Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 7/2/2017 21:48'(GMT+7)

Trường Chinh - Nhà văn hóa lớn

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nổi tiếng của làng khoa cử Hành Thiện thuộc tổng Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Kế thừa truyền thống yêu nước, văn hóa của dân tộc, quê hương, gia đình và sớm tham gia phong trào cách mạng, cuộc đời người đảng viên cộng sản Trường Chinh sôi nổi và phong phú, gắn liền với những chặng đường đấu tranh vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Đó là một nhà chính trị, nhà chiến lược, nhà tư tưởng, nhà lý luận kiệt xuất, dày dặn kinh nghiệm và nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ hòa quyện với nhau - một sự nghiệp chính trị thống nhất với sự nghiệp văn hóa

1. Kiến trúc sư của nền văn hóa mới

Là một học trò xuất sắc đồng thời cũng là một người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ khi gặp Người, đồng chí Trường Chinh luôn đồng tâm, hiệp sức cùng Trung ương Đảng gánh vác sự nghiệp chung. Những đóng góp của đồng chí trong việc chuẩn bị dự thảo nội dung Nghị quyết ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941), trong Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (3/1945), và nhất là trong những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, những ngày đấu tranh bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ (1945-1946), trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1946-1975), trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới… là minh chứng sinh động nhất của tài năng một nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận sắc sảo của Đảng.

Càng trong những bước ngoặt lịch sử quan trọng, đòi hỏi có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của sự nghiệp cách mạng nước ta, càng thấy hiển hiện chân dung một Trường Chinh - người cộng sản, nhà chính trị đã kế thừa và không ngừng hoàn thiện tri thức văn hóa của mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để trở thành một nhà văn hóa lớn. Trong con người của Trường Chinh, tư duy chiến lược tài năng và tư duy sách lược nhạy bén, sự nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc hòa quyện với tầm cao tri thức văn hoá để suy nghĩ và sáng tạo; để cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta kiên trì vượt qua bao cản trở, hiểm nguy đấu tranh thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, thực hiện thắng lợi các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; và nhất là góp sức kiến tạo một nền văn hóa mới của Việt Nam.

Không chỉ là nhà hoạt động chính trị, như là kiến trúc sư của nền văn hóa mới Việt Nam, xuất hiện trong những thời điểm bước ngoặt của lịch sử, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình hình thành đường lối lãnh đạo và lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Những tác phẩm, bài phát biểu để đời của đồng chí từ trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám cho đến khi đi xa, đã góp phần định hướng cơ bản, giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra đối với sự phát triển nền văn hóa dân tộc. Là thi sĩ, Đề cương về văn hóa Việt Nam, Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này (1945) nhằm phát triển và cụ thể hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943); Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam trong Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ II (1948); Phấn đấu cho một nền văn học - nghệ thuật phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (1957); Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ III (1963); bài phát biểu trong Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV (1968)… vẫn vẹn nguyên sức sống diệu kỳ đến ngày nay; chứng tỏ tri thức uyên thâm, lý luận kiệt xuất, sức sáng tạo và tầm nhìn chiến lược của đồng chí Trường Chinh. Hòa quyện chính trị, tư tưởng với văn hóa, văn nghệ của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, suốt hành trình ấy, với trọng trách được giao phó, đồng chí vừa chỉ đạo, vừa viết những bài báo, những văn kiện, tác phẩm, phát huy sức mạnh của chính trị và văn hoá trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; để trở thành "không những là một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất của Đảng, của Nhà nước ta, mà còn là nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo lớn của nước nhà"[1]. Bởi vậy, “ở đồng chí, văn hoá đã làm phong phú thêm chính trị và chính trị đã soi đường cho văn hoá”[2].  

Năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí khởi thảo đã làm sáng rõ tình hình văn hóa của Việt Nam khi đó; được xem như cội nguồn, tạo ra bước ngoặt của toàn bộ nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương cũng xác định rõ nền tảng của văn hóa là kinh tế và sức mạnh của văn hóa chính là sức mạnh của tinh thần, phục vụ mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội. Muốn phục vụ cách mạng một cách tích cực và hiệu quả, nền văn hóa đó phải là một nền văn hóa có tính dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Và để đạt được mục tiêu đó, để văn hóa trở thành vũ khí chiến đấu, cải tạo xã hội thì nền văn hóa đó phải có Đảng lãnh đạo… Đến năm 1948, tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đã phát triển sâu sắc và toàn diện nội dung bản Đề cương văn hóa Việt Nam, hướng mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, giúp những người nghệ sĩ- chiến đấu trên mặt trận này nắm được quy luật sáng tạo nghệ thuật và tất yếu khách quan của cuộc sống. Trong đó, lập trường của người nghệ sĩ- chiến sĩ được nêu rõ, cụ thể là: về xã hội là phải lấy giai cấp công nhân làm gốc; về chính trị lấy độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội làm gốc; về tư tưởng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin làm gốc; về sáng tác văn nghệ lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc. Nền văn hóa dân chủ mới ở Việt Nam gồm đủ 3 tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng[3] với phương châm vận động là dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Và mặc dù đi qua bao thăng trầm cùng lịch sử, gạn đục khơi trong vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống, nền văn hóa mới vẫn đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Với ý nghĩa đó, “các chiến sĩ văn hóa của chúng ta không thể tìm tự do ngoài cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc và của thế giới dân chủ chống chủ nghĩa đế quốc”[4]; không thể không sáng tác những tác phẩm hướng về dân tộc, vì độc lập dân tộc… Đây là tác phẩm lý luận văn hóa mácxít có giá trị to lớn đối với sự phát triển văn hóa, văn nghệ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu một mốc mới về sự phát triển của văn hóa, văn nghệ cách mạng - thực sự trở thành một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc và trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam sau đó.

Đặc biệt, trong mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh văn hóa không thể tách rời chính trị và kinh tế, nhưng cũng sẽ không phụ thuộc máy móc vào điều kiện kinh tế và đương nhiên văn hóa có tác động trở lại kinh tế, chính trị “nhiều khi với sức mạnh phi thường”; và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì văn hóa có vai trò “soi đường cho quốc dân đi”. Bởi rằng, theo Trường Chinh thì “kinh tế là nhân tố quyết định chủ yếu đời sống tinh thần của xã hội. Đương nhiên, kinh tế không phải là nhân tố quyết định duy nhất và nhiều khi không phải là nhân tố quyết định trực tiếp…văn hóa, nghệ thuật, triết học, đạo đức,v.v..”[5], “khi nào những học thuyết chính trị và những tác phẩm văn nghệ diễn đạt quyền lợi của giai cấp tiên phong thì thường nó lại đi trước thực trạng kinh tế”[6], “văn hóa cách mạng đã đi trước thực trạng kinh tế và ảnh hưởng lại xã hội một cách mãnh liệt”[7] và “những tác phẩm căn cứ vào thực trạng xã hội mà đoán trước rất đúng bước tiến triển tất yếu của lịch sử càng có giá trị đối với xã hội tiến hóa”[8]…

Sau đó, với báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” đọc tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2/1951), “Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội” đọc tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II (2/1957) và nhất là bài phát biểu của đồng chí tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ IV (1/1968) đã thể hiện rõ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta. 8 nội dung lớn: 1) Văn nghệ là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, của Đảng trong cuộc đấu tranh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. 2) Văn nghệ ta phải thực sự là nền văn nghệ của nhân dân. 3) Văn nghệ ta phải có tính dân tộc. Văn nghệ ta phải là văn nghệ của nhiều dân tộc ở nước ta. 4) Văn nghệ phản ánh hiện thực khách quan một cách cao đẹp, góp phần cải tạo hiện thực đó theo một lý tưởng nhất định. 5) Mục đích của văn nghệ ta là giáo dục con người mới. 6) Tiếp thu có phê phán những tinh hoa của văn nghệ dân tộc và những thành tựu tốt đẹp của văn nghệ thế giới xưa và nay. 7) Nắm vững phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa để sáng tác và phê bình. 8) Với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, chúng ta xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ cao đẹp nhất của loài người…, đã thể hiện bao quát những vấn đề cơ bản về chức năng, vai trò, đặc trưng, tính chất, mục đích, nhiệm vụ, phương pháp sáng tác, mục tiêu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Cũng trong bài phát biểu đó, những quan điểm cơ bản về tính chiến đấu, tính nhân dân, tính dân tộc, tính hiện thực, tính thời đại của văn nghệ và mục tiêu xây dựng con người mới mà khi sáng tác thì “miêu tả những con người mới của Việt Nam phải hệt Việt Nam ném vào bất cứ nước nào cũng không thể lẫn được”… cũng đã được nhấn mạnh.

Là một nhà văn hóa lớn, chiều sâu của những luận điểm về văn hóa, văn nghệ trong các trước tác của đồng chí Trường Chinh không chỉ toát lên tính chiến đấu sắc bén và năng lực tư duy sâu sắc, tạo sức thuyết phục cao, mà còn phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ở mỗi chặng đường lịch sử, trước mỗi thử thách của thời cuộc, đồng chí Trường Chinh đều từ sự đánh giá đúng tình hình, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của văn hoá, văn nghệ trong mối quan hệ với chính trị và kinh tế để tư duy, sáng tạo trong các tác phẩm, các bài viết. Những quan điểm đó tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh lý luận đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Cùng với thời gian, mạch nguồn tư duy lý luận và sáng tạo của đồng chí vốn xuất phát từ cốt cách, bản sắc, truyền thống gia đình, quê hương, đất nước lại tiếp tục được hun đúc, đắp bồi trong dòng chảy của sự chắt lọc và tiếp thu để làm giàu cho chính mình.

2. Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nhân cách văn hóa lớn

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”[9], cũng giống như Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh sớm ý thức rõ vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng, “sớm có duyên nợ với báo chí” và đấu tranh cách mạng bằng ngòi bút sắc bén của người làm báo. Với văn phong chính luận giản dị mà khúc chiết, tính chiến đấu cao và sức truyền cảm lớn, từ thập niên 1940, Trường Chinh là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam đã kế tục sự nghiệp báo chí của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng.

Viết báo từ những năm 1920, khi còn là học sinh Trường cao đẳng tiểu học ở Nam Định, đồng chí từng là chủ bút báo Dân cày (1928), viết nhiều bài cho báo Búa liềm, tạp chí Công hội đỏ (1929), tạp chí Cộng sản (1931 - 1932), chủ bút Con đường sángĐuốc Việt Nam (1931 - 1932), tờ Lao tù (1933), chủ bút báo Giải phóng (1936 - 1939), trực tiếp phụ trách báo Tin Tức (1938), viết cho báo Ngày mới (1938); trực tiếp chỉ đạo báo Đời nay (1938), phụ trách các báo công khai khác như Thời thế và tờ báo tiếng Pháp (Le Travail, Rassemblement); sau này chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như các báo Cờ Giải phóng, Sự thật, Nhân dân, tạp chí Học tập (Cộng sản)… Những tác phẩm báo chí xuyên suốt chặng đường hoạt động cách mạng là một bộ phận trọng yếu trong di sản tư tưởng, lý luận của đồng chí Trường Chinh, đồng thời cũng và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Với nghề văn và nghề báo, nhà văn hóa- nhà báo- nhà thơ Trường Chinh không chỉ sát với thực tiễn, nhạy cảm trước mỗi sự kiện lịch sử, trước những biến động của thời cuộc để sáng tạo mà còn luôn chú trọng từng con chữ, từng trang bản thảo bài viết, bài phát biểu. Trân trọng tiếng Việt, không chỉ phát động và thực hiện “phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta”, bảo vệ tiếng Việt, phê phán bệnh sính nói chữ và dùng sai chữ, đồng chí còn luôn nghiêm cẩn với chính mình từ khâu viết bài, sửa bài, dùng lời văn trong sáng, chuẩn xác trong từng tác phẩm…nhằm tôn trọng người đọc. Không chỉ dừng ở việc yêu cầu và mong muốn những người sáng tác phải nhạy cảm để sáng tạo, theo sát thực tiễn và thổi vào mỗi sáng tác của mình tâm huyết và tình yêu của cuộc sống, niềm tin vào tương lai tuơi sáng của dân tộc… để mỗi tác phẩm của mình phải mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh sinh động thực tiễn mà đồng chí còn nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức khi làm nghề; mỗi người phải “luôn giữ cho được trách nhiệm và nhân cách của văn nghệ sĩ trong sáng tác phục vụ cuộc sống, đất nước, phục vụ nhân dân và xã hội”.

Vừa là nhà báo cách mạng nổi tiếng, vừa là người tổ chức, chỉ đạo báo chí của Đảng, những bài viết, phát biểu của đồng chí luôn kịp thời, chủ động và thể hiện bản lĩnh, sắc sảo, cá tính và trung thực với tinh thần trách nhiệm cao. Những quan điểm của đồng chí về vai trò, vị trí của báo chí cách mạng, nguyên tắc làm báo, cách viết báo, phẩm chất, đạo đức của người làm báo... đến nay vẫn mang giá trị sâu sắc. Luôn luôn quan tâm đào tạo, dìu dắt các thế hệ làm báo lớp sau, truyền cho họ kinh nghiệm của mình, khi đến thăm tạp chí Học tập ngày 23/12/1959, đồng chí nhấn mạnh, “muốn làm tốt công tác ở một cơ quan lý luận, tư tưởng của Đảng, chúng ta phải chú ý rèn luyện về ba mặt: Một là, củng cố lập trường cách mạng của giai cấp công nhân, cũng chính là lập trường của chủ nghĩa Mác- Lênin, nâng cao tư tưởng của mình lên. Hai là, học tập lý luận, đường lối, chính sách của Đảng. Có hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin, hiểu chính sách thì viết bài mới tốt. Ba là, gần gũi phong trào quần chúng. Phải gần gũi quần chúng đảng viên cũng như quần chúng ngoài Đảng để nghe ý kiến quần chúng đối với bài báo của mình, để phục vụ quần chúng, để quần chúng hiểu được mình”…, góp phần động viên quần chúng sôi nổi sáng tạo, tham gia phong trào cách mạng, góp sức trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện kháng chiến và kiến quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là người yêu thơ, là nhà thơ mang bút danh Sóng Hồng, tác phẩm thơ của đồng chí Trường Chinh chủ yếu được tập hợp trong hai tuyển tập do Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 1966 và 1974; bao gồm nhiều thể loại khác nhau, nhưng hầu hết là thơ chính trị. Những tác phẩm thơ ‘chính trị” ấy lại không hề khô khan mà chính “là phản ánh của thời đại, là tờ báo của cuộc sống đang lên… đi sát quần chúng, tìm hiểu quần chúng, học hỏi cách nói của quần chúng”[10], thể hiện cảm xúc, tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở sự nghiệp cách mạng; đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, của thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong số đó, bài thơ Là thi sĩ (1942) không chỉ hay về vần điệu mà nội dung còn thể hiện tư tưởng, sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc, cùng trách nhiệm của nhà thơ với thời cuộc. Mang hơi thở của hiện thực đấu tranh cách mạng, khi sôi nổi hào hùng, khi thâm trầm sâu sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng cao cả, sứ mệnh cao cả của một nhà chính trị với tâm hồn một thi sĩ, thơ của Sóng Hồng và cách mạng không hề tách rời mà thống nhất trong nhau. Vì rằng, theo đồng chí: “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp… Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lý trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật”[11].

Tuyên ngôn: "Lấy cán bút làm đòn chuyển xoay chế độ. Mỗi vần thơ - bom đạn phá cường quyền!" của Sóng Hồng đã khẳng định tính chiến đấu, tính hấp dẫn và thuyết phục của văn thơ và sứ mệnh lịch sử của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng. Tuyên ngôn ấy và những tác phẩm thơ của Sóng Hồng như:  Là thi sĩ (1942), Xuân đã về (1943), Nói chuyện với cô T (1969), Gửi một nhà thơ trẻ (1970)… được in trong 2 tuyển tập, cũng chính là sự phản ánh hiện thực khách quan, gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tham gia vào giải quyết những vấn đề nóng hổi của cuộc sống; đồng thời là vũ khí sắc bén để phục vụ sự nghiệp cách mạng; hàm chứa một niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ cách mạng; thể hiện khí phách, nhiệt huyết, kiên trung của một người cán bộ cách mạng đầy bản lĩnh.

Luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống giản dị, ít nói về mình, dám làm và dám chịu trách nhiệm, Trường Chinh là một nhà hoạt động văn hóa sắc sảo, một nhân cách văn hóa trong một nhà chính trị tài năng. Ham hiểu biết, có vốn tri thức phong phú, đặc biệt là về lịch sử, văn hóa dân tộc, đồng chí luôn “làm giàu” mình bằng sức đọc lớn; bằng ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong công tác. Sự thẳng thắn tự phê bình và phê bình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn với vị thế một lãnh đạo cao cấp của Đảng, một tư lệnh của mặt trận tư tưởng – văn hóa của đồng chí cùng lối sống trong sạch, giản dị, chân tình, quan tâm một cách chu đáo đến người khác… chính là sự thể hiện một cách sinh động nhất trí tuệ, lương tâm và tình cảm cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, nhân cách văn hóa của nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng ta - Người hai lần gánh vác trọng trách Tổng Bí thư của Đảng (trong những khúc quanh lịch sử đầy cam go của cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp; trong bước ngoặt lịch sử Đổi mới toàn diện để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững).

81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng tận tâm, kiên cường, đồng chí Trường Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách văn hóa lớn đã nêu một tấm gương sáng về sự phấn đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp chính trị hòa quyện trong một nhà văn hóa lớn Trường Chinh với những dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng cùng nhiều bài học quý về đức độ, tâm hồn trong sánh và nhân cách cao đẹp của người cộng sản là một tấm gương sáng để mỗi người soi vào và học tập./.

TS Văn Thị Thanh Mai

-----------
[1] Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr.22.
 
[2] Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr.400.

[3] Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, H, 1976, t.2, tr.200.

[4] Trường Chinh: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nxb. Sự thật, H,1974, tr.24.

[5] Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Sđd, tr.149-150.

[6] Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Sđd, t.2, tr.153.

[7] Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Sđd, t.2, tr.156.

[8] Trường Chinh: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Sđd, t.2, tr.152.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.6, tr.368.

[10] Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Sđd, tr.827.

[11] Sóng Hồng: Thơ, Nxb. Văn hóa, H, 1983, tr.27, 6.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất