Đến với Khu di tích chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội những ngày đầu Xuân Đinh Dậu mới thấy hết được không khí rộn ràng, hoan hỷ của các tăng ni, phật tử, du khách thập phương về trẩy hội nơi đây. Từ hơn 4 giờ sáng, suối Yến đã tấp nập người qua lại. Chùa Hương khai hội từ ngày mồng 6 tháng Giêng nhưng trước đó, xã Hương Sơn đã thu hút hàng nghìn du khách. Theo ghi nhận của chúng tôi, Lễ hội chùa Hương 2017 có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hệ thống hàng quán đã bớt lộn xộn, không còn hình ảnh thịt tươi sống được treo bán dọc hai bên đường đi. Các nhà vệ sinh công cộng được bố trí khá hợp lý. Tình trạng chèo kéo, đeo bám khách đổi tiền lẻ, khấn thuê không còn như nhiều năm trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Xuân Hoan, Phó ban Quản lý di tích, thắng cảnh Hương Sơn cho biết, chỉ tính riêng hai ngày khai hội, chùa Hương đã đón hơn 15 vạn du khách. Bắt đầu từ ngày mồng 4 Tết, lực lượng công an thành phố được tăng cường nhằm bảo đảm an ninh, trật tự cho lễ hội. Đáng chú ý, mùa lễ hội năm nay, ban tổ chức (BTC) cấm triệt để các phương tiện có động cơ như ca nô, xuồng máy hoạt động trên suối Yến; 13 nhà vệ sinh công cộng do BTC quản lý đều được mở cửa miễn phí phục vụ du khách. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn tại cáp treo vẫn tái diễn. Theo ông Hoan, do cung không đủ cầu nên tình trạng này không thể tránh khỏi và việc khắc phục vẫn là bài toán khó cho những mùa lễ hội tiếp theo.
Sáng ngày 3-2, tức mồng 7 Tết Đinh Dậu, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2017 tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã chính thức khai hội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự lễ hội và thực hiện cày tịch điền-nghi lễ chính của lễ hội mang ý nghĩa khai mở một năm lao động, cày cấy mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Điểm mới của Lễ hội Tịch điền năm nay là bên cạnh việc thực hiện nghi thức cày tịch điền bằng trâu truyền thống còn có sự xuất hiện của máy cày nhằm khuyến khích công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đây là năm đầu tiên lễ hội có các gian hàng sản phẩm làng nghề truyền thống của các địa phương. Trong những ngày đầu Xuân ấm áp, tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những đường cày thẳng tắp đã trở nên quen thuộc và may mắn, thúc giục người dân các địa phương bước vào vụ mới, xuống đồng sản xuất nông nghiệp và mang về mùa vàng bội thu.
Cũng trong đêm mồng 7, tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cũng đã khai hội chợ Viềng. Theo truyền thống từ nhiều năm nay, đây là phiên chợ mua may bán đắt đầu năm. Nhân dân thập phương đổ về đây tham quan, mua sắm với ước mong một năm mới may mắn, thành công. Các sản phẩm bán tại chợ chủ yếu là nông cụ, cây trồng, liềm hái... Người dân từ các tỉnh như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định... cũng về tham dự. Như mọi năm, lượng khách du xuân về chợ Viềng rất đông, trời lất phất mưa đã làm không khí ở đây thêm xuân.
Vẫn còn chờ vào ý thức của chủ thể lễ hội
Một trong những lễ hội còn phải bàn trong những ngày đầu của mùa lễ hội Xuân 2017 vẫn là Lễ hội đền Gióng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Từ 7 giờ sáng mồng 6 tháng Giêng, lễ hội này chính thức được khai hội. Nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre, dâng trầu cau lên đền thờ Thánh Gióng. Sau lễ dâng hoa, một đoàn tùy tùng có nhiệm vụ rước các vật phẩm này qua các đền, kết thúc hành trình ở đền Hạ. Sau đó, hoa tre được tung ra sân để cho người dự hội “cướp” lấy may. Người dân quan niệm rằng, càng “cướp” được nhiều lộc, họ càng may mắn nên ai cũng lao vào, thậm chí giẫm đạp lên nhau để “cướp” lộc. Được biết, năm nay BTC đã bố trí hàng trăm thanh niên tình nguyện để bảo vệ đoàn rước lộc và không cho du khách tập trung quá đông tại nơi diễn ra hoạt động tranh lộc nhưng người dân đã bất chấp lực lượng công an, an ninh để giành giật, tranh cướp phần lộc về mình, khiến lễ hội trở nên hỗn loạn.
Hình ảnh chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc là tình trạng thường xuyên tái diễn tại các mùa lễ hội. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng TP Hà Nội hiện có gần 2.000 lễ hội với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, diễn ra tập trung vào mùa xuân. Trong năm 2016, hầu hết các lễ hội trên địa bàn thành phố diễn ra vui tươi, lành mạnh, bảo đảm đúng quy định, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn còn có những tồn tại cần khắc phục. Đón lễ hội Xuân 2017, Hà Nội đã triển khai phân cấp quản lý lễ hội, thực hiện kiểm tra và giám sát chặt chẽ tổ chức phần lễ và phần hội; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, mê tín dị đoan, cờ bạc dưới mọi hình thức.
Cùng với TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng đã có công văn đề nghị các UBND thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, bên cạnh những tiến bộ đã đạt được của năm 2016, công tác quản lý lễ hội còn tồn tại hạn chế, yếu kém cần được khắc phục. Một số lễ hội còn duy trì những tập tục mang yếu tố phản cảm, bạo lực như chém lợn, tranh cướp, xô đẩy, đeo bám khách, ăn xin, gây mất an ninh, trật tự; việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong lễ hội chưa cao... Để hoạt động lễ hội năm 2017 được tổ chức tốt, đặc biệt trong dịp đầu Xuân năm mới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, cần xã hội hóa mạnh mẽ công tác vệ sinh môi trường tại các điểm di tích tổ chức lễ hội để tăng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, luôn bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với ngành VHTT&DL trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội.
Nói như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, lễ hội là di sản văn hóa, là nơi con người trở về với nguồn cội, với cha ông, với lịch sử, quê hương. Mỗi lễ hội mang một ý nghĩa, giá trị văn hóa riêng, chứa đựng trong đó tinh thần nhân văn, uống nước nhớ nguồn, hướng tới khát vọng tốt đẹp, cầu mong những điều tốt lành để mỗi người trong cộng đồng có cuộc sống bình an, hạnh phúc. Công tác tổ chức lễ hội có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ thể của lễ hội. Đó là những người trực tiếp tham gia lễ hội, gồm người tổ chức lễ hội, các tăng ni, phật tử, du khách thập phương. Mong rằng, bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành, những người tổ chức lễ hội sẽ tổ chức các lễ hội một cách đúng nghĩa, tránh hiện tượng biến tướng lễ hội, mê tín dị đoan. Người dân và du khách thập phương sẽ ý thức hơn khi đến với các lễ hội để lễ hội Xuân thật sự là những lễ hội văn hóa.
Nguyễn Hoài/QĐND