Những động
thái nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Anh và Mỹ tới vùng biển
sát lãnh hải Iran nhằm gây sức ép mạnh mẽ lên Tehran dự báo sẽ trở thành
một cuộc đối đầu quyết liệt ở khu vực.
Anh đã cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng
sau khi Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở
dầu “Stena Impero” của Anh ở eo biển Hormuz với lý do tàu này “không
tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế” khi đi qua đây. Đáng chú ý, vụ
việc xảy ra chỉ hai tuần sau khi giới chức Anh bắt giữ tàu Grace 1 của
Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar do tình nghi vi phạm các lệnh
trừng phạt Syria. Hai bên đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm luật pháp quốc
tế, song vụ việc xảy ra được cho là động thái “ăn miếng trả miếng” trong
bối cảnh Mỹ đang hối thúc các đồng minh phương Tây ủng hộ kế hoạch tăng
cường lực lượng ở vùng Vịnh.
Ngay sau vụ việc nêu trên, Anh tuyên bố
sẽ tìm cách thiết lập một phái bộ bảo vệ hàng hải do châu Âu dẫn đầu để
hỗ trợ sự qua lại an toàn của cả thủy thủ đoàn và hàng hóa tại khu vực
trọng yếu ở eo biển Hormuz. Tuyên bố này nhằm bổ sung cho các đề xuất
của Mỹ sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng
J.Dunford cho biết dự định thành lập một liên minh sẵn sàng bảo đảm tự
do hàng hải tại eo biển Hormuz và Bab al-Mandab, tuyến đường biển chiến
lược nối Biển Đỏ với Vịnh Aden và Biển A-rập.
Đây là tuyến vận tải biển then chốt kết
nối các nhà xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông tới các thị trường trên thế
giới. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng McKenzie cam kết sẽ
nỗ lực bảo đảm an toàn hàng hải tại vùng Vịnh. Mỹ từng kêu gọi hơn 20
nước, trong đó có hai đồng minh chủ chốt là Các Tiểu vương quốc A-rập
thống nhất (UAE) và A-rập Xê-út, hợp tác trong kế hoạch của Mỹ về xây
dựng an ninh hàng hải ở khu vực Trung Đông.
Thực tế, Mỹ bắt đầu cân nhắc kế hoạch
bảo vệ tuyến đường biển sau nhiều vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng Vịnh
kể từ đầu tháng 5 đến nay. Đây là chiến dịch gây sức ép đối với Iran bên
cạnh các đòn trừng phạt đã được tung ra.
Tổng thống Mỹ D.Trump mới đây tuyên bố,
ngày càng khó để ông có thể đạt một thỏa thuận với Iran và tình hình có
thể đi theo chiều hướng khác rất dễ dàng. Trong khi đó, Iran phản đòn
bằng các biện pháp cứng rắn, trong đó có tuyên bố rút khỏi một phần các
cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hay vượt giới
hạn cho phép về dự trữ lượng urani làm giàu.
Những diễn biến mới nhất tại vùng Vịnh
đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt do lo ngại vụ việc có thể làm gián
đoạn nguồn cung tại khu vực này. Liên hiệp châu Âu (EU) bày tỏ sự lo
ngại sâu sắc trước những diễn biến căng thẳng mới tại eo biển Hormuz,
cho rằng vụ bắt giữ tàu chở dầu Anh tiềm ẩn nguy cơ khiến tình hình xấu
thêm và hủy hoại các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho các căng
thẳng sẵn có.
Bất cứ một động thái nào ở vùng Vịnh
hiện nay đều nhạy cảm và dễ làm leo thang căng thẳng ở khu vực, trong
bối cảnh giữa Iran và phương Tây xảy ra nhiều tranh cãi gần đây. Cộng
đồng quốc tế kêu gọi tránh các hành động “thêm dầu vào lửa” ở vùng biển
chiến lược này, nơi các chuyến tàu chở dầu và tàu thương mại vẫn hằng
ngày qua lại tấp nập. Trung Đông đã có quá nhiều bất ổn và cần tránh để
xảy ra thêm một cuộc đối đầu nguy hiểm nữa./.