên (quận Ba Đình), sau đó đánh giá và nhân rộng toàn thành phố. Hiện Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép triển khai tầm soát ung thư tiêu hóa với khoảng 2,35 triệu người từ 40 tuổi trở lên ở Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hoá.

Tỏa sáng những tấm gương y đức 

Trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tại tỉnh Sóc Trăng có nhiều gương sáng về y đức, tận tụy vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng người dân, qua đó đem lại niềm vui, sức khỏe và cả tính mạng cho những người khi cận kề với hiểm nguy của bệnh tật. Đến Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc - Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, nơi lúc nào cũng nhiều bệnh nhân phải lưu bệnh. Nếu không có sự nhiệt tình, tâm huyết và cả chịu đựng thì người thầy thuốc khó mà giành lấy sự sống cho người bệnh từng giây, từng phút. 

Theo Bác sĩ Mạch Văn Quang – Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng: Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc có 43 cán bộ, trong đó có 8 bác sĩ, 33 điều dưỡng và các cán bộ khác. Với chỉ tiêu 30 giường bệnh và đặc thù là một bộ phận cấp cứu khẩn cấp nên các bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực xuyên suốt 24/24 giờ. Bệnh nhân được chuyển vào khoa đa số là các trường hợp nặng, khẩn cấp, đe dọa tới tính mạng, đòi hỏi các bác sĩ, điều dưỡng cần phải đánh giá nhanh chóng và đưa ra quyết định hợp lý trong việc điều trị. Với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng dày dạn kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu cùng với tấm lòng yêu nghề, hết lòng phục vụ người bệnh, các bác sĩ, điều dưỡng đã giành lại sự sống từ những cơn thập tử nhất sinh.
 
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Trần Tuấn Quốc, 24 tuổi, ở Phường 4, thành phố Sóc Trăng, nhập viện hồi giữa tháng 11/2016 do mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, sốc gây chèn ép tim cấp đã được cứu sống. Đây là trường hợp được các chuyên gia nhận định hiếm gặp tại Việt Nam, trong khi trên thế giới chỉ có 2 ca được ghi nhận tại Mỹ (năm 2010) và Ấn Độ (năm 2014). Còn nhiều bệnh nhân khác được tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu và chống độc cứu sống như rắn độc cắn, ong vò vẽ đốt nhiều mũi... đã nhận được nhiều lời khen của lãnh đạo các cấp và lời tri ân của rất nhiều bệnh nhân. 

Chị Trương Thị Bích Phượng (ngụ tại ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú), là cháu ngoại của bệnh nhân Đoàn Hoàng Danh (97 tuổi) mắc bệnh viêm phổi, nhồi máu não đang được điều trị tại Khoa chia sẻ: Nhiều lần ông ngoại tôi lên cơn khó thở, tưởng như không thể cứu chữa được nhưng nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa và động viên gia đình nên tình hình của ông hiện giờ khá ổn định. Ở đây, bệnh nhân đông mà toàn là bệnh nặng, các thầy thuốc đều ân cần và nhiệt tình, gia đình thấy tin tưởng lắm. 

Cũng với tấm lòng nhiệt tình như những cán bộ, bác sĩ của Khoa Hồi sức cấp cứu, chị Phạm Thị Năm, Trưởng khoa kiêm Tổ trưởng tổ chống lao huyện Mỹ Tú, Khoa Phòng chống bệnh xã hội - Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú đã có trên 30 năm gắn bó với nghề y ở địa bàn cơ sở. Chị Năm luôn giữ được lòng nhiệt huyết, hết lòng vì bệnh nhân, đặc biệt đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, được đồng nghiệp quí mến và nhận được nhiều lời khen tặng ở trong hoàn cảnh nào cũng luôn là tấm gương sáng về y đức trong đội ngũ ngành Y tế Sóc Trăng. 

Từ vùng quê Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chị cùng gia đình vào miền Nam lập nghiệp sau ngày giải phóng. Năm 1984 – 1987, chị theo học khóa y sĩ tại Trường Trung cấp Y tế Cần Thơ. Sau khi ra trường, trải qua nhiều vị trí công tác, từ năm 1993 chị làm việc tại Khoa Phòng chống bệnh xã hội - Trung tâm Y tế huyện Mỹ Tú với vai trò là Trưởng khoa, kiêm Tổ trưởng tổ chống lao huyện Mỹ Tú đến nay. 

Theo chị Năm, những năm khi mới về công tác ở Mỹ Tú, đời sống vật chất nhân dân còn rất nhiều khó khăn; phong tục, tập quán lạc hậu; kiến thức về y học của người dân còn rất nhiều hạn chế... nói đến bệnh lao thì ai cũng thấy sợ và xem đây là một chứng bệnh nan y không thể chữa khỏi. Khi được giao nhiệm vụ phụ trách chương trình phòng, chống lao tại địa phương, chị Năm không ngần ngại sẵn sàng bắt tay vào việc ngay. Luôn chấp hành mọi sự phân công của lãnh đạo, cùng với lòng nhiệt huyết yêu nghề, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi đây cộng với kiến thức có được, chị đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của tuyến trên về công tác phòng, chống lao trên địa bàn; tham mưu với lãnh đạo địa phương đưa ra nhiều giải pháp phù hợp để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu cho ngưởi dân, giúp bà con thay đổi nhận thức, thực hiện cách phòng bệnh lao; đồng thời, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc điều trị tại nhà. Nhờ đó, chị được nhiều bệnh nhân quí mến, yêu thương. 

Không chỉ nỗ lực trong công việc, chị còn giúp đỡ các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, tận tình chỉ dẫn cho họ để đạt hiệu quả công việc tốt nhất. Chị luôn phấn đấu, không ngừng học tập, trau dồi y đức, nghề nghiệp; tham gia tích cực các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến và giải pháp hữu ích trong chương trình phòng, chống lao để vừa ít tốn kém vừa mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chị còn tham gia công tác chỉ đạo tuyến, giúp các trạm y tế xã, thị trấn thực hiện tốt chương trình phòng, chống lao tại địa phương; tích cực tham gia các hoạt động văn thể mỹ, hoạt động đoàn thể, hiến máu nhân đạo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn... Sau hơn 30 năm công tác, điều mà chị Năm luôn cảm thấy vui và hạnh phúc nhất là giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn chữa lành bệnh lao và sống hòa nhập với cộng đồng. 

Với sự nhiệt tình và hết lòng vì người bệnh nghèo, chị luôn được bệnh nhân thương yêu, đồng nghiệp quí mến, lãnh đạo hết lòng tin cậy. Chị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cùng nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành./.      
       
       
TG tổng hợp      
       
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất