Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 30/11/2018 10:4'(GMT+7)

Trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 19 - năm 2018.

Khai quật khảo cổ học. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Khai quật khảo cổ học. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật tổ chức lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 19 - năm 2018.

Phát biểu tại lễ trao giải, PGS. TS. Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết danh nhân Phạm Thận Duật là nhà sử học, nhà văn hóa lớn, sỹ phu yêu nước của thế kỷ XIX, tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo.

Ông sinh ngày 4/11/1825 ở làng Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông mất ngày 29/11/1885 trên đường bị thực dân Pháp bắt đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti.

Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời từ năm 2000 với mục đích góp phần động viên, khuyến khích các tài năng sử học, vinh danh các tiến sĩ sử học xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành khoa học lịch sử nước nhà.

Được tổ chức hàng năm, giải trao cho các tiến sỹ có luận án sử học xuất sắc trong cả nước.

Qua 18 lần trao giải, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã trao 95 giải gồm 8 giải nhất, 38 giải nhì, 48 giải ba, trong đó có 2 tiến sỹ người nước ngoài cho những công trình nghiên cứu xuất sắc trong bộ môn lịch sử.

Theo GS. TSKH. Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xét thưởng tiến sỹ sử học Phạm Thận Duật, giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 19 năm nay được trao cho những luận án tiến sỹ sử học xuất sắc nhất được tuyển chọn và đề cử từ các hội đồng khoa học xét duyệt luận án tiến sỹ sử học trong cả nước. 

Trong đó 1 giải nhất được trao cho TS. Phạm Lê Huy, công tác tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội với luận án xuất sắc “Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời đô hộ tùy Đường”. Hai giải nhì trao cho TS. Nguyễn Văn Chuyên Ban Thanh tra, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với luận án “Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ trong quan hệ thương mại khu vực và quốc tế thế kỷ XI-XIX” và TS. Nguyễn Văn Quảng, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với luận án “Các di tích đền-tháp, thành-lũy Champa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”.

Ba giải ba gồm các luận án “Thủ công nghiệp và thương nghiệp Đàng Ngoài thế kỷ XVII-XVIII” - TS. Lê Thùy Linh; luận án “Cuộc chiến giữa lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh giai đoạn 1778-1802” - TS. Nguyễn Thị Hằng Nga; luận án “Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh Bắc Giang từ năm 1997 đến năm 2015” - TS. Nguyễn Thị Vân./.

(TTXVN)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất